Chủ Nhật, 08/12/2024, 11:12

DN FDI nhìn vào triển vọng dài hạn khi đầu tư ở Việt Nam

Xem thêm

Khi quyết định đầu tư, DN không nhìn vào những diễn biến ngắn hạn để quyết định. Nhiều DN FDI nhận định Chính phủ Việt Nam luôn cam kết và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, do đó các DN coi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong dài hạn.

Đây là ý kiến trao đổi với Báo điện tử Chính phủ của các chuyên gia kinh tế cao cấp đến từ các đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam. Ảnh: VGP.

Chính phủ đã tận tâm nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam cho biết Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 9/2021 của WB đưa ra nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cho thấy lòng tin vào nền kinh tế vẫn được duy trì. Nhà đầu tư FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều lý do. Theo chuyên gia WB, lý do là nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt (năm 2020 là 2,9%) khi phần lớn các quốc gia khác suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi, cho thấy các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là vững chắc.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, do bùng phát làn sóng dịch thứ 4, Việt Nam phải triển khai các biện pháp giãn cách xã hội nên đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Dự báo cập nhật mới nhất của WB ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 4,8% trong năm 2021.

Bất chấp những thách thức trong quý III/2021, khi nhìn vào dòng vốn FDI trong tháng 8, WB vẫn thấy cam kết của các nhà đầu tư tăng lên. Trên thực tế, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI cam kết đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi vốn đầu tư giải ngân đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

“Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư quốc tế vẫn kỳ vọng phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, chuyên gia WB nhận xét.

Bà Dorsati Mandani chia sẻ thông tin khi tiếp xúc gặp gỡ những DN FDI: “Một tập đoàn sản xuất lương thực toàn cầu đã thông báo rằng họ đang đầu tư 180 triệu USD nữa vào Việt Nam vì tin tưởng vào triển vọng kinh tế của Việt Nam, một nền kinh tế còn nhiều dư địa để phát triển”.

Chuyên gia cao cấp của WB nhận định: Chính phủ đang làm việc tích cực để ngăn chặn dịch bệnh trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm các hoạt động kinh tế, đặc biệt là một sự chuyển dịch quan trọng trong chiến lược “thích ứng an toàn linh hoạt với COVID-19”.

Để hỗ trợ nền kinh tế, vào tháng 4, Chính phủ đã công bố gói hoãn nộp thuế đến cuối năm 2021. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã công bố các chương trình hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng và lao động phi chính thức…

Bà Dorsati Mandani cho rằng Chính phủ đã có chủ trương cân bằng hai mục tiêu là kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế thì các cơ quan thực thi nên đẩy nhanh giải quyết những vấn đề khó khăn xã hội phát sinh do dịch COVID-19, nâng cao hiệu quả, tăng số người được thụ hưởng các chương trình bảo trợ xã hội; cân bằng chính sách tài khoá, tiền tệ theo hướng bền vững; mở rộng tiêm chủng nhanh; giảm thiểu gián đoạn về hậu cần và chuỗi giá trị.

Chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam nên hỗ trợ các DN thích ứng với môi trường mới bằng cách áp dụng các quy trình và công nghệ kỹ thuật số mới, bảo đảm sức cạnh tranh của DN.

Với tư cách là đối tác phát triển lâu năm, WB đang có các kế hoạch hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới. Cho đến nay, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt các hoạt động hỗ trợ tín dụng ưu đãi và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.

WB đã và đang hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách để Việt Nam củng cố hệ thống y tế, phục hồi nền kinh tế một cách linh hoạt và bền vững. WB cũng sẵn sàng tư vấn chia sẻ các ý tưởng và kinh nghiệm quốc tế để bảo đảm phục hồi tốt và thậm chí tận dụng cơ hội phát sinh từ đại dịch.

“‘Gian nan mới biết bạn tốt’, đây là lúc chúng ta cần nhau nhất. Là đối tác đồng hành lâu năm và đáng tin cậy của Việt Nam, WB cam kết làm tất cả những gì có thể để giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch”, bà Dorsati Mandani  nói.

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường trả lời trực tuyến. Ảnh: VGP.

