Thứ Năm, 19/09/2024, 11:01

Chân dung ‘kỹ sư chân đất’ của Cà Mau sáng chế máy cày đa năng độc đáo

Xem thêm

Ông Nguyễn Văn Rô, 60 tuổi, ở ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, là nông dân đầu tiên trong tỉnh Cà Mau tự chế thành công máy cày hoạt động cho vùng đầm lầy, ngập nước mang lại hiệu quả cao, được bà con nông dân tín nhiệm.

Đến ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, chỉ cần hỏi nhà “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô (tự Rô máy cày), mọi người sẽ được nhận sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân nơi đây. Bởi hình ảnh lão nông không qua trường lớp nhưng đã chế tạo thành công 5 loại máy cày, trục đất trong 5 năm khiến nhiều người nể phục.

Trước khi có chiếc máy cày phao nổi chuyên dụng, ông Nguyễn Văn Rô (ở xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) khi ấy đang làm thợ cơ khí có tiếng trong xã thường nghe bà con phàn nàn chuyện: Máy cày của Nga, của Trung Quốc mua về chỉ cày được trên nền đất cứng, đưa vào vùng đầm nuôi thủy sản để cải tạo đất, phòng chống dịch cho tôm, cá thì ‘chết cứng’.

ong nguyen van ro

Chân dung “kỹ sư chân đất” của Cà Mau sáng chế máy cày đa năng độc đáo.

Khi ấy, mỗi lần muốn cải tạo đất, người dân nuôi tôm công nghiệp hay quảng canh đều phải hút bùn thải ra sông, kênh rạch, phơi khô mặt đầm, cày nhỏ và phơi khô đất bùn phía dưới rồi mới lại bơm nước vào để nuôi tiếp vụ sau. 

Cách làm này vừa làm giảm năng suất nuôi trồng thủy sản, vừa tốn kém lại gây ô nhiễm cho sông, kênh rạch xung quanh. Không chỉ vậy, ngay cả với những vùng trồng trọt trên đất ngập nước, máy cày thường mỗi khi đưa vào lại gặp sự cố bị lún máy, gây hỏng hóc, vận hành không ổn định.

Dù mới học hết lớp 4, các kiến thức về chế tạo máy móc cũng chỉ vỏn vẹn ở xưởng cơ khí mà ông gắn bó từ thời trai trẻ, nhưng người nông dân ấy vẫn nhất quyết phải làm ra chiếc máy cho bà con.

Sau hơn 3 tháng mày mò nghiên cứu kết hợp với kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn, năm 2014, ông Rô chế tạo thành công máy cày đầm tôm công nghiệp trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Theo lời ông Rô, sản phẩm đầu tay được ông bán ra thị trường với giá 19 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đầu phần bánh lồng của máy cày được làm bằng phi sắt nên máy có trọng lượng khoảng 170kg và nhanh bị rỉ sét do tiếp xúc với môi trường nước mặn.

Nhận thấy sáng chế còn những hạn chế như giá thành còn cao và trọng lượng lớn gây khó khăn cho người dân, nên ông suy nghĩ tìm cách cải tiến.

“Sau thời gian thử nghiệm, tôi quyết định chọn phi nhựa (loại dẻo) để thay thế phi sắt. Qua đó, giúp cân nặng của máy cày giảm từ 170kg xuống còn khoảng 110kg và giá bán cũng giảm do tiết kiệm được chi phí”, ông Rô tâm sự.

Từ những cơ sở trên, ông Rô tiếp tục cho cho ra đời máy cày, trục đất vuông tôm (đất láng) và các sáng chế khác. Để cày, trục 1.000m2 đất người dân chỉ tốn khoảng 10.000 đồng tiền xăng, giảm gần phân nửa so với trước.

Điểm khác biệt trong sáng chế của ông Nguyễn Văn Rô là việc sử dụng dùng thùng hình trụ đưa vào phía trong khung hình trụ của các bánh lồng giúp máy cày có thể dễ dàng nổi lên trên mặt nước.

Ông Rô giải thích: “Các thùng hình trụ có cửa nạp và xả chất lỏng. Trong khi di chuyển máy qua sông hoặc kênh rạch, quá trình thao tác trên vùng đất ngập nước, thùng sẽ được tháo toàn bộ chất lỏng để tạo độ nổi cho máy. Nhờ vậy, máy di chuyển dễ dàng trên mặt nước kênh, rạch mà không cần phải cho máy lên ghe, xuồng để vận chuyển đến nơi canh tác…”.

“Nếu hoạt động trên vùng đất cứng, nhiều cây cỏ, thùng được thêm chất lỏng để tạo sức nén xuống mặt đất. Nhờ vậy, dù máy có trọng lượng nhẹ hơn so với máy cày thông thường nhưng vẫn đạt hiệu quả tương đương, do đó tiết kiệm được chi phí vật liệu chế tạo cũng như nhiên liệu vận hành máy”, ông Rô giải thích thêm.

Để chiếc máy phát huy hiệu quả trong việc nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Rô tiếp tục đưa ra ý tưởng tạo thức ăn dặm cho tôm sau khi đất được cày để đạt năng suất cao. 

Theo đó, ông hướng dẫn bà con ngâm lúa 2 đêm rồi vớt lên, ủ thêm 6 đêm và rải cho tôm ăn sau khi đất được cày. Việc này giúp tôm có thêm nguồn thức ăn mới lớn nhanh và khỏe mạnh, thay vì chỉ phụ thuộc vào thức ăn từ rong tảo hay gốc rạ, gốc cỏ…

Với những ưu điểm trên, chiếc máy cày dùng cho vùng đất ngập nước của nhà sáng chế nông dân Nguyễn Văn Rô đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002403 công bố ngày 25/09/2020.

Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Vân Trang

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới