Liên tiếp dính “tai tiếng” từ những vụ đòi nợ được ví như “xã hội đen” khiến FE Credit bị khách hàng quay lưng. Cùng với đó là sự xuất hiện của các “đại gia ngoại” có tiềm lực giành giật thị phần đã khiến hiệu quả kinh doanh của “ông lớn” FE Credit suy giảm, nợ xấu tăng mạnh.
Bị khách hàng quay lưng vì cách đòi nợ “không giống ai”
Thời gian qua, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) liên tiếp dính tai tiếng vì dịch vụ cho vay tiền lãi suất cao và kiểu hành xử khi đòi nợ được ví như “giang hồ”, “xã hội đen” khiến nhiều người lâm vào cảnh tan cửa nát nhà.
Thậm chí mới đây, một khách hàng vay tiền tại FE Credit trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM đã tự tử vì không chịu được áp lực khi bị đòi nợ kiểu “bất lương”, đáng sợ của doanh nghiệp này. Câu chuyện này đã được nhiều báo chí đăng tải.
Cụ thể, tháng 6/2020, báo chí đồng loạt đưa tin về sự việc một người đàn ông gieo mình xuống sông Sài Gòn tự vẫn do bị đòi nợ kiểu “giang hồ”, bị dọa giết, có dấu hiệu bắt cóc con nợ…
Trong vụ việc này có anh L.T.T (trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) vay tiền của Fe Credit, bị đối tượng côn đồ đe doạ, hành hung. Sau đó, anh T đã tự tử vào ngày 21/6/2020.
Văn Phòng Chính Phủ đã phải có công văn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc sau trường hợp khách hàng L.T.T bị đòi nợ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính Phủ.
Thông tin trên Tạp chí điện tử Ngày Nay từng đăng tải cho biết, gia đình anh T cho biết họ không biết gì về khoản nợ của anh cho đến ngày 19/6/2020, một nhóm khoảng chục người, thái độ hung hãn, đến nhà tìm anh T lớn tiếng chửi bới, động tay động chân (tát vào mặt, xách tai) nhằm thúc ép anh trả khoản nợ 168 triệu cả gốc và lãi.
Sau đó, nhóm côn đồ đã ép vợ chồng anh T theo họ đến nơi khác, điểm đến là một công ty đòi nợ thuê.
Tại đây, nhóm người này tiếp tục uy hiếp, ép vợ chồng anh T viết giấy nợ 105 triệu đồng, giảm 63 triệu so với khoản nợ 168 triệu cả gốc và lãi và phải cam kết trả đủ vào ngày 22/6/2020, địa chỉ giao tiền: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, 144 Cộng Hòa, F12, Q Tân Bình (Tòa nhà FE), 0902.566.0XX (Thành).
Tuy nhiên, một ngày trước khi đến hạn trả nợ cho FE Credit, anh T đã nhảy sông tự tử. Cơ quan điều tra cũng tìm thấy hợp đồng vay nợ trị giá 40 triệu đồng anh Tâm ký với FE Credit trong ví của anh.
Sự việc đau lòng của anh L.T.T khiến FE Credit trở thành tâm điểm dư luận, làm nóng nghị trường, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin trên, nếu đúng thì phải xử lý nghiêm.
Sau khi vụ việc xảy ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra hoạt động thu hồi nợ của FE Credit đồng thời khẳng định “sẽ không dung túng cho các hành vi cho vay và thu hồi nợ sai trái”.
Liên tiếp dính “tai tiếng” từ những vụ đòi nợ được ví như “giang hồ”, “xã hội đen” khiến FE Credit bị khách hàng quay lưng.
Vụ việc đau lòng của anh T chỉ là giọt nước tràn ly. Trước đó, công ty này đã đã nhiều lần khiến dư luận dậy sóng do cách đòi nợ “bất lương”, dọa nạt, “khủng bố tinh thần” khách hàng theo nhiều cách khác nhau.
