Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo khẩn về việc lợi dụng hình ảnh, danh tính của bác sĩ, giả mạo giấy tờ của Cục An toàn thực phẩm để quảng cáo bán sản phẩm hương phục khí.
Theo thông tin cảnh báo đăng ngày 31/7 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục đã nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế về việc tại website http://www.huongphuckhi.asia/, facebook https://www.facebook.com/100089719672293/posts/1166493740905296/?vh=e&extid=MSG-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C và một số trang mạng xã hội đã lợi dụng hình ảnh và danh tính của Bà quảng cáo cho sản phẩm Hương Phục Khí để bán hàng lừa đảo người tiêu dùng.
PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương khẳng định, trên thực tế bà không có công trình này.
Tại các đường link nêu trên có đăng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 204/2019/ĐKSP ngày 08/01/2019 và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1312/2020/XNQC-ATTP ngày 13/4/2019. Cục An toàn thực phẩm khẳng định các giấy tờ này là giấy tờ giả mạo, không có sản phẩm tên Hương Phục Khí đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm.
Trong khi Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Hương Phục Khí được quảng cáo vi phạm nêu trên, tránh thiệt hại về kinh tế và sức khỏe.
Trước đó, vào ngày ngày 16/6 ,Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra thông tin cảnh báo về việc quảng cáo và bán sản phẩm Thyroid Medication kèm theo Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm giả mạo và có ghi sản phẩm thuộc nhóm điều trị tuyến giáp trên mạng xã hội.
Cục An toàn thực phẩm sau đó đã chuyển thông tin vụ việc đến Công an TP.HCM. Trên cơ sở công văn trả lời của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình (TP.HCM), Cục An toàn thực phẩm cảnh báo Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của sản phẩm Thyroid Medication nêu trên là giả mạo.
Quy định về nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng: Theo Điều 4 Chương 2 Thông tư 08/2013/TT-BYT, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, poster, áp phích, truyền thanh, truyền hình phải bảo đảm đúng tác dụng của sản phẩm đã công bố; ngoài các nội dung đã công bố, nếu có nội dung khác thì phải có tài liệu khoa học chứng minh và phải bảo đảm chính xác trung thực các nội dung sau: Tên sản phẩm; Xuất xứ hàng hoá, tên địa chỉ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; Tác dụng của sản phẩm (nếu có); Các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm (nếu có); Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản (đối với các sản phẩm có cách sử dụng, cách bảo quản đặc biệt); Riêng với các sản phẩm thực phẩm chức năng phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng trong bản công bố sản phẩm;. Pháp luật Việt Nam cũng quy định nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; Đối với cơ sở, cá nhân vi phạm về quy định về quảng cáo thực phẩm sẽ bị xử phạt theo Điều 23. Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm như sau: Điều 23. Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. 4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. |
Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Thái An