Chuyên gia cho rằng khoảng 1 năm tới, thị trường xuất hiện cơ hội cho nhà đầu tư sẵn tiền mặt, cơ hội nãy phải cỡ chu kỳ 10 năm mới có 1 lần. Đối với doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn cần chọn tái cấu trúc bằng cách “hi sinh” dự án, lĩnh vực không phải cốt lõi để thu gọn tài chính, giảm nợ vay, chỉ tập trung một vài dự án chủ lực của mình để phát triển…
Ảnh minh họa.
‘BĐS suy thoái, doanh nghiệp cần tái cấu trúc bằng cách hy sinh dự án’
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng giải pháp cho thị trường bất động sản đang trong giai đoạn suy thoái lúc này là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn vừa phát biểu trên truyền thông cũng nhìn nhận phải chấp nhận tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Nếu giờ doanh nghiệp bất động sản vay thêm vốn từ tín dụng, từ trái phiếu mà vẫn không bán được hàng, tỷ lệ nợ sẽ càng tăng, sức ép tài chính lớn hơn nhiều. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chọn tái cấu trúc bằng cách “hy sinh” dự án, lĩnh vực không phải cốt lõi để thu gọn tài chính, giảm nợ vay, chỉ tập trung một vài dự án chủ lực của mình để phát triển.
Với thị trường, vài năm trước, các chuyên gia đã từng cảnh báo khoảng 70% nhà đầu tư trên thị trường là lướt sóng, đầu cơ. Họ mua bất động sản không phải để ở hoặc cho thuê mà chủ yếu vay vốn để mua bất động sản rồi lướt sóng, kiếm lời… Nay thị trường “đóng băng”, thiếu vắng người mua vì đa số mua ở dạng lướt sóng giờ không còn tiền mua tiếp.
Điều này cho thấy “mua thổ thì luôn luôn lời” sẽ không còn đúng khi thị trường đã phát triển với quy mô hiện nay. Đầu tư bất động sản vẫn là ngành hấp dẫn, nhưng cần phải tập trung vào các loại bất động sản có nhu cầu ở và kinh doanh thật sự. Đây cũng là hướng đi cho các công ty bất động sản trong giai đoạn tới.
‘Đói vốn, doanh nghiệp BĐS nên tìm đến kênh FDI’
Để đảm bảo ngành bất động sản duy trì tốc độ phục hồi ổn định cũng như nguồn cung ở các phân khúc để phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, CEO Savills Việt Nam ông Neil MacGregor chỉ ra giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
“Trong khi các kênh huy động vốn đều không khả thi, các doanh nghiệp nên tìm đến kênh FDI như một giải pháp phù hợp. Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất – chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay”, ông Neil MacGregor nói.
Phân tích thêm về giải pháp này, theo ông Neil MacGregor, việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ dòng vốn FDI là hoàn toàn khả thi bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam hiện nay là rất lớn.
BĐS 1 năm tới: ‘Nhà đầu tư sẵn tiền mặt nên nắm bắt cơ hội 10 năm mới có 1 lần’
Đối với nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay, ông Đỗ Quý Duy, chuyên gia bất động sản, người sáng lập câu lạc bộ nhà đầu tư bất động sản NAC cho biết sẽ xuất hiện 2 loại hình nhà đầu tư. Thứ nhất là nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, có lượng tích lũy về tiền mặt khá tốt và họ chờ đợi thời điểm này để tham gia thị trường với những tính toán cụ thể về giá bán, thanh khoản và chu kỳ. Nhóm thứ hai là nhà đầu tư không chuyên và đang có xu hướng muốn tham gia thị trường, tức là 1-2 năm trước họ chưa tham gia và nay đang cân nhắc.
Theo ông Duy, trong khoảng 1 năm tới, thị trường sẽ xuất hiện nhiều cơ hội cụ thể dành cho nhóm nhà đầu tư có tiền mặt. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chậm rãi, thận trọng trong việc tiếp cận thông tin thị trường để đánh giá những cơ hội, từ đó có được quyết định chính xác nhất, chỉ cần 1-2 thương vụ có thể tạo ra lợi nhuận lớn hơn những nhà đầu tư tham gia thị trường thường xuyên.
“Tôi đánh giá rằng cơ hội này phải cỡ chu kỳ 10 năm mới có 1 lần, không phải thời điểm nào mọi người cũng có thể tiếp cận được với những bất động sản có giá tốt, pháp lý tốt, dòng tiền tốt và thanh khoản tốt trong tương lai. Cơ hội này dành cho cả nhà đầu tư không chuyên hoặc rất chuyên nên nắm bắt trong 1 năm tới. Đây là giai đoạn ‘kim cương’ trong chu kỳ 10 năm đã qua của thị trường bất động sản từ năm 2012 đến nay”, ông Duy dự báo.
Hai nghịch lý BĐS: Bán không được giá vẫn tăng, giảm giá rồi ‘chết’ thanh khoản
Nói với VietnamFinance về giá các phân khúc bất động sản hiện nay, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết thị trường bất động sản đang ở giai đoạn không chuẩn hóa về giá cả. Thị trường hiện có 2 nghịch lý, một là bán không được nhưng giá vẫn tăng và kiểu thứ hai là giảm giá rồi mà bán không được.
Với trường hợp giá bất động sản vẫn tăng, ông cho hay đó là những bất động sản trước đây chưa tăng và thường rơi vào bất động sản khai thác được, cho thuê được và tập trung những khu vực trung tâm như ở TP. HCM.
“Ví dụ căn hộ thứ cấp trước đây chưa tăng thì nay tăng 1-2%. Rõ ràng những bất động sản này không những không giảm giá mà một vài nơi còn tăng nhẹ”, ông Hiển đánh giá.
Còn trường hợp giảm giá thậm chí giảm 50% cũng chưa chắc bán được, ông Hiển nói đó là đất nền có diện tích lớn ở vùng đón đầu, đặc biệt là giai đoạn 2020-2021 khi “sốt” đất, người ta tranh nhau đi mua nhưng không mua được, một số người muốn lời nhiều đã chọn những vùng xa để mua đất có diện tích từ vài ngàn m2 đến cả ha. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ thì diện tích những khu đất để làm nông nghiệp không đủ lớn, để làm du lịch cũng không được mà chờ thì không biết bao giờ thành đất ở.
“Những vùng đất này có người bỏ ra 2 tỷ đồng, 3 tỷ đồng và cả chục tỷ tùy theo diện tích, nhưng giờ họ muốn bán và giảm giá 50% lại không có người xuống tiền, vì người mua không biết mua để dùng với mục đích gì”, vị tiến sĩ nói.
Bình Định điểm mặt 2 dự án hơn 14.000 tỷ chưa đủ điều kiện kinh doanh
Sở Xây dựng tỉnh Bình Định vừa công bố 2 dự án chưa đảm bảo điều kiện của bất động sản được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật là khu du lịch cao cấp Thiên Đường Xanh và dự án Cadia Quy Nhơn.
Được biết, dự án Khu du lịch cao cấp Thiên Đường Xanh (hiện đã được đổi tên thành dự án Laimian) tại điểm du lịch số 3, tuyến du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến, khu kinh tế Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn.
Dự án ban đầu có diện tích 112,95ha, tổng vốn đầu tư 1.365 tỷ đồng, được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu đầu ngày 19/4/2014. Đến tháng 8/2022, dự án được điều chỉnh và đổi tên thành Laimian, đồng thời bổ sung nhiều hạng mục, tăng quy mô công trình, mục tiêu đầu tư và tăng vốn đầu tư lên gần 10 lần, từ 1.365 tỷ đồng lên 13.000 tỷ đồng.
Dự án thứ hai là, Cadia Quy Nhơn tại khu đất số 1 đường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn có diện tích hơn 8.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.126 tỷ đồng, với mục tiêu xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp (khách sạn 5 sao).
2 doanh nghiệp muốn ‘hồi sinh’ khu du lịch sinh thái hơn 530ha tại Lâm Đồng
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo về việc Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Minh Nhựt Đạ Tẻh và Công ty Cổ phần Ca Cao Việt Nam – Vinacacao đăng ký chủ trương đầu tư dự án khu du lịch sinh thái hồ Đạ Tẻh.
Cụ thể, theo đề xuất của Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Minh Nhựt Đạ Tẻh, dự án có quy mô 534,19ha; trong đó diện tích mặt nước là 307,5ha. Thời hạn dự án là 50 kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tiến độ dự án theo đề xuất của Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Minh Nhựt Đạ Tẻh là từ năm 2023 – 2027. Trong đó, từ năm 2013 – tháng 12/2014 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng… Từ tháng 1/2025 – tháng 12/2026 sẽ xây dựng các hạng mục và hoàn thiện toàn bộ dự án.
Theo vietnamfinance.vn – Lệ Chi