Thứ Ba, 17/09/2024, 19:47

Cảm biến phát hiện COVID tức thời để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng

Xem thêm

Cảm biến phát hiện COVID-19 tức thời chế tác tại Úc có thể giúp thay đổi cách đối phó hằng ngày với dịch bệnh, bảo vệ nhân viên y tế ở tuyến đầu cũng như cả cộng đồng.

Các điểm chính:

  • Cảm biến phát hiện SARS-CoV-2 và các biến thể từ hơi thở người.
  • Có thể đặt trong phòng hoặc đeo như thẻ cá nhân.
  • Cảm biến phát hiện COVID-19 tức thời giảm nguy cơ lây lan không triệu chứng, nhằm phòng tránh bùng phát dịch bệnh và phong toả nhiều lần.

Đại học RMIT hiện đang hợp tác với các đối tác, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp y sinh học Soterius đặt tại Melbourne để chế tác cảm biến sinh học. Công nghệ này có thể phát hiện ra lượng cực nhỏ SARS-CoV-2 và các biến thể của nó.

Đáng tin cậy, chính xác và không xâm lấn, cảm biến Soterius Scout có thể cho ra kết quả chính xác trong vòng một phút để thông báo cho người dùng biết môi trường làm việc có hoàn toàn sạch để vào làm việc hay không hoặc cảnh báo họ cần làm xét nghiệm COVID và tự cách ly.

Mẫu thử thành công hiện đang được Soterius cộng tác với RMIT, MIP Diagnostics, Viện Burnet, D+I và Vestech, để phát triển thêm và tiến tới đưa ra thị trường vào đầu năm 2022.

Công nghệ này sẽ được chế tác tại Úc và bước đầu sẽ được chuyển đến các bệnh viện. Trong tương lai, thiết bị sẽ được triển khai trong các môi trường làm việc trọng yếu khác cũng như các khu vực có mật độ người đông như viện dưỡng lão, khách sạn cách ly, sân bay và trường học.

Cảm biến Soterius Scout có thể phát hiện COVID-19 với cả những người không có triệu chứng, để một người biết có hoàn toàn an toàn để vào nơi làm việc không. (Ảnh: Soterius).

Đồng sáng lập Soterius – Tiến sĩ Alasdair Wood cho biết các cảm biến vi rút trong môi trường hiện nay thì cồng kềnh, tốn năng lượng và chỉ có thể phát hiện một loại vi rút.

“Cảm biến sinh học của chúng tôi vô cùng nhỏ nên có thể vừa với tấm thẻ cá nhân bỏ túi và dễ sử dụng – bạn chỉ cần quẹt thẻ lên bộ đọc ở các điểm kiểm tra”, Tiến sĩ Wood giải thích.

“Quan trọng là một cảm biến có thể phát hiện ra tám dòng vi rút  và công nghệ của chúng tôi có thể dễ dàng thích ứng để phát hiện biến thể mới hoặc loại vi rút mới khi chúng xuất hiện”.

“Chúng tôi hy vọng cảm biến sinh học Soterius Scout có thể trở thành công cụ trọng yếu để kiểm soát COVID-19, đưa ra phát hiện sớm chính xác nhằm phòng ngừa dịch bệnh bùng phát và tránh phong toả trong tương lai”.

Thực nghiệm mẫu thử được tiến hành tại RMIT, phối hợp với Viện Burnet, cho thấy cảm biến sinh học Soterius Scout phát hiện các nhân tố protein chính trong SARS-CoV-2 với độ chính xác ấn tượng và không cho kết quả dương tính giả.

Công nghệ này có thể phát hiện COVID-19 ngay cả với những người không có triệu chứng.

Thử nghiệm còn cho thấy cảm biến có tiềm năng trở thành công cụ hàng đầu trong chẩn đoán các bệnh hô hấp và đang được mở rộng quy mô để phát hiện các bệnh khác như cúm và Hội chứng hô hấp trung đông MERS.

Hình ảnh mẫu của cảm biến sinh học Soterius Scout được gắn cố định trên tường một văn phòng làm việc để phát hiện những phần cực nhỏ của COVID-19. (Ảnh: Soterius).

