Thứ Ba, 30/04/2024, 6:48

Covid-19 tạo ra thách thức mới cho thị trường bảo hiểm và thúc đẩy InsurTech phát triển

Xem thêm

Ngày 13/4 vừa qua, tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã diễn ra Hội thảo khoa học về thị trường bảo hiểm CVII2021: “Tác động của Covid-19, InsurTech, thị trường và chính sách”.

Đây là sự kiện do UEH phối hợp cùng Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh (Bảo Minh) tổ chức với sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ Hiệp hội Bảo hiểm, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm, các nhà nghiên cứu – giảng viên UEH cùng đông đảo các diễn giả khách mời.

Tổng quan Hội thảo.

Theo TS. Đinh Thị Thu Hồng – Trưởng Khoa Tài chính UEH, Hội thảo khoa học về Thị trường bảo hiểm Việt Nam (Conference on Vietnam’s Insurance Industry – CVII) với chủ đề “CVII 2021: Tác động của Covid-19, InsurTech, thị trường và chính sách” với mong muốn tạo kênh thông tin cho các diễn giả, khách mời, các nhà nghiên cứu thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng, đưa ra những giải pháp phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.

TS. Đinh Thị Thu Hồng – Trưởng Khoa tài chính UEH phát biểu khai mạc.

Trong một thập niên qua, đổi mới thông qua ứng dụng các công nghệ mới là động lực chính của thay đổi trong lĩnh vực tài chính trên toàn cầu. Sự đa dạng của các công nghệ mới dẫn đến các mô hình kinh doanh sáng tạo, các ứng dụng, quy trình hoặc sản phẩm mới làm chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Hàng loạt các công ty khởi nghiệp InsurTech ra đời có mục tiêu gắn liền với tất cả các khâu của chuỗi giá trị bảo hiểm – từ tiếp thị, phân phối, định giá rủi ro, cấp đơn và cuối cùng là giải quyết khiếu nại.

Cũng theo TS. Đinh Thị Thu Hồng, hội thảo đã cung cấp góc nhìn đa chiều và chi tiết hơn về thị trường bảo hiểm Việt Nam hậu Covid-19 cũng như bàn sâu hơn các vấn đề liên quan đến chính sách với kỳ vọng đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.

Từ cuối 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng nổ đã gây ra những thách thức cho hoạt động của thị trường bảo hiểm và tạo động lực thúc đẩy InsurTech phát triển hơn nữa, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và thực hiện các đổi mới, chuyển đổi các kênh phân phối của thị trường. Covid-19 nhắc nhở các doanh nghiệp bảo hiểm phải cải tiến, số hóa các hoạt động một cách hợp lý và hiệu quả hơn.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam năm 2020 có những bước đột phá với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 186.221 tỷ đồng (tăng 16,5%), trong đó bảo hiểm phi nhân thọ đạt 55.664 tỷ đồng (tăng 5,3%), bảo hiểm nhân thọ đạt 130.557 tỷ đồng (tăng 22%), mặc dù chịu ảnh hưởng chung trong tình hình kinh tế xã hội do tác động bởi Covid-19.

Chính dịch bệnh Covid-19 đã góp phần tăng doanh thu của thị trường bảo hiểm, tạo động lực để InsurTech phát triển mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực bảo hiểm của toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Dự kiến từ năm 2021-2025, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng doanh thu bảo hiểm trong nước tăng khoảng 15%/năm, doanh thu phí bảo hiểm bình quân/GDP đạt 3,5% vào năm 2025. 

Ông Nguyễn Trung Dũng – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trình bày tham luận Đánh giá tổng quan tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam và dự báo xu hướng phát triển.

Theo phân tích của các chuyên gia bảo hiểm, Covid-19 đã tạo ra những thách thức mới cho thị trường bảo hiểm, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các công ty bảo hiểm như áp dụng bảo hiểm trực tuyến, tạo sự khác biệt, tiện lợi trong quá trình phục vụ khách hàng.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm, như Bảo Hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai thực hiện 19 dịch vụ công (DVC) trực tuyến cấp độ 3, 4 trên cổng DVC của ngành.

