Thứ Bảy, 14/09/2024, 4:28

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng

Xem thêm

Thời gian qua, tội phạm mua bán người có nhiều phương thức, thủ đoạn mới đáng báo động. Các ngành chức năng đã nỗ lực ngăn chặn tội phạm cũng như có những giải pháp tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng - Ảnh 1.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tiếp nhận công dân Việt Nam từ Vương quốc Campuchia trở về. Ảnh: Báo An Giang.

Trong hơn 2 năm COVID-19, tội phạm mua bán người đã triệt để tận dụng chiêu thức lừa đảo qua mạng xã hội “việc nhẹ, lương cao”. Những người lao động thiếu việc làm, nhất là giới trẻ, được tuyển dụng trên các nền tảng số như zalo, viber, facebook…

Họ đứng trước nguy cơ bị mua bán rất cao, bị giam giữ trái ý muốn và buộc phải thực hiện các trò cờ bạc gian lận mạng tinh vi trong các casino, các khu phức hợp sòng bạc…

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH 63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, số người được tiếp nhận, xác minh là 476 người; 255 người xác định là nạn nhân bị mua bán; 252 nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ (bao gồm cả người trở về từ những năm trước). 

Trên cơ sở nhu cầu nạn nhân, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ: nhu cầu thiết yếu cho 195 nạn nhân, đi lại cho 161 nạn nhân, y tế cho 86 nạn nhân, tâm lý cho 125 nạn nhân, trợ giúp pháp lý cho 41 nạn nhân và hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 43 nạn nhân theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Ngôi nhà Bình Yên (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh,… đã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ khẩn cấp cho 108 nạn nhân bị mua bán trở về. Các nạn nhân được các tổ chức xã hội đưa đón về địa phương và bàn giao cho gia đình chăm sóc, giúp đỡ.

Triển khai Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các tỉnh, thành phố chú trọng nội dung lồng ghép phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng vào các chương trình trợ giúp xã hội;

Giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác ở địa phương để hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán và các đối tượng có nguy cơ cao tiếp cận kịp thời với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định pháp luật như: Chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ ban đầu, vay vốn, học nghề, giải quyết việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố cũng chủ động trong việc đề xuất và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng. Các hỗ trợ tập trung trực tiếp cho nạn nhân và người nhà họ ổn định cuộc sống.

Tiêu biểu tại tỉnh Hà Giang, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (BDDCF) hỗ trợ xây dựng nhà mới cho 5 nạn nhân bị mua bán trở về tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh. Đồng thời, hỗ trợ mua đồ dùng sinh hoạt, hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân ổn định cuộc sống.

Tại tỉnh Điện Biên, trong khuôn khổ dự án “An toàn lành mạnh: Chấm dứt tình trạng trẻ em bị mua bán và lạm dụng sức lao động” của huyện Mường Ảng và Tuần Giáo, BDDCF đã hỗ trợ tổ chức khảo sát tình hình thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại 5 huyện; tổ chức đoàn liên ngành cấp tỉnh đi học tập kinh nghiệm công tác phòng, chống mua bán người tại tỉnh Hà Giang.

Hỗ trợ đưa 1 nạn nhân đi học văn hoá và học nghề làm tóc tại Hà Nội; thăm hỏi và tặng quà cho 2 nạn nhân; hỗ trợ sinh kế cho 3 nạn nhân, trong đó hỗ trợ dinh dưỡng cho con của 2 nạn nhân; 1 con bò giống cho 1 nạn nhân; hỗ trợ làm nhà ở cho 1 nạn nhân và hỗ trợ mua đồ dùng gia đình, giúp nạn nhân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, hoà nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, thông qua Dự án Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam (World Vision) hỗ trợ cho thành viên các câu lạc bộ phụ nữ là nạn nhân, người có nguy cơ của bạo lực, mua bán người tại 43 bản mục tiêu thuộc 7 xã của huyện Tuần Giáo và Mường Chà với 91 bò cái sinh sản, 257 dê cái sinh sản, nguyên vật liệu làm chuồng bò cho 182 hộ, làm chuồng dê cho 257 hộ, tổng trị giá là 2.546 triệu đồng.

Ngoài ra, dự án tiếp tục duy trì các hoạt động định kỳ của nhóm tiết kiệm do phụ nữ làm chủ tại 43 bản, số tiền tiết kiệm trung bình hàng tháng từ 50-60 triệu đồng, cung cấp vốn vay cho chị em bằng nguồn tiền đóng góp của chính các thành viên.

Tổ chức World Vision còn phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Quảng Xương thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển kinh tế cho nạn nhân và người có nguy cơ trở thành nạn nhân buôn bán người tại huyện Quảng Xương”.

Qua khảo sát, đã chọn 25 hộ gia đình tại 2 xã Quảng Trung và Quảng Chính để hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ kinh doanh, sản xuất, giúp ổn định kinh tế hộ gia đình với tổng số tiền hơn 311 triệu đồng. 

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài Quốc gia 111) tiếp nhận hơn 2.200 cuộc gọi đề nghị cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng, tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm;

Đề nghị tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân; hỗ trợ giải cứu, chuyển tuyến 102 nạn nhân và hỗ trợ 116 nạn nhân, trong đó, có 82 nạn nhân là nam, 34 nạn nhân là nữ; 107 nạn nhân là người dân tộc Kinh, 9 nạn nhân là người dân tộc thiểu số.

Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng - Ảnh 2.

Các nạn nhân mua bán người học nghề may tại Nhà Nhân ái tỉnh Lào Cai.

Tăng cường phối hợp liên ngành và hiệu quả công tác tuyên truyền

Dự báo thời gian hậu COVID-19, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 về Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, ngày 18/7/2022, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký kết Quy chế phối hợp số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Nội dung Quy chế phối hợp nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các Bộ đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhất là vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân.

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã có văn bản hướng dẫn Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để phối hợp với các Sở, ngành có liên quan ký Quy chế/Kế hoạch phối hợp hoặc trình UBND tỉnh, thành phố ban hành.

Tính đến hết năm 2022, có 25 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế, Kế hoạch phối hợp, các tỉnh còn lại tiếp tục xây dựng và ban hành trong năm 2023.

Một trong những nội dung trọng tâm và được quan tâm chỉ đạo thực hiện là công tác tuyên truyền, phòng ngừa tập trung vào thủ đoạn của tội phạm mua bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, xã hội trong phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân bị mua bán. 

Các nội dung trên được truyền tải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, tiểu phẩm, phóng sự, phim tài liệu…; xây dựng, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng; xây dựng pano, áp phích; tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn và thông qua đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh, thành phố đến cơ sở, kể cả cán bộ làm công tác tư pháp tại các cơ quan bảo vệ pháp luật và trực tiếp tại cộng đồng.

Bộ LĐTB&XH chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước tuyên truyền, phổ biến Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức về di cư an toàn, lồng ghép các nội dung liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trên phương tiện truyền thông.

Tổ chức Hội nghị tại Hà Nội và TP.HCM cho các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản. Phối hợp với Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức Lao động – Xã hội và tổ chức ILO tổ chức 7 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 700 lãnh đạo và nhân viên các doanh nghiệp dịch vụ về các quy định pháp luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đối với các tỉnh, thành phố chú trọng lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, chú trọng hoạt động tuyên truyền trong học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề, công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; thanh niên thiếu việc làm, nhất là nữ thanh niên khu vực nông thôn để phòng ngừa nguy cơ bị mua bán.

Trong năm 2022, các tỉnh, thành phố đã tổ chức gần 42.000 buổi truyền thông với gần 3 triệu lượt người tham dự; tổ chức trên 200 lớp tập huấn với gần 17.000 lượt người tham gia; xây dựng 25.000 pano, áp phích; cấp phát trên 880.000 tờ rơi, sách mỏng có nội dung về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Đối với các Trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, trong quá trình tổ chức hoạt động giao dịch việc làm, tuyển dụng, giới thiệu việc làm đều thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức cần thiết về phòng, chống mua bán người cho người lao động. 

Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác tuyên truyền chưa đa dạng và phong phú, chưa tiếp cận được với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là số nạn nhân bị mua bán ở vùng núi, dân tộc, gia đình có hoàn cảnh gặp khó khăn. 

Chính vì vậy, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả truyền thông về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng.

Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tiễn tại địa phương.

Xây dựng, phổ biến tài liệu truyền thông, tổ chức nói chuyện chuyên đề; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các hoạt động sân khấu hóa, pano, áp phích… về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Như Ngọc

 

 

Bài viết mới