Thứ Ba, 15/10/2024, 22:06

Bộ Công Thương lưu ý người dân cân nhắc khi vay tiêu dùng quá khả năng chi trả

Xem thêm

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra một số lưu ý khi người dân ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng khi hình thức cho vay này có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ trong và sau đại dịch.

Bộ Công Thương lưu ý người dân cân nhắc khi vay tiêu dùng quá khả năng chi trả

Ảnh minh họa.

Trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm dừng đối với tình hình kinh tế nói chung và tình trạng việc làm nói riêng do đại dịch Covid-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch.

Để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng cũng như lường trước những hậu quả không đáng có, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra một số lưu ý cho người tiêu dùng liên quan đến hình thức cho vay tiêu dùng này.

Theo đó, về hình thức, hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản, dưới hình thức cho vay cụ thể đối với cho vay từng lần) hoặc hợp đồng hạn mức và hợp đồng cho vay cụ thể (đối với cho vay theo hạn mức).

Về nội dung, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người dân cần đọc, tìm hiểu và nghiên cữu kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết, trong đó cần lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Trong đó, một số nội dung mà Cục nhấn mạnh là thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức, lãi suất cho vay (thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi), các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính, các loại phí khác mà người tiêu dùng phải trả, việc gia hạn nợ, quyền và nghĩa vụ của các bên, chế tài xử lý vi phạm hợp đồng,…

Về nghĩa vụ của các công ty tài chính đối với người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh về việc các công ty tài chính có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng lưu ý về trường hợp các công ty tài chính sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung để giao kết hợp đồng cho vay tiêu dùng với khách hàng, công ty phải thực hiện: “Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính;

Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp đầy đủ thông tin”, theo quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN)

Về một số lưu ý khác, để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho chính mình và người thân, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu thật kỹ, có những hiểu biết nhất định về hình thức giao dịch mà mình sẽ tham gia trước khi quyết định ký kết hợp đồng.

Đồng thời, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân, có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên, nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ.

Trường hợp người tiêu dùng sử dụng số tiền bất hợp pháp hoặc mất khả năng thanh toán nợ cho công ty tài chính sẽ bị xử phạt theo quy định tại hợp đồng và quy định pháp luật hiện hành.

Theo vietnamfinance.vn – Bạch Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới