Thứ Bảy, 20/04/2024, 0:38

Xu hướng truyền thông năm 2022: Kỳ vọng bùng nổ từ những điều ‘cũ mà mới’

Xem thêm

Trong số 246 chuyên gia đầu ngành truyền thông trên thế giới tham gia một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, hầu hết đều định hướng rõ ràng rằng trọng tâm chính của ngành truyền thông trong năm nay là lặp lại và cải tiến các sản phẩm hiện có (67%), hơn là đầu tư vào công nghệ hoặc dịch vụ mới (33%). Áp lực lạm phát, thiếu hụt chuỗi cung ứng, xung đột tại Ukraine… là những nguyên do chính khiến các công ty truyền thông, xuất bản và báo chí chi ít tiền hơn cho các khoản đầu tư rủi ro trong năm nay.

Xu hướng truyền thông năm 2022: Kỳ vọng bùng nổ từ những điều 'cũ mà mới'

Ảnh minh họa.

Quảng cáo kỹ thuật số tăng trưởng ổn định

Quảng cáo kỹ thuật số được xem là động lực tăng trưởng doanh thu chính của ngành truyền thông. Mark Read, CEO WPP PLC, một trong những tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới, cho biết quảng cáo kỹ thuật số vẫn đang duy trì kết quả kinh doanh ổn định nhưng rõ ràng không thể phát triển nhanh như nó đã từng trong thời điểm đại dịch bùng phát.

Đồng tình với quan điểm trên, một công ty đầu tư truyền thông quảng cáo lớn khác là GroupM cũng chỉ ra rằng quảng cáo kỹ thuật số đang phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với quảng cáo trên các nền tảng khác như truyền hình và báo chí.

GroupM dự kiến quảng cáo kỹ thuật số sẽ chiếm 67% tổng chi tiêu cho quảng cáo toàn cầu trong năm nay. Dù vậy, dự báo chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu trong năm chỉ tăng khoảng 13%, một mức khiêm tốn so với con số 30% trong năm ngoái, giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Statista, quảng cáo kỹ thuật số sẽ chứng kiến doanh thu tăng từ 356 tỷ USD vào năm 2020 lên 460 tỷ USD vào năm 2024.

Dự đoán của Statista dựa vào tỷ lệ thâm nhập internet tăng trên toàn thế giới và sự gia tăng phổ biến của các nền tảng kỹ thuật số sử dụng quảng cáo làm nguồn doanh thu chính để người tiêu dùng có thể tiếp cận các dịch vụ đó mà không phải trả một khoản phí rõ ràng. Trong đó, ngành chi tiêu nhiều nhất cho quảng cáo kỹ thuật số là bán lẻ với 22%. Đứng ở vị trí thứ hai là các ngành công nghiệp ô tô và dịch vụ tài chính, cùng là 12%.

Tương tác sâu hơn với khách hàng thông qua âm thanh

Một số công ty truyền thông tập trung vào quảng cáo và số khác hướng tới tăng lượng người đăng ký, nhưng sự thành công của cả hai mô hình cuối cùng phụ thuộc vào sự tương tác gần hơn với khách hàng thông qua các trang web, ứng dụng, bản tin và podcast (một chương trình âm thanh có thể nghe trên các ứng dụng, đăng ký theo dõi hoặc tải về).

Theo Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, trong nỗ lực đổi mới hướng đến khán giả, các công ty truyền thông và báo chí sẽ tập trung vào sản xuất podcast và âm thanh kỹ thuật số (âm thanh được ghi lại và chuyển sang dạng kỹ thuật số), tiếp theo là xây dựng và cải tiến các bản tin và phát triển các định dạng video kỹ thuật số.

Việc sử dụng âm thanh dưới dạng kỹ thuật số trở thành xu hướng trong vài năm trở lại đây, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của điện thoại thông minh, tai nghe chất lượng cao và xu hướng đầu tư vào podcast từ các nền tảng như Spotify, Google và Amazon.

Video trực tuyến cũng được dự đoán sẽ bùng nổ trở lại, được thúc đẩy bởi các cuộc họp báo online và các sự kiện kịch tính đi kèm với những video dạng ngắn như của TikTok, ứng dụng hiện đã tiếp cận hơn một tỷ người trên khắp thế giới.

