Thứ Năm, 19/09/2024, 10:15

Bảo vệ bản quyền âm nhạc trong thời kỳ 4.0

Xem thêm

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh những biện pháp bảo vệ bản quyền âm nhạc.

Thực trạng xâm phạm bản quyền âm nhạc hiện nay xảy ra rất phổ biến. Một số nhạc sỹ – chủ sở hữu tác phẩm chỉ cho phép một số cá nhân là ca sỹ, hoặc đơn vị truyền thông chuyên kinh doanh âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến… được phép thu thanh, thu hình và truyền tải lên mạng internet các tác phẩm với mục đích phổ biến rộng rãi đến người công chúng.

Tuy nhiên, các cá nhân/tổ chức này lại lạm dụng những giấy tờ đã ký với tác giả về phổ biến tác phẩm thành phục vụ triệt để việc kinh doanh (khai thác, thu tiền trên nền tảng Youtube), lấy trọn phần doanh thu này, vô hiệu hóa quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, khiến tác giả vô cùng thiệt thòi.

Tính đến thời điểm hiện tại những hội thảo về bản quyền trong thời đại công nghệ số nói chung, bản quyền trong lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật nói riêng đã được tổ chức tương đối dày đặc với quy mô trong nước và quốc tế, nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu có thể ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền, đang trở nên vô cùng nan giải hiện nay.

cong nghe 40Bảo vệ bản quyền âm nhạc trong thời kỳ 4.0.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, sau mỗi cuộc hội thảo, thì nạn ăn cắp bản quyền trở nên dày đặc hơn, tinh vi hơn. Và người ta, thay vì tìm ra những lỗ hổng từ luật pháp để nhanh chóng lấp đầy, thì lại đổ lỗi cho công nghệ thông tin đã và đang làm nảy sinh nhu cầu “ Tiêu thụ văn hoá nhanh” tạo cơ hội cho nạn ăn cắp bản quyền bùng phát.

Đại diện bộ phận pháp chế Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như yêu cầu thực tiễn của Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường internet đang ở mức báo động. Các hành vi xâm phạm quyền tài sản, quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm đến quyền nhân thân (quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm)… đang diễn ra phổ biến.

Với trách nhiệm của tổ chức bảo vệ tập thể quyền tác giả âm nhạc, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc.

Cho tới nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm mà các Tổ chức Tập thể quyền trên thế giới cùng sử dụng, đó là hệ thống phần mềm: Mis@Asia, Cisnet, Apple, Apra, Must, PRS, Komca, IMRO, Gema, Youtube… để đảm bảo tính tương tác cao.

Nhạc sỹ Hoài An là một trong những tác giả có hợp đồng ủy quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sớm nhất. Anh chia sẻ, việc Trung tâm chạy các phần mềm phân phối theo chuẩn của thế giới, cập nhật công nghệ hiện đại đủ mạnh để theo dõi việc sử dụng bản quyền trên các kênh sóng và trên các nền tảng mạng xã hội đã giúp bảo vệ tốt quyền lợi cho các nhạc sỹ…

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung khẳng định, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang làm tốt vai trò trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả – chủ sở hữu tác phẩm.

Hàng năm, số tiền tác quyền mà anh nhận được luôn cao hơn năm trước, đó là nguồn thu nhập không dễ gì có được.

Đặc biệt, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 lan rộng và kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân trong nước và quốc tế, nhưng quý I và II năm 2020, số tiền tác quyền mà anh nhận được từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khá cao.

Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Hải Châu

Link gốc

Bài viết mới