Thứ Sáu, 11/10/2024, 21:13

Danh sách hoạt động kinh tế ngầm, bất hợp pháp: Bộ Tài chính đòi bỏ nhiều nội dung

Xem thêm

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Tổng cục Thống kê về việc rà soát danh mục hoạt động và xây dựng chỉ tiêu đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Danh sách hoạt động kinh tế ngầm, bất hợp pháp: Bộ Tài chính đòi bỏ nhiều nội dung

Danh sách hoạt động kinh tế ngầm, bất hợp pháp: Bộ Tài chính đòi bỏ nhiều nội dung. (Ảnh minh họa).

Trong văn bản này, Bộ Tài chính có nhiều ý kiến đối với danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Đề nghị bãi bỏ, chỉnh sửa nhiều hoạt động về bảo hiểm, tài chính, chứng khoán

Cụ thể, về danh mục thuộc hoạt động kinh tế ngầm, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nhiều hoạt động ra khỏi danh mục do Tổng cục Thống kê xây dựng. Chẳng hạn như đối với nhóm “hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm”, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ hành vi “trục lợi bảo hiểm” (bị xử lý hành chính/bị truy tố) do trong các quy định về kinh doanh bảo hiểm không có hoạt động này.

Đối với hoạt động tài chính ngân hàng, Bộ này đề nghị lược bỏ khỏi danh mục việc “tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không đúng với phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật” và “chuyển nhượng trái phiếu được phát hành riêng lẻ trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, trừ trường hợp được pháp luật quy định”.

Nguyên do là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp tổ chức phát hành khi đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định và phải công bố thông tin trước khi phát hành, công bố kết quả phát hành và công bố thông tin định kỳ cho nhà đầu tư cũng như Sở giao dịch chứng khoán.

Như vậy, thông tin về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã và đang được tổng hợp, thống kê tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trên cơ sở nội dung thông tin doanh nghiệp công bố.

Còn việc chuyển nhượng trái phiếu phát hành riêng lẻ được thực hiện thông qua tổ chức đăng kí, lưu kí để cập nhật tình hình giao dịch, nắm giữ trái phiếu. Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã quy định trách nhiệm của tổ chức đăng kí, lưu kí trái phiếu trong việc rà soát nhà đầu tư mua trái phiếu đúng quy định và báo cáo tình hình giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu gửi sở giao dịch chứng khoán tổng hợp. Theo đó, tình hình chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp đang được tổng hợp tại sở giao dịch chứng khoán.

Các trường hợp doanh nghiệp phát hành thực hiện không đúng quy định được phát hiện thông qua hoạt động thanh kiểm tra đã được thống kê, tổng hợp qua kênh tổng hợp về tình hình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của Nghị định 108/2013 và Nghị định 145/2016 cũng như các nghị định thay thế đang trình Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2021).

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thống kê điều chỉnh hoạt động “kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, kinh doanh môi giới bảo hiểm không có giấy phép thành lập và hoạt động hoặc đã bị đình chỉ hoạt động” thành “kinh doanh các nghiệp vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi chưa được cấp phép; triển khai các sản phẩm bảo hiểm trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc chấp thuận (đối với các sản phẩm DNBH chỉ được triển khai sau khi Bộ Tài chính đã phê chuẩn, chấp thuận); triển khai sản phẩm bảo hiểm trong thời gian bị đình chỉ, tạm đình chỉ”. Nguyên do của đề nghị điều chỉnh này là để phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ trong danh mục chỉ tiêu “mua, bán cổ phiếu khi pháp luật chưa cho phép” do chưa có chế tài;

Đề nghị chỉnh sửa chỉ tiêu “hoạt động không đúng giấy phép đăng kí và nội dung quy định trong giấy phép, hoặc không có giấy phép đăng ký theo quy định” thành “hoạt đọng kinh doanh hoặc cung cấp các dịch vụ chứng khoán hoặc dịch vụ khác phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện nhưng chưa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc khi chưa có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban hoặc chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoạt động sai mục đích hoặc không đúng nội dung quy định trong giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chấp thuận”;

Đề nghị chỉnh sửa chỉ tiêu “mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng, nhận lệnh của khách hàng và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng không đúng quy định pháp luật để thu lợi trái phép” thành “mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng, thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính không đúng quy định pháp luật; thực hiện hành vi bị cấm trong nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính”;

Đề nghị chỉnh sửa chỉ tiêu “sử dụng vốn và tài sản của công ty để cho vay trái quy định pháp luật” thành “thực hiện các hoạt động không đúng quy định pháp luật về hạn chế vay nợ hoặc về hạn chế cho vay”.

