Thứ Tư, 09/10/2024, 21:03

CEO Luxstay: ‘Mong nắm được cơ hội để trở thành doanh nghiệp đầu ngành về du lịch’

Xem thêm

“Với giai đoạn mới khi mà thị trường du lịch tái khởi động, tôi hi vọng Luxstay sẽ nắm bắt được cơ hội trong giai đoạn này để trở thành những doanh nghiệp đứng đầu trong ngành”, CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

CEO Luxstay: ‘Mong nắm được cơ hội để trở thành doanh nghiệp đầu ngành về du lịch’

Nhà sáng lập & CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng.

Ông Nguyễn Văn Dũng (Steven Nguyễn) là một triệu phú tự thân, đam mê về công nghệ và internet. Khởi nghiệp từ năm 18 tuổi dù chưa từng học đại học, vị CEO sinh năm 1989 này là người sáng lập Công ty truyền thông trực tuyến Netlink, đồng thời là Chủ tịch Metub Network – mạng lưới Youtube MCN (đa kênh) hàng đầu tại Việt Nam.

Dù đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến, song ông chưa bao giờ ngừng “giấc mơ” khởi nghiệp.

Đến cuối năm 2016, ông Dũng sáng lập nền tảng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn có mạng lưới chỗ ở (chung cư, biệt thự, homestay) ở phân khúc trung và cao cấp – Luxstay.

Startup này đã gọi được hàng triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ ngoại và các “cá mập” trong chương trình Shark Tank Việt Nam.

Trong những ngày đầu năm mới 2021, VietnamFinance đã cuộc trò chuyện với CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng về kế hoạch kinh doanh công ty trong năm mới và những kỳ vọng trong tương lai.

– Sự bùng phát của dịch Covid-19 gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch Việt Nam trong năm qua. Xin ông cho biết hoạt động kinh doanh của Luxstay đã bị tác động ra sao?

Nhà sáng lập & CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng: Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Luxstay đã bị tác động rất lớn, tất cả các mục tiêu tăng trưởng đặt ra phải thay đổi. Thay vì tập trung mở rộng chúng tôi đã chuyển sang phương án hoạt động tối ưu hiệu quả để hướng tới lợi nhuận.

Đến thời điểm hiện tại, các dịch vụ chính của Luxstay vẫn hoạt động bình thường, thay vì đầu tư ồ ạt vào marketing và các chương trình khuyến mãi, chúng tôi tìm hướng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực hơn để đa dạng nguồn thu.

– Luxstay được cộng đồng biết đến nhiều hơn khi liên tiếp gọi vốn thành công, đặc biệt là trong thương vụ gọi vốn lập kỷ lục nhất lịch sử Shark Tank Việt Nam. Vậy ông đã sử dụng dòng tiền trong những màn gọi vốn này thế nào?

Với các vòng huy động vốn trước đó, chúng tôi tập trung vào mục tiêu phát triển dịch vụ chính là chiếm lĩnh thị trường home-sharing (dịch vụ chia sẻ nhà ở).

Hiện nay, Luxstay đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành, điểm du lịch tại Việt Nam, đồng thời sẽ mở rộng sản phẩm tại nhiều quốc gia với tham vọng phủ kín tập khách hàng châu Á.

Luxstay được cộng đồng biết đến nhiều hơn trong thương vụ gọi vốn lập kỷ lục nhất lịch sử Shark Tank Việt Nam.

– Việc sử dụng nguồn vốn lớn để tăng trưởng có gây áp lực cho ông?

Tất nhiên là có. Bài toán tăng trưởng nhanh luôn là áp lực rất lớn đối với các startup.

– Vậy ông có dự định gọi thêm vốn trong năm 2021?

Chúng tôi chưa có kế hoạch gọi thêm vốn trong năm nay mà sẽ tập trung cao độ vào vận hành hiệu quả tạo ra lợi nhuận. Tuỳ vào diễn biến thị trường và các ý tưởng hình thành mới, chúng tôi mới tính tới việc góp thêm vốn hoặc huy động thêm.

– Là startup tiên phong trong lĩnh vực home-sharing tại Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về mô hình mình đang theo đuổi?

Tại các nước phát triển, thị phần của home-sharing chiếm khoảng 10-20% chi tiêu của thị trường lưu trú. Dung lượng và cơ hội phát triển cho ngành này tại Việt Nam được đánh giá là đang rộng mở. Dự báo tổng doanh thu trực tuyến mảng home-sharing tại Việt Nam có thể đạt 2 – 3 tỷ USD vào năm 2023.

Hơn nữa, thị trường bất động sản Việt Nam đang bùng nổ, nhiều chung cư, biệt thự, nhà ở được mua để đầu tư và cho thuê. Nguồn tài nguyên này sẵn có và dồi dào hơn mô hình truyền thống là khách sạn, resort.

Với nguồn cung dồi dào từ thị trường bất động sản tại Việt Nam, home-sharing chắc chắn vẫn sẽ phát triển. Hiện tại, thị trường du lịch đang đi xuống, home-sharing cũng không tránh khỏi việc lao dốc theo. Tuy nhiên, đặc thù của các mô hình kinh tế chia sẻ này là các chủ nhà, cá nhân không bị ảnh hưởng nặng nề như các mô hình truyền thống là chuỗi hotel/resort.

Sau đại dịch Covid-19, tôi cho rằng du lịch hồi phục tăng trưởng nóng, home-sharing cũng sẽ hồi phục nhanh mang lại nguồn cung lưu trú, đáp ứng cho ngành du lịch Việt Nam.

“Du lịch hồi phục tăng trưởng nóng, home-sharing cũng sẽ hồi phục nhanh mang lại nguồn cung lưu trú, đáp ứng cho ngành du lịch Việt Nam”, Steven Nguyễn nói.

 Thị trường home-sharing đang rộng mở là vậy, song vấn đề pháp lý cũng là một trong những rào cản đối với mô hình này. Ông có kiến nghị gì với những nhà làm luật?

Mô hình kinh tế chia sẻ (sharing-economy) là xu hướng tất yếu, giúp thúc đẩy ngành bất động sản và du lịch phát triển. Tôi hi vọng chính sách quản lý nhà nước sẽ thúc đẩy cho sự phát triển, tạo ra các quy định cụ thể vừa để quản lý vừa khuyến khích để giúp những mô hình như home-sharing có thể phát triển mạnh và bền vững, hạn chế các vấn đề rủi ro phát sinh cho cả người kinh doanh lẫn khách hàng.

 Nhân dịp đầu năm mới cũng là dịp bắt đầu một thập kỷ mới, ông kỳ vọng điều gì?

Việt Nam đang làm tốt trong việc ngăn chặn dịch Covid-19, đây là một lợi thế cho phát triển kinh tế và chắc chắn sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Đối với các doanh nghiệp startup, các hoạt động kinh doanh liên quan internet sẽ có nhiều ưu thế hơn trong việc tăng trưởng.

Với giai đoạn mới khi mà thị trường du lịch đang “reset”, tôi hi vọng Luxstay sẽ nắm bắt được cơ hội trong giai đoạn này để trở thành những doanh nghiệp đứng đầu trong ngành.

– Xin cảm ơn ông!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới