Thứ Sáu, 03/05/2024, 20:12

Bản quyền sẽ không được cấp cho các tác phẩm không được tạo ra dưới bàn tay con người

Xem thêm

Đó là phán quyết của tòa án Mỹ trong vụ việc một chuyên gia tạo hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI) kiện Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ từ chối cấp bản quyền cho các ‘tác phẩm’ của ông.

Theo thông tin được đăng trên tờ The Verge ngày 18/8, thẩm phán liên bang ở Mỹ tên Beryl A. Howell đã ra phán quyết rằng các tác phẩm nghệ thuật tạo ra bởi AI tạo ra sẽ không thể được bảo vệ bản quyền.

Phán quyết được đưa ra trong vụ việc ông Stephen Thaler, một người chuyên tạo ra các hình ảnh bằng AI thông qua hệ thống Creativity Machine kiện Văn phòng Bản quyền Mỹ từ chối cấp bản quyền cho các “tác phẩm” của ông.

Stephen Thaler đã nhiều lần cố gắng đăng ký bản quyền bức ảnh “với tư cách là tác phẩm được chủ sở hữu của Creativity Machine thuê sáng tạo”. Theo cách đăng ký bản quyền đó, tác giả (thuật toán Creativity Machine) là người tạo ra tác phẩm và Stephen Thaler là chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật, nhưng anh ta đã nhiều lần bị từ chối.

Bức ảnh do AI tạo ra của Stephen Thaler không thể đăng ký bản quyền.

Sau lần từ chối cuối cùng của Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ vào năm ngoái, Stephen Thaler đã kiện Văn phòng này với cáo buộc việc từ chối là “tùy tiện, thất thường … và không phù hợp với luật pháp”, nhưng thẩm phán Beryl A. Howell không nhìn nhận như vậy.

Trong quyết định của mình, thẩm phán Beryl A. Howell cho rằng bản quyền chưa bao giờ được cấp cho tác phẩm “không có bất kỳ bàn tay hướng dẫn nào của con người”, đồng thời nói thêm rằng “quyền tác giả của con người là yêu cầu cơ bản của bản quyền”.

Vị thẩm phán cũng khẳng định: “Luật bản quyền của Mỹ chỉ bảo vệ các tác phẩm do con người sáng tạo”.

Để khẳng định cho quan điểm của mình, vị thẩm phán cũng đã đưa ra các trích dẫn điển hình, chẳng hạn như trường hợp liên quan đến một bức ảnh tự sướng của khỉ.

Tuy nhiên, thẩm phán Beryl A. Howell thừa nhận rằng nhân loại đang “tiếp cận các biên giới mới về bản quyền”, nơi các nghệ sĩ sẽ sử dụng AI như một công cụ để tạo ra tác phẩm mới. Theo thẩm phán Beryl A. Howell, điều này sẽ tạo ra “những câu hỏi đầy thách thức về mức độ cần thiết của con người” để đăng ký bản quyền tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra. Vị thẩm này cũng lưu ý rằng các mô hình AI thường được đào tạo dựa trên tác phẩm đã có từ trước.

Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh các nhà biên kịch và diễn viên ở Hollywood lo ngại rằng một số hãng phim sẽ sử dụng tác phẩm do AI tạo ra để tránh phải trả tiền cho nhà biên kịch và diễn viên. Do đó, nó mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những nhà sáng tạo nghệ thuật.

Thêm một điều đặc biệt quan trọng trong phán quyết của thẩm phán Howell là nó cũng sẽ bác bỏ quyền sở hữu đối với người trả tiền để thuê người khác, trong trường hợp này là AI, tạo ra tác phẩm.

Cụ thể, theo lý thuyết, nếu một cá nhân được ai đó thuê để tạo ra thứ gì đó, thì bản quyền đối với sáng tạo đó sẽ thuộc về người đã trả tiền cho tác giả để tạo ra nó, mặc dù bản thân quyền tác giả vẫn thuộc về người sáng tạo.

 Theo các diễn biến mới nhất, Stephen Thaler có kế hoạch kháng cáo vụ án. Luật sự Ryan Abbot của Brown Neri Smith & Khan LLP được Stephen Thaler thuê kháng cáo cho biết: “Chúng tôi rất không đồng ý với cách giải thích của tòa án về Đạo luật Bản quyền”.

Các vụ kiện bản quyền xung quanh các tác phẩm do AI tạo ra đang ngày càng trở nên phổ biến tại Mỹ, do đó, các nhà làm luật hiện cũng đang thúc đẩy việc điều chỉnh các điều luật để luật pháp được phù hợp hơn với sự phát triển của công nghệ và bước tiến thời đại.

Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Thái An

Bài viết mới