Để nắm bắt xu thế phát triển InsurTech trong lĩnh vực bảo hiểm, các chuyên gia khuyến nghị cần tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số hóa các hoạt động, dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm nhằm nhanh chóng tham gia tất cả các chuỗi giá trị công nghệ bảo hiểm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Các công ty bảo hiểm có thể phối hợp với các ngân hàng để phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa trong hoạt động kinh doanh và phục vụ khách hàng; phối hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp về InsurTech để tận dụng những ý tưởng mới, đột phá.

Về phía nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống văn bản pháp luật mới, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn trong hoạt động kinh doanh và phát triển chuỗi giá trị công nghệ bảo hiểm trong tầm nhìn dài hạn. 

Nói thêm về những nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm, ông Trịnh Minh Đức – Giám đốc Ban Phát triển kinh doanh Bảo Minh chia sẻ: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề, làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đã tác động không nhỏ đến ngành bảo hiểm nói chung và Bảo Minh nói riêng.

Tuy vậy, tổng doanh thu năm 2020 của Bảo Minh đã thực hiện được 5.025 tỷ đồng, đạt 109,4% so với kế hoạch đặt ra (tăng trưởng 9,4%). Năm 2020 cũng là năm thứ 5 liên tiếp Bảo Minh được A.M Best xếp hạng B++ (xếp hạng cao nhất của các công ty bảo hiểm trên thị trường Việt Nam.).

Về bảo hiểm, đây là nhóm ngành phải làm việc trực tiếp với số liệu, dựa trên nền tảng của “luật số lớn” và vận dụng xác suất thống kê, tính toán thẩm định, dự báo…

Mỗi năm, các công ty trong ngành thu về một khối lượng dữ liệu khổng lồ của hàng trăm ngàn giao dịch, nhưng đa số dữ liệu này không được phân tích, nghiên cứu một cách triệt để và thấu đáo.

Chính vì vậy, Bảo Minh nhận thấy việc ứng dụng công nghệ AI & Big Data vào kinh doanh bảo hiểm để tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng cũng như chính Bảo Minh là điều cực kỳ quan trọng trong thời đại 4.0.

Tọa đàm về những tác động của Covid-19, InsurTech, thị trường và chính sách về bảo hiểm.

Cũng tại hội thảo khoa học này, nhiều tham luận về: “Chuyển đổi số ngành bảo hiểm trong bối cảnh hậu khủng hoảng covid-19 – hệ sinh thái InsurTech” (TS. Nguyễn Thị Uyên Uyên, ThS. Hồ Thu Hoài, ThS. Tô Công Nguyên Bảo – giảng viên Khoa Tài chính UEH); “Hiện đại hóa ngành bảo hiểm Việt Nam: Để không là câu chuyện trên giấy” (ông Vương Việt Linh –  Giám đốc Công ty TNHH bảo hiểm tài chính trực tuyến Việt Nam – VIFO); “Tương lai nào cho kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ – Bancassurance và đại lý tổ chức?” (ông Chung Bá Phương – Chuyên gia định phí (Actuary), Chủ tịch Công ty TCA và TS. Lê Hoàng Hải – Tổng giám đốc Công ty TCA); “Pháp luật về đại lý bảo hiểm: những bất cập khi áp dụng cho đại lý tổ chức và hướng sửa đổi bổ sung” (ThS. Phan Quốc Tuấn – Giám đốc Viện phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm)… đã được trình bày, thảo luận và được hội nghị đánh giá cao. 

Tại sự kiện Hội thảo khoa học về thị trường bảo hiểm CVII2021: “Tác động của Covid-19, InsurTech, thị trường và chính sách”, TS. Đinh Thị Thu Hồng đã đại diện UEH ký kết ghi nhớ hợp tác với 5 công ty bảo hiểm gồm: Tổng công ty CP Bảo Minh, Công ty TNHH Bảo hiểm Tài chính Trực tuyến Việt Nam (VIFO), Công ty Bảo Việt Sài Gòn, Công ty TNHH Bảo hiểm Phi nhân thọ Fubon Việt Nam và Công ty Bảo hiểm Toàn cầu.

Lễ ký kết hợp tác giữa Khoa Tài chính UEH và 5 doanh nghiệp.

Theo nội dung ký kết hợp tác, UEH và các công ty bảo hiểm sẽ hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; hợp tác nghiên cứu khoa học và tư vấn trong lĩnh vực bảo hiểm…

Vi Vi 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media.

Bài viết mới