Điển hình là vào tháng 9/2019, chị L.M.P (ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị kẻ lạ tung nhiều bài viết, hình ảnh cá nhân, gia đình và bạn bè lên mạng xã hội, vu khống chị P là tòng phạm, đồng lõa lừa đảo với bà H.T.T.N. (người quen của chị Phượng) đang có một khoản nợ với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Nội dung các bài viết này dùng lời lẽ tục tĩu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và phân biệt vùng miền nhắm vào chị P cùng các thành viên trong gia đình, trong đó có cả con của chị P nhằm mục đích gây áp lực buộc bà H.T.T.N phải trả nợ.
Việc này diễn ra liên tục trong thời gian dài buộc chị P phải gửi đơn cầu cứu lên cơ quan công an và báo chí.
Ngoài những bài đăng có nội dung vu khống và xúc phạm cá nhân trên mạng xã hội, chị P còn nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn khủng bố tinh thần, thậm chí là đe dọa tới tính mạng cá nhân, gia đình.
Các tin nhắn quấy rối, đe dọa chị P và gia đình. Ảnh: Ngày Nay.
Trước đó, vào tháng 5/2018, nhiều khách hàng vay mua trả góp mỹ phẩm Deaura cũng tố cáo FE Credit quấy rối và đe dọa khách hàng để đòi nợ.
Theo thông tin trên báo Doanh nghiệp Việt Nam, FE Credit có hành vi quấy rối, đòi nợ cả những người không vay tiền nhưng có liên quan đến người vay tiền (thông qua số điện thoại của người đi vay cung cấp) với lý do “không gọi được người nợ tiền”, FE Credit liên tục quấy rối người không vay nợ và đòi nợ những người này.
Cách đòi nợ của công ty này rất đa dạng, từ thuyết phục, giải thích cho đến dọa nạt. Cách đòi nợ phổ biến nhất là gọi điện quấy rối liên tục từ 5 – 10 cuộc gọi/ngày, bất kể giờ giấc.
Quá bức xúc, nhiều người đã gửi đơn khiếu nại đến Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ công thương), sau đó Cơ quan Thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước đã lên kế hoạch thanh tra công ty này.
Những lùm xùm về hoạt động thu nợ của FE Credit vẫn được người tiêu dùng phản ánh trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin ngày càng nhiều, khiến nhiều khách hàng đã từng vay tiền tại FE Credit cho biết sẽ không bao giờ quay lại lần nữa bởi đã quá ngán ngẩm với cách đòi nợ theo kiểu “khủng bố” khách hàng của Công ty này.
Nhiều đối thủ “giành giật” thị phần
Thị trường cho vay tiêu dùng với lợi nhuận “siêu cao” tại Việt Nam được ví như một miếng bánh ngọt khiến không chỉ doanh nghiệp trong nước giành giật, mà các đại gia ngoại cũng đang nhòm ngó.
Cuộc đổ bộ của các đại gia ngoại tại thị trường Việt Nam đã khiến áp lực cạnh tranh “miếng bánh thị phần” ngày càng khốc liệt.
Hiện ở Việt Nam có tới 16 công ty tài chính, nhưng khoảng hơn 70% thị phần nằm trong tay 2 công ty lớn: FE Credit, Home Credit.
Cuộc đổ bộ của các đại gia ngoại khiến thị phần của nhiều “ông lớn” bị đe dọa.
Tuy nhiên, khi nguồn vốn ngoại đang đổ mạnh vào nhiều doanh nghiệp khác thì cuộc chơi giữ vững thị phần thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam của những “ông lớn” như FE Credit, Home Credit ngày càng quyết liệt.
Trong đó, Shinhan Hàn Quốc là cái tên gây nhiều chú ý khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, đồng thời bỏ ra hơn 150 triệu USD để mở rộng hoạt động cho vay khách hàng cá nhân bằng việc mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam. Sau đó, Shinhan Hàn Quốc đã nhanh chóng thành lập công ty tài chính Shinhan Việt Nam.
Cùng với Shinhan Việt Nam, Lotte Finance cũng là một cái tên khiến nhiều “ông lớn” trên thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam phải cảnh giác.
Lotte Card vào Việt Nam năm 2017 và thâm nhập thị trường bằng thương vụ chi 1.700 tỷ đồng mua lại toàn bộ bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Techcombank.
Ngoài ra, loạt cái tên “mới nổi” như: Mcredit, HD Saison, Mirae Asset, JACCS… cũng đang khiến thị phần của nhiều “ông lớn” bị đe dọa.