Chủ trương đúng nhưng cần nâng cao hiệu lực thực thi

Dưới góc độ phân tích về các DN, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng khi quyết định đầu tư, DN luôn nghiên cứu rất kỹ, để xây dựng các cơ sở kinh doanh, nhà máy… không nhìn vào những diễn biến ngắn hạn. Thực tế, nhiều DN FDI nhận định, Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực cải hiện môi trường kinh doanh, do đó, trong dài hạn, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Cần phải thừa nhận rằng, tình hình dịch bệnh do các biến chủng mới với mức độ lây lan cao hơn dự đoán đã gây lúng túng nhất định trong quá trình điều hành. Ở cấp độ cao nhất là Chính phủ, các nhà đầu tư nhận thấy cam kết mạnh mẽ về việc vượt qua đại dịch đi đôi với bảo vệ DN và nền kinh tế. Tuy vậy, ở khâu thực hiện ở các địa phương, có nơi chưa được nhuần nhuyễn khiến nhiều DN bị ảnh hưởng do các biện pháp giãn cách chống dịch

Chuyên gia của ADB Nguyễn Minh Cường đồng tình với quan điểm cần thiết phải phong toả giãn cách để chống dịch. Tuy vậy, việc giãn cách cần được tổ chức khoa học, giảm thiểu tác động tiêu cực. Việc đầu tiên cần chú ý đó là nhân lực. Cần giảm thiểu tác động đến sinh kế người lao động, bảo đảm họ nhanh chóng có vaccine, cũng như duy trì mức tài chính bảo đảm cuộc sống. 

“Trong giai đoạn khó khăn, việc các DN thích ứng trong ngắn hạn, dịch chuyển một số đơn hàng trước mắt ra khỏi các khu vực bị phong toả, giãn cách do bị giãn đoạn chuỗi cung ứng là bình thường, nhưng dịch chuyển đầu tư lại là câu chuyện khác, không dễ để dịch chuyển”, ông Nguyễn Minh Cường nói.

Nhìn chung, các nhà đầu tư ghi nhận các chủ trương, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và tin tưởng vào tiềm năng trung và dài hạn. Nhưng quan trọng, khâu thực thi phải thực hiện tốt như triển khai hỗ trợ an sinh xã hội nhanh chóng, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, bảo đảm việc làm, duy trì chuỗi cung ứng hiệu quả… sẽ giúp tăng cường lòng tin không chỉ DN FDI mà cộng đồng DN nói chung.

Chuyên gia ADB đồng tình với quan điểm của Chính phủ lúc này, đó là mở rộng tiêm chủng vaccine, coi đây là yếu tố quyết định. “Có một khảo sát cho kết quả chỉ số quản lí thu mua (PMI) có mối liên hệ tăng trưởng tỉ lệ thuận với tỉ lệ bảo đảm vaccine trong cộng đồng”, ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Cường ủng hộ quan điểm chống dịch nhưng vẫn bảo đảm duy trì phát triển kinh tế của Chính phủ. Trong điều kiện cho phép, cần thực hiện phong toả có mục tiêu để  giảm thiệt hại kinh tế. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần linh hoạt hơn trong các biện pháp sản xuất của DN trong bối cảnh dịch bệnh.

Trong trường hợp chính quyền địa phương triển khai, áp dụng các sáng kiến về “tại chỗ”, hay “cung đường, điểm đến” cần tham vấn ý kiến của DN để sát hơn với thực tiễn, tránh gánh nặng thủ tục chi phí không cần thiết cho DN.

Chuyên gia Nguyễn Minh Cường phân tích không chỉ Việt Nam mà tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thậm chí nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Các DN FDI, những tập đoàn đa quốc gia có trụ sở ở các quốc gia khác nhau cũng không lạ lẫm gì với tình huống khó khăn này. Do đó, điểm mấu chốt ở đây không hẳn chỉ là dịch bệnh mà cách Chính phủ ứng phó với dịch bệnh có hiệu quả không.

Ông Nguyễn Minh Cường khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Với vai trò là đối tác phát triển truyền thống, ADB sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ tín dụng ưu đãi mua vaccine, cũng như các chương trình khôi phục kinh tế, hỗ trợ DN tại Việt Nam.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Huy Thắng (thực hiện)

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới