Thứ Năm, 10/10/2024, 8:08

Chuyển đổi số ngành bảo hiểm: Phải bắt kịp làn sóng để tồn tại

Xem thêm

Khi công nghệ số bùng nổ, ngành bảo hiểm phải theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chấp nhận chi tiêu nhiều vào công nghệ với tầm nhìn dài hạn.

Chuyển đổi số ngành bảo hiểm: Phải bắt kịp làn sóng để tồn tại

Chuyển đổi số ngành bảo hiểm: Phải bắt kịp làn sóng để tồn tại.

Không để lỡ sóng

Chuyển đổi số là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây khi cách mạng 4.0 nổ ra trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.

Chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm cũng diễn ra rất sôi nổi khi các doanh nghiệp hoạt động trong nước đã tích cực số hoá dữ liệu và ra mắt loạt sản phẩm bảo hiểm trực tuyến.

Ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế, giảng viên ngành Bảo hiểm Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang chuyển đổi số vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là những khâu liên quan tới dịch vụ khách hàng.

Minh chứng rõ ràng nhất để nhận biết được sự chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm là sự biến mất của các trung tâm dịch vụ khách hàng.

Ông Trần Nguyên Đán cho biết, nhiều năm trước, các công ty bảo hiểm phải duy trì hệ thống các văn phòng CS (Customer Service – chăm sóc khách hàng) dày đặc với chi phí lớn.

Sau khi áp dụng mô hình GA (General Agents – tổng đại lý), công ty bảo hiểm đã chia sẻ chi phí đó với lực lượng đại lý.

Tuy nhiên, khi chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm trở nên sôi nổi, số lượng trung tâm dịch vụ khách hàng này giảm đi rất nhiều, khách hàng hoàn toàn có thể thao tác trực tuyến qua điện thoại hay máy tính.

Mạnh mẽ hơn, trong thời gian gần đây, các công ty bảo hiểm nhân thọ “trẻ tuổi” còn áp dụng dịch vụ khách hàng số ngay từ khi tiếp cận khách hàng, theo đó không cần phải duy trì hệ thống văn phòng chăm sóc khách hàng dày đặc.

Với sự phổ biến của laptop (máy tính xách tay), server (máy chủ),… công ty bảo hiểm không cần phải duy trì lượng lớn hồ sơ giấy mà thay vào đó là lưu trữ hồ sơ bảo hiểm trên điện toán đám mây.

Trước sự bùng nổ của công nghệ số toàn cầu, ngành bảo hiểm cũng không nằm ngoài xu hướng bởi tính hiệu quả mà chuyển đổi số đem lại.

Chuyên gia Trần Nguyên Đán cho rằng, trong xu hướng này, công ty bảo hiểm phải bắt kịp con sóng để tồn tại. Động lực chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm là động lực sống còn.

Theo chuyên gia, việc chi tiêu cho công nghệ của công ty bảo hiểm là bắt buộc, thậm chí phải chi tiêu nhiều. Công ty bảo hiểm cần có cái nhìn dài hạn trong việc chuyển đổi số.

Nếu không chuyển đổi số hay chuyển đổi số không tốt, công ty bảo hiểm chắc chắn sẽ mất năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng không nhỏ tới việc bán hàng, chăm sóc khách hàng và việc khách hàng rời bỏ thương hiệu, công ty đi vào ngõ cụt là không tránh khỏi.

Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành ở Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội là hồi chuông cảnh tỉnh cho những công ty bảo hiểm chậm hoặc chưa chuyển đổi số.

“Các công ty bảo hiểm này có thể dùng các phương tiện đa truyền thông để tư vấn cho khách hàng nhưng không thể ký hợp đồng, không thể giải quyết yêu cầu bồi thường vì chưa chuyển đổi số hoàn toàn. Họ sẽ mất khách hàng, mất thị phần, thậm chí mất lực lượng lao động nếu như chậm chuyển đổi số”, ông Trần Nguyên Đán cho biết.

Nếu như trước đây, năng lực đại lý, sản phẩm là những giá trị cốt lõi của công ty bảo hiểm thì ngày nay, chất lượng sản phẩm và sự tiện ích của các ứng dụng công nghệ mới là nhân tố thành công chủ chốt cho công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, một vài hạn chế đang cản trở việc chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm. Theo đó, bảo hiểm vẫn được cho là sản phẩm khó hiểu đối với phần nhiều người tiêu dùng, một phần vì tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm vào thị trường trong nước vẫn chưa nhiều nên kiến thức về bảo hiểm chưa được phổ biến, một phần vì các quy định phức tạp trong hợp đồng bảo hiểm.

Để chuyển đổi số ngành bảo hiểm diễn ra “trơn tru”, chuyên gia Trần Nguyên Đán cho rằng phải dung hoà được tính dễ hiểu và tiêu chí bảo mật, như vậy sẽ phát sinh nhiều thao tác phức tạp hơn đối với người dùng khi tham gia bảo hiểm trực tuyến.

Trong khi đó, mức độ chấp nhận áp dụng công nghệ của những người lớn tuổi ở Việt Nam còn khá chậm và kém. Do đó, đối tượng khách hàng này sẽ khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến và cũng có thể khó tiếp cận các sản phẩm truyền thống nếu công ty bảo hiểm chuyển đổi số hoàn toàn.

Chi phí dành cho chuyển đổi số cũng là thách thức đối với ngành bảo hiểm vì không phải công ty nào cũng sẵn sàng chi tiêu cho hạng mục này.

Hơn thế nữa, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều nhà cung cấp các giải pháp về công nghệ số ngành bảo hiểm để các công ty bảo hiểm có thể lựa chọn.

Bắt tay với fintech

Một trong những cách để đưa sản phẩm bảo hiểm số tới gần hơn với người tiêu dùng là hợp tác với các fintech. Nếu như người dùng mới chỉ nghe đến khái niệm bancassurance, phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng thì từ một vài năm trở lại đây, sản phẩm bảo hiểm còn được phân phối qua các fintech.

Với bancassurance, các công ty bảo hiểm thường ký kết phân phối độc quyền và phải trả một khoản phí trả trước rất lớn. Còn đối với fintech, dù chưa có mức phí nào được tiết lộ, nhưng dễ dàng thấy một số fintech lớn hiện nay phân phối nhiều hơn 1 sản phẩm bảo hiểm.

Đơn cử như ví điện tử MoMo, fintech này hiện đang phân phối đa dạng các sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm xe máy, bảo hiểm ô tô, bảo hiểm sức khỏe, du lịch,…

Các sản phẩm này không đến từ một hãng bảo hiểm duy nhất mà người dùng có thể lựa chọn nhiều đơn vị như Bảo hiểm Liberty Việt Nam, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Long, Bảo hiểm Toàn cầu,…

Hay như ZaloPay hiện đang phân phối 2 sản phẩm bảo hiểm là bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm xe máy với các đơn vị cung cấp là Bảo hiểm Liên hiệp (UIC), Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Bảo hiểm Hàng không (VNI). Ngoài việc phân phối bảo hiểm, các fintech này còn cung cấp dịch vụ thanh toán phí bảo hiểm.

Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, các công ty bảo hiểm có thể được hưởng lợi từ sự phát triển của fintech. Nhờ sự tương đồng của bảo hiểm với các ngành như ngân hàng, tài chính, công ty bảo hiểm hoàn toàn có thể tận dụng đà phát triển của fintech trong việc thúc đẩy chuyển đổi số.

Fintech hiện nay đang hướng tới cung cấp đa dịch vụ thông qua việc hợp tác với các đơn vị trong nhiều lĩnh vực. Ngành bảo hiểm Việt Nam với tỷ lệ thâm nhập thấp, được cho là còn nhiều dư địa phát triển. Do đó, các fintech sẽ không bỏ qua miếng bánh này nếu muốn phát triển toàn diện.

Hiện nay, nếu như hầu hết các ngân hàng đều đã hợp tác độc quyền với công ty bảo hiểm để cung cấp sản phẩm bancassurance thì vẫn còn nhiều fintech chưa hợp tác cung cấp sản phẩm bảo hiểm. Nói cách khác, vẫn còn nhiều “room” để công ty bảo hiểm tận dụng đa dạng hóa kênh bán hàng cũng như thúc đẩy sản phẩm số.

Theo vietnamfinance.vn – Ngọc Thu

 

 

Bài viết mới