Tại TikTok, người dùng dễ dàng tạo, chia sẻ video. Họ có thể ghi lại bất cứ thứ gì từ thói quen, sở thích hàng ngày của mình lên ứng dụng vì mọi thứ đang được đơn giản hóa và tối ưu hơn. Với những bước đi đột phá, TikTok đã xây dựng được công nghệ quảng cáo có thể cạnh tranh về quy mô, số lượng với những “ông lớn” công nghệ như Google và Facebook.

Những phương thức làm việc mới

Trong hơn 2 năm đại dịch diễn ra, nhiều tòa soạn và nhà xuất bản đã vận hành mà không hề có nhân viên tại văn phòng. Điều này đã khiến các chuyên gia đầu ngành dự đoán trong năm 2022, việc kết hợp giữa một số nhân viên làm tại văn phòng và một số khác làm việc từ xa sẽ trở thành công thức tiêu chuẩn của nhiều tòa soạn và nhà xuất bản.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters hồi tháng 11/2021 cho thấy các công ty truyền thông đang thúc đẩy kế hoạch thiết kế lại văn phòng, giảm không gian cho nhân viên làm việc trực tiếp, nâng cấp công nghệ. Thậm chí, nhiều công ty có thể chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến hoàn toàn. Các công ty sẽ dành nhiều thời gian hơn để kiểm soát hiệu quả làm việc cũng như chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân viên.

Không chỉ thay đổi về phương thức làm việc, cách thức đưa tin được dự báo cũng sẽ có nhiều thay đổi, do nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều độc giả thấy “choáng ngợp” bởi lượng tin tức khổng lồ mỗi ngày, hoặc những tin tức quá nhàm chán. Đại dịch đã buộc nhiều tòa soạn phải đánh giá lại phương pháp biên tập và cách đưa tin.

Bên cạnh đó, trước sự bùng nổ của metaverse (vũ trụ thực tế ảo), ngành báo chí kỳ vọng tạo ra những cuộc phỏng vấn trong metaverse. Dù vào thời điểm hiện tại, điều này khá là khó hình dung.

Sau nhiều vụ tấn công nhà báo và những mối nguy hiểm xảy ra với những người đưa tin, năm 2022, các nhà xuất bản sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà báo, bao gồm tăng cường bảo vệ an ninh cho các nhóm truyền hình. Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ thực hiện một đạo luật về tự do truyền thông vào năm 2022, sau một số vụ sát hại các nhà báo liên quan đến việc bắt giữ hoặc đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập ở các quốc gia thành viên như Hungary và Ba Lan.

Có nhiều quy định hơn cho các nền tảng truyền thông

Trong vài năm gần đây, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng khổng lồ của các công ty công nghệ lớn tới đời sống con người. Điều này dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh như tin giả, những tin tức/hình ảnh độc hại, quyền riêng tư của người dùng bị ảnh hưởng…, khiến giới chức tại nhiều quốc gia buộc phải xem xét tới những biện pháp kiểm soát thông tin.

Trong năm 2022, châu Âu dự kiến sẽ đi đầu với 2 đạo luật trực tuyến là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Trong khi DMA hạn chế sức mạnh thị trường của các công ty công nghệ lớn thì DSA sẽ đảm bảo các nền tảng xã hội lớn trong sạch bằng cách “ép” loại bỏ các nội dung độc hại nhanh chóng.

Hai đạo luật này nhằm điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ, đảm bảo xử lý mạnh tay các nền tảng trực tuyến vi phạm các quy định về nội dung đăng tải như cho phép xuất hiện các nội dung bị cấm, hình ảnh ấu dâm, những ngôn từ kích động thù địch hay tin giả…

Chính phủ Anh cũng có kế hoạch thông qua dự luật An toàn Trực tuyến, trao quyền hạn mới để xử phạt các nền tảng web không ngăn chặn nội dung bất hợp pháp và có hại khác, tuân thủ theo quy định của cơ quan giám sát truyền thông Ofcom.

Việc thanh toán bản quyền cho tin tức cũng sẽ được chú trọng hơn nữa trong năm nay, dù còn nhiều khó khăn để xác định được một cơ chế rõ ràng cho việc trích xuất lại tin tức trên mạng.

Theo vietnamfinance.vn – Song Anh

 

 

Bài viết mới