Không chỉ dừng lại ở những công ty tài chính tiêu dùng hay ngân hàng thương mại, vốn ngoại cũng đã bắt đầu từ rất sớm tìm đến các doanh nghiệp cầm đồ – một hình thức cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ khác.
Chẳng hạn, Mekong Capital và Granite Oak đầu tư vốn vào F88, quĩ đầu tư John Galt Venture (Mỹ) đầu tư vào mô hình cầm đồ trực tuyến Camdonhanh.
Nhà đầu tư Thái Lan Srisawad Corporation năm 2017 cũng đã bước chân vào thị trường cầm đồ ở Việt Nam, mở tiệm cầm đồ với thương hiệu Sawad và đến nay đã có 59 chi nhánh trên toàn quốc.
Như vậy, việc liên tiếp xuất hiện các nhà đầu tư mới cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn.
Điều này đồng nghĩa với việc, áp lực cạnh tranh dồn lên các ông lớn là không hề nhỏ. Một số doanh nghiệp đã có những biểu hiện của việc hiệu quả kinh doanh giảm sút, nợ xấu tăng mạnh.
Hiệu quả kinh doanh đi xuống, nợ xấu tăng mạnh
FE Credit chiếm từ 22 – 23% trong tỷ trọng tín dụng và đóng góp lớn trong kết quả kinh doanh hợp nhất của VPBank. Tuy nhiên, những năm gần đây, hiệu quả kinh doanh của FE Credit đang có xu hướng giảm.
Cụ thể, năm 2018, FE Credit lãi trước thuế 4.118 tỷ, giảm 82 tỷ so với năm 2017. Ngoài ra, ROE và ROA cũng sụt giảm đáng kể qua các năm.
Báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm của FE Credit.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của VPBank trong 9 tháng đầu năm 2020, ngân hàng cho biết lãi trước thuế tại Công ty con FE Credit đạt 3.199 tỷ đồng; tổng giải ngân đạt 45.000 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ 2019.
Con số này cho thấy nhu cầu tín dụng tiêu dùng đi xuống trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng dư nợ tính đến 30/9/2020 tăng 6,4% so với cuối năm 2019, ghi nhận 64.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể, tại thời điểm kết thúc quý 3/2020, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit theo VAS (chuẩn mực kế toán Việt Nam) là 6,9%, cao hơn nhiều so với mức 6% cuối năm 2019.
Trong khi nợ xấu tăng phi mã thì biên lãi ròng (NIM) tại FE Credit giảm đáng kể. Cụ thể, quý 3/2020, NIM đạt 26,7%, trong khi cùng kỳ 2019 đạt 31,4%. Tổng thu nhập hoạt động tại FE Credit ghi nhận 4.304 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ 2019.
Ngoài ra, khả năng sinh lời tại FE Credit cũng giảm đáng kể. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2020, ROE (tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu) đạt 34%, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ 2019; ROA (tỉ suất sinh lợi trên tổng tài sản) đạt 4,8% trong khi đó, chỉ riêng quý 3/2019, ROA tại FE Credit đã đạt 6,6%.
Trên thực tế, việc FE Credit tăng trưởng chậm lại, đóng góp ít hơn cho ngân hàng hợp nhất cũng là điều đã được lãnh đạo VPBank xác nhận từ trước.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6/2020, Tổng Giám đốc VPBank – ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, mọi năm, công ty tài chính Fe Credit đóng góp khoảng 44% vào lợi nhuận hợp nhất nhưng năm nay có thể thấp hơn.
Fe Credit trong thời gian qua đã siết chặt hoạt động hơn rất nhiều, chẳng hạn tạm thời dừng tăng trưởng, tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, tăng bán chéo, tìm cách kiểm soát rủi ro.
Ban lãnh đạo VPBank cũng thông tin, ngân hàng đang triển khai kế hoạch thoái bớt vốn tại FE Credit. Theo đó, vì FE Credit là công ty tài chính nên ngân hàng này tối đa bán vốn lên tới 49%.
Nếu bán hết được 49% thì quyền lợi của ngân hàng mẹ giảm đi nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc đối tác mới sẽ đem theo những công nghệ mới và nguồn vốn hùng hậu cho FE Credit phát triển.
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Linh Lan (T/h)