Thứ Bảy, 27/04/2024, 7:02

Cam kết quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Người tiêu dùng hưởng lợi

Xem thêm

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có những cam kết sâu hơn và bao trùm nhiều lĩnh vực; trong đó, nâng cao quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những vấn đề được quan tâm. Những cam kết này cũng góp phần giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Vũ Xuân Trường – Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – nhận định, EVFTA hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho EU cũng như Việt Nam. Trong số đó, có những cam kết lợi ích liên quan đến SHTT với những điểm nội bật. 

Cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA được quy định ở chương 12 của Hiệp định với 63 điều và hai phụ lục với mục tiêu bảo hộ đầy đủ và hiệu quả quyền sở SHTT.

Việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì lợi ích chung của các nhà sản xuất và người sử dụng kiến thức công nghệ, theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế, vì sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ.

chi dan dia ly

Cam kết quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Người tiêu dùng hưởng lợi.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, nhìn chung, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng hai năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực…

Về đối tượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA chỉ áp dụng đối với 4 nhóm sản phẩm: rượu vang, đồ uống có cồn, nông sản và thực phẩm. Trên thực tế thì 4 nhóm này cũng bao quát gần như phần lớn các sản phẩm có thể là đối tượng của chỉ dẫn địa lý.

Đối tượng được bảo hộ gồm tên gọi, địa phương xuất xứ, nước xuất xứ của 169 sản phẩm của EU và 39 sản phẩm của Việt Nam thuộc diện được bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại… theo quy trình thông thường.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính. Tuy nhiên, hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT đều được xử lý bằng biện pháp hành chính như phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vi phạm, tịch thu tang vật…

Chính vì chưa đủ sức răn đe nên nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc đã và đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội trong nhiều năm qua. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.

Với những cam kết rất cao về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng trong Hiệp định EVFTA, đó sẽ là cơ sở để thu hút sự quan tâm và nâng cao ý thức của toàn xã hội về vấn đề này.

Đồng thời, chính các doanh nghiệp, chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ là một lực lượng quan trọng, phát hiện kịp thời, ngăn cản các hành vi làm giả sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, góp phần hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công cuộc phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lành mạnh hóa thị trường tiêu dùng và mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng.

Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Minh Vân

Link gốc

Bài viết mới