Thứ Năm, 25/04/2024, 19:23

Chỉ dẫn địa lý: Công cụ giúp tạo nên một thương hiệu quốc gia đặc sắc

Xem thêm

Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lí là những công cụ mà không những có thể đảm bảo tính khác biệt của sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trong mắt mỗi cá nhân khách hàng, mà qua chính quá trình này, còn giúp tạo nên một thương hiệu quốc gia đặc sắc.

Hiện nay việc xây dựng Thương hiệu quốc gia đang là một chiến lược “marketing” đúng nghĩa đối với nhiều quốc gia.

Đó có thể là chiến lược nhằm vào tăng hàng hóa xuất khẩu, thu hút khách du lịch hoặc thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiện bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thương mại và du lịch, cùng sự phối hợp của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp nội địa. Đó cũng có thể là một chiến lược ngoại giao nhằm nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Không những thế, nhiều quốc gia không ngần ngại thực hiện chiến dịch hỗn hợp, bao gồm cả hai thể loại chiến lược nói trên. Khi nhìn qua những điểm cốt lõi trên, sẽ thấy rằng trong bất cứ chiến lược xây dựng Thương hiệu quốc gia nào, chúng ta không thể bỏ qua quyền SHTT, một công cụ vô cùng hữu hiệu để duy trì hình ảnh tích cực của quốc gia.

thuong hieu quoc gia

Chỉ dẫn địa lý: Công cụ giúp tạo nên một thương hiệu quốc gia đặc sắc.

Trước hết, phải nhấn mạnh rằng Thương hiệu quốc gia không phải là một dấu hiệu cụ thể có thể bảo vệ như một quyền SHTT. Tuy nhiên, Thương hiệu quốc gia có thể được xây dựng và củng cố nhờ thông qua việc bảo vệ quyền SHTT của các doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lí là những công cụ mà không những có thể đảm bảo tính khác biệt của sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trong mắt mỗi cá nhân khách hàng, mà qua chính quá trình này, còn giúp tạo nên một thương hiệu quốc gia đặc sắc.

Trong đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương đang là hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, đây là điều kiện phát huy các lợi thế riêng của một địa phương để phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản.

Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý không chỉ tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất của địa phương đó mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải…

Chỉ dẫn địa lý cũng được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, toàn quốc hiện có trên 800 sản phẩm nông – lâm – thủy sản có uy tín phân bổ trên 720 địa phương khác nhau.

Tuy vậy, mới chỉ có 60 nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên.

Chỉ một số ít trong đó được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài (gồm: Nước mắm Phú Quốc, Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Cà phê Buôn Mê Thuột, Nước mắm Phan Thiết, Thanh long Bình Thuận…).

Vì vậy, một số nhãn hiệu đặc sản Việt Nam bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài (gồm: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, cà phê Trung Nguyên…). Do đó, các thương hiệu này phải mất nhiều thời gian và chi phí mới lấy lại được quyền đăng ký bảo hộ.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những hoạt động hình thành các tổ chức tập thể quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nông sản này, tuy nhiên, chưa có các chiến lược phát triển sản xuất và kinh doanh để duy trì tính ổn định chất lượng và phát triển thị trường cho các sản phẩm.

Vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Việt Nam, nhằm xác định được “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho người dân là một vấn đề cấp thiết.

Một trong những xu hướng phát triển thương hiệu cho nông sản hiện nay là phát triển thương hiệu tập thể dựa trên khai thác các đặc điểm của vùng, miền.

Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Mai Anh

Link gốc

Bài viết mới