Bộ cảm biến Soterius Scout khai thác từ cảm biến sinh học dựa trên công nghệ nano do các nhà nghiên cứu RMIT phát triển tại Phòng nghiên cứu vi nano tiên tiến hàng đầu của trường. Công nghệ cảm biến sinh học là một nội dung trong hồ sơ xin cấp bằng sáng chế của Đại học RMIT, trong khi đó hệ thống tổng hợp là chủ đề của hồ sơ xin cấp bằng sáng chế của công ty Soterius.

Chủ nhiệm dự án Giáo sư Sharath Sriram cho biết sự hợp tác sẽ đẩy mạnh việc đưa nghiên cứu của RMIT ra khỏi phòng thực nghiệm và trở thành công nghệ mới quan trọng trong thực tế.

“Những lần phong toả gần đây trên khắp nước Úc cho thấy COVID-19 sẽ không bị xoá sổ trong một sớm một chiều và chúng ta cần những giải pháp thông minh để giúp phát hiện ra vi rút cũng như khống chế các đợt bùng phát”, Giáo sư nói. “Chúng tôi vô cùng hứng khởi khi thấy công nghệ cảm biến nền tảng của nhóm nghiên cứu là trọng tâm của giải pháp thông minh mới trong công cuộc kiểm soát COVID-19 và các loại vi rút hô hấp khác ở môi trường công sở, nhằm giúp bảo vệ đội ngũ y tế nơi tuyến đầu cũng như cả cộng đồng”.

Soterius vừa công bố mời các nhà đầu tư quan tâm gửi thư về công ty. Để biết thêm chi tiết, vui lòng truy cập https://www.soterius.com.au/.

Nhóm nghiên cứu đằng sau Soterius Scout: Giáo sư Sharath Sriram (RMIT), Tiến sĩ Alasdair Wood (Soterius), Tiến sĩ Md Ataur Rahman (RMIT), Tiến sĩ Chih Wei Teng (Soterius) và Tiến sĩ Ganganath Perera (RMIT).

Thông tin về cảm biến Soterius Scout

Công năng:

  • Đa năng, giá thành thấp và sản xuất trong nước (tại Úc)
  • Có thể đeo như thẻ từ hay gắn cố định ở nơi làm việc
  • Phát hiện phần nhỏ của vi rút rơi trên cảm biến và trong chưa tới một phút có thể chuyển kết quả đến điện thoại thông minh hoặc bộ đọc mà người dùng quẹt thẻ khi họ vào hoặc ra khỏi khu vực
  • Nếu phát hiện SARS-CoV-2, Scout hướng dẫn người dùng đi kiểm tra và cách ly
  • Dữ liệu từ thẻ đọc còn có thể chuyển lên đám mây để có thể giám sát từ xa các điểm nóng, đồng thời hỗ trợ khống chế các đợt bùng phát cục bộ

Công nghệ:

  • Scout dùng vi điện tử linh hoạt và công nghệ nano tổng hợp liên kết với các loại vi rút mục tiêu, cho phép phát hiện cụ thể và tránh kết quả dương tính giả
  • Các thành tố chủ chốt của công nghệ gồm sợi vi mô của cảm biến sinh học và chế tác điện tử tiên tiến sẽ được thiết kế và làm tại Úc
  • Mỗi thiết bị Scout có thể được lập trình để dùng tia cảm ứng phát hiện tới tám chủng vi rút khác nhau
  • Các mẩu vi rút đọng trên cảm biến sẽ bị hoá chất ngăn chặn nên chúng được khoá an toàn trong thiết bị
  • Cảm biến sinh học có thể dễ dàng sửa lại cho hợp trong quá trình sản xuất để phát hiện chủng mới khi chúng xuất hiện

Nguồn gốc:

  • Được phát triển từ năm 2018, dẫn dắn bởi đồng sáng lập gồm Tiến sĩ Alasdair Wood và Tiến sĩ Chih Wei Teng
  • Nhóm dự án tại Đại học RMIT (nhóm vật liệu tính năng và nghiên cứu hệ vi mô): Giáo sư Sharath Sriram, Tiến sĩ Ganganath Perera, Giáo sư Madhu Bhaskaran và Tiến sĩ Md Ataur Rahman
  • Công ty Soterius là cựu thành viên của MedTech Actuator – vườn ươm công nghệ sinh học châu Á-Thái Bình Dương. Đại học RMIT là đối tác của MedTech Actuator.

Vy Nguyễn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media.

Bài viết mới