Đối với danh mục thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ khỏi danh mục này các chi tiêu như: “các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước không được ghi chép, báo cáo; chi ngân sách sai quy định như chi không đúng dự toán, chi sai mục đích, sai tiêu chuẩn, sai định mức; truy thu từ chi không đúng dự toán”.

Giải thích cho đề nghị này, Bộ Tài chính cho biết: hoạt động kinh tế ngầm là các hoạt động chưa được cấp phép, bị xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, số thu từ hoạt động này khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì đã được xử lý theo quy định của pháp luật, về nguyên tắc đã đưa vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chưa thu được thì mới thuộc phạm vi đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, số liệu này đề nghị giao cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán báo cáo.

Theo quy định của chế độ kế toán ngân sách nhà nước, ngoài các khoản thu thuộc phạm vi ngân sách, Kho bạc Nhà nước đã ghi chép, phản ánh, tổng hợp thông tin các khoản thu ngoài ngân sách của các đơn vị sự nghiệm vào báo cáo tài chính của đơn vị. Do đó, không có đủ cơ sở để tổng hợp về nội dung này.

Với các khoản chi ngân sách sai quy định như chi không đúng dự toán, chi sai mục đích, sai tiêu chuẩn, sai định mức, việc đưa vào hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp là chưa hợp lý. Nguyên do là các khoản chi ngân sách nhà nước đều phải được lập dự toán, khi chi ngân sách sai bị phát hiện qua kiểm soát chi, thanh tra, kiểm tra đều phải được quản lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng cho rằng “truy thu từ chi không đúng dự toán” không phù hợp với định nghĩa của hoạt động kinh tế ngầm. Việc thu hồi, truy thu từ các khoản chi sai chế độ, sai dự toán là một cấu phần trong thu ngân sách nhà nước và có tính hợp pháp, được ghi chép, theo dõi đầy đủ trong ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính không quản “đánh bạc, lô đề, cá cược bất hợp pháp”

Đối với danh mục thuộc hoạt động kinh tế bất hợp pháp, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ khỏi danh mục 2.0 “hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm” các nội dung: “Cho vay với lãi suất ngầm (thấp hơn lãi suất thực tế) do cán bộ tín dụng và đối tượng đi vay thỏa thuận để ăn chênh lệch”.

Theo Bộ Tài chính, hành vi này chưa thể đưa vào danh sách “hoạt động kinh tế bất hợp pháp”. Hiện nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những công văn chỉ đạo các ngân hàng ngăn chặn hiện tượng vay tiền ở nơi có lãi suất tiền vay thấp (thường là vay ngoại tệ) để gửi vào nơi có lãi suất tiền gửi cao (hoặc cho vay với lãi suất cao) để ăn chênh lệch nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm và đưa ra các chế tài xử phạt đối với hành vi này.

Đối với hoạt động “gian lận thương mại trong lĩnh vực bảo hiểm kinh doanh” (quy định trong phụ lục 5, Thông tư 07/2017/TT-BTC, bị truy tố hình sự), Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nội dung này ra khỏi danh mục thuộc trách nhiệm tổng hợp của Bộ Tài chính do đây là hoạt động nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự (bị truy tố hình sự) và ngoài thẩm quyền xử lý, theo dõi của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cũng muốn Tổng cục Thống kê điều chỉnh nội dung “phát hành, cung ứng, sử dụng và kinh doanh Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác” thành “phát hành, cung ứng, sử dụng và kinh doanh Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một phương tiện thanh toán”.

Lý do là khoản 1, Điều 1, Nghị định 80/2016 đã quy định “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Khoản 2, Điều 1 Nghị định 80/2016 cũng quy định cấm “phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”. Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019 cũng đã quy định cụ thể các mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Ngoài nội dung trên, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thống kê làm rõ cơ sở của việc đưa chỉ tiêu “thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép hoặc chấp thuận” vào danh mục hoạt động kinh tế bất hợp pháp thuộc danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Đáng chú ý, đối với danh mục thuộc mục nghệ thuật, vui chơi, giải trí, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thống kê loại bỏ hoạt động “đánh bạc, lô đề, cá cược bất hợp pháp” ra khỏi danh mục này.

Bộ cho biết, theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính tại các Nghị định 30/2007, 86/2013, 03/2017, 06/2017, Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino và đặt cược được cấp phép theo quy định.

Vì vậy, Bộ này đề nghị không đưa các nội dung về “đánh bạc, lô đề, cá cược bất hợp pháp” thuộc trách nhiệm thu thập thông tin, dữ liệu và tổng hợp của Bộ Tài chính.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới