Chủ Nhật, 08/12/2024, 10:27

Còn dư địa nâng cao hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử

Xem thêm

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý như: thông tin đầy đủ về các nguồn thu, đối tượng nộp; xác định căn cứ tính thuế; kiểm soát giao dịch kinh doanh; kiểm soát dòng tiền… đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ về cơ pháp lý cũng như công nghệ.

Còn dư địa nâng cao hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử - Ảnh 1.

Hội thảo quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”. Ảnh: VGP/HT.

Đây là nội dung tại Hội thảo quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” do Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 29/7, tại Hà Nội.

Ngành thuế tích cực vào cuộc, tốc độ thu thuế bình quân đạt 130%

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) là loại hình kinh doanh đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Theo thống kê, tỷ trọng doanh thu TMĐT so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng từ 3% năm 2016 lên mức 5,5% năm 2020.

Số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 14/7/2022 đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ/năm. Trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.076 tỷ đồng; Google là 2.040 tỷ đồng; Microsoft là 699 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, triển khai hóa đơn điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính và góp phần thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử, trên cả nước đã có hơn 90% tổng số doanh nghiệp đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, theo xu hướng phát triển TMĐT sẽ có sự chuyển dịch doanh thu từ các giao dịch giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng, sang các giao dịch giữa các cá nhân với nhau.

Ông Đặng Ngọc Minh chia sẻ, trên cơ sở thông tin quản lý, tại thời điểm hiện nay tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 3 Công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Còn dư địa nâng cao hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (trái) và ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP/HT.

Hướng tới thông lệ quốc tế

Theo ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank), hiện nay có khoảng 20 quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định đánh thuế đối với các doanh nghiệp kĩ thuật số như: Ấn độ, Anh, Pháp… Trong công tác quản lý, hiện nay có nhiều tương đồng giữa Việt Nam và thế giới. Cụ thể, với thuế gián thu, những điểm tương đồng phải kể đến như: Yêu cầu nhà cung cấp nước ngoài phải đăng ký thuế giá trị gia tăng và kê khai, nộp thuế tại Việt Nam; hay như việc thực hiện các nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế thông qua cổng thông tin trực tuyến.

So sánh với thông lệ quốc tế, ông Nguyễn Việt Anh chỉ ra sự chênh lệch về thuế suất giá trị gia tăng giữa các nhà cung cấp nước ngoài và các nhà cung cấp trong nước. Ngoài ra hiện Việt Nam vẫn đang áp dụng miễn thuế đối với hàng hoá có giá trị thấp.

Đối với thuế trực thu, Việt Nam chỉ mới xác định đây là thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi các nước đã ban hành một số sắc thuế mới (thuế cân bằng, thuế kỹ thuật số…)

Ngoài ra, hiện nay cũng còn hạn chế về số thu khi áp dụng các hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Để quản lý chặt lĩnh vực này, ông Nguyễn Việt Anh khuyến nghị, đối với thuế giá trị gia tăng, cơ quan Thuế cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Ngoài ra cần áp dụng thống nhất mức thuế giá trị gia tăng đối với các nhà cung cấp nước ngoài cũng như bãi bỏ việc miễn thuế đối với các hàng hoá có giá trị thấp.

PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) nhận định, những khó khăn, thách thức trong quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới xuất phát từ các đặc điểm của mô hình kinh doanh này gắn với công nghệ hiện đại. Kết quả chống thất thu thuế từ hoạt động TMĐT thời gian qua cũng gắn với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo nền tảng cho cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng công nghệ để kiểm soát giao dịch TMĐT.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết: Để quản lý kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Tuy nhiên với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam thực tiễn đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý thuế.

Ngành thuế đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Ngành thuế sẽ triển khai xây dựng Hệ thống thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT và các giao dịch thanh toán đối với dịch vụ số xuyên biên giới ngay khi phát sinh giao dịch để quản lý thuế kịp thời, hiệu quả…

Ngành thuế cũng đã ký Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương (cơ quan cấp phép, quản lý các website TMĐT) để chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin, hoàn thiện chính sách pháp luật để quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT; ký thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý về mạng viễn thông, internet; quản lý cung cấp dịch vụ số với công tác quản lý thuế) để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới; danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số.

“Ngành thuế xây dựng chương trình làm việc với Bộ Công an (cơ quan quản lý về an ninh mạng) để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế; xây dựng Dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước (cơ quan quản lý về thanh toán, phương tiện thanh toán) để triển khai các quy định về phối hợp cung cấp thông tin giữa 2 cơ quan đã được quy định trong Luật Quản lý thuế”, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Huy Thắng

Bài viết mới