Chủ Nhật, 28/04/2024, 6:47

Công nghệ tuần qua: Lùm xùm vụ doanh nghiệp Việt bị YouTube xóa 3.000 video

Xem thêm

Hơn 3.000 video của Sconnect – doanh nghiệp sở hữu của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo bị xóa khỏi nền tảng Youtube do vụ tranh chấp bản quyền nhân vật hoạt hình với doanh nghiệp Anh.

Công nghệ tuần qua: Lùm xùm vụ doanh nghiệp Việt bị YouTube xóa 3.000 video

Hơn 3.000 video bị xóa trên YouTube, hãng phim hoạt hình Việt tiếp tục “kêu cứu”.

Hãng phim hoạt hình Việt bị YouTube xóa 3.000 video

Sconnect – doanh nghiệp sở hữu của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo vừa gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng của Việt Nam để hỗ trợ trao đổi với YouTube ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền thiếu căn cứ từ phía Entertainment One UK Limited – EO (chủ sở hữu Peppa Pig), đồng thời đề nghị YouTube khôi phục hơn 3.000 video Wolfoo bị xóa khỏi nền tảng này.

Ngay sau khi Sconnect có đơn kêu cứu, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng đã ký văn bản gửi các cơ quan: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đề nghị các cơ quan này xem xét các hồ sơ liên quan trên vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig để hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam trên môi trường số khi kinh doanh quốc tế.

VDCA cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu Google/YouTube và các đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trung gian cần xem xét đầy đủ hồ sơ kỹ lưỡng, khách quan, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chờ phán quyết của tòa án được các bên khởi kiện.

Cùng ngày, VDCA đã có văn bản gửi cho Google/YouTube đề nghị nền tảng này xem xét kỹ lưỡng vụ tranh chấp, ngừng việc xóa/ngăn chặn video Wolfoo của Sconnect, không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong khi chờ phán quyết của Tòa án đang được các bên khởi kiện. 

Doanh thu công nghiệp ICT giảm hơn 7%

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết trong 7 tháng năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột Nga – Ukraina và ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng, kéo theo các đơn hàng xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam cũng sụt giảm.

Cụ thể, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 7 tháng năm 2023 ước đạt trên 1,71 triệu tỷ đồng (tương đương 72,9 tỷ USD), giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin với mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 3, 4, 5 tương ứng là 22,8%; 22,4% và 16,3%.

Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 7 tháng năm 2023 ước đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng (tương đương 67,7 tỷ USD), giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 61 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả nước. 

‘Ế’ iPhone và MacBook khiến doanh số giảm 3 quý liên tiếp

Sau khi thị trường kết thúc giao dịch vào ngày 3/8 (giờ Mỹ), gã khổng lồ công nghệ đã công khai dữ liệu kinh tế trong quý II/2023. 

Theo đó, Apple cho biết doanh thu của công ty giảm 1% xuống còn 81,8 tỷ USD trong quý vừa qua, đánh dấu lần giảm doanh thu hàng quý thứ 3 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái của công ty có giá trị nhất thế giới.

Doanh thu từ các dòng iPhone, MacBook và iPad của công ty đều giảm so với một năm trước đó. Doanh thu iPhone đạt 39,7 tỷ USD trong quý, đánh dấu mức giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu MacBook là 6,8 tỷ USD trong quý, giảm 7% và doanh thu iPad giảm gần 20%. 

“Cứu thua” cho gã khổng lồ công nghệ trong quý là doanh thu tăng vọt từ mảng dịch vụ, đạt mức cao nhất mọi thời đại mới là 21,2 tỷ USD. Mảng kinh doanh dịch vụ – bao gồm Apple Music và Apple TV+ – là một động lực doanh thu ngày càng quan trọng đối với Apple. 

Nhờ doanh thu dịch vụ tăng, kết quả kinh doanh của Apple vẫn vượt ước tính của các chuyên gia Phố Wall về doanh thu chung cũng như lợi nhuận. Cụ thể, doanh số bán hàng trong quý II là 81,8 tỷ USD và thu nhập trên mỗi cổ phiếu tăng 5% lên 1,26 USD, vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích là 81,69 tỷ USD và 1,19 USD trên mỗi cổ phiếu, theo dữ liệu của IBES từ Refinitiv.

Ngoài ra, doanh số bán hàng tại Trung Quốc tăng 8% so với năm trước cũng giúp nhà sản xuất iPhone cân bằng được bảng kế toán. 

Hàn Quốc bị ‘kẹp’ giữa Trung Quốc và Mỹ trong cuộc chiến công nghệ

Hàn Quốc đang đứng giữa “ngã ba đường” khi không thể dứt hẳn Trung Quốc nhưng cũng không muốn “làm mất lòng” Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến tranh công nghệ giữa hai cường quốc này ngày càng căng thẳng hơn.

Các tập đoàn của Hàn Quốc đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực từ chất bán dẫn, pin xe điện đến ngành công nghệ sinh học và viễn thông. Đây cũng là những lĩnh vực thiết yếu và có ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh quốc gia cũng như chiến lược công nghiệp của cả Washington và Bắc Kinh.

Chính vì thế, Hàn Quốc đang trở thành “miếng bánh ngọt” mà cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc thèm muốn, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng leo thang.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thu hút năng lượng sản xuất và công nghệ của Hàn Quốc trong các lĩnh vực kể trên với nhiều chính sách hấp dẫn.

Cụ thể, các nhà sản xuất chip Samsung Electronics và SK Hynix cùng với các nhà sản xuất pin LG Energy Solution, SK On và Samsung SDI sẽ nhận được hàng tỷ USD trợ cấp của Mỹ. 

 

 

 

Bài viết mới