Thứ Bảy, 20/04/2024, 2:04

Xe điện – giải pháp tiềm năng phát triển giao thông xanh

Xem thêm

Điện hóa phương tiện giao thông là một trong những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí, đáp ứng mục tiêu chống biển đổi khí hậu.

Thị trường xe điện trong nước và khu vực

Khoảng vài năm gần đây, thị trường xe máy điện, ôtô điện tại Việt Nam có những tăng trưởng nhất định về cả sản lượng và doanh số, bất chấp tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Theo dữ liệu từ MotorCycles Data, thị trường xe máy điện trong nước tăng trưởng 5,14% trong 2019; 8,54% trong 2020 và 10% trong năm 2021. Thị trường xe máy điện ở Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Doanh số thị trường xe máy điện tại một số nước khu vực Đông Nam Á. Nguồn: ICCT

Doanh số thị trường xe máy điện tại một số nước khu vực Đông Nam Á. Ảnh: ICCT.

Theo một nghiên cứu của Worldbank, hoạt động giao thông vận tải đường bộ góp tới 18% lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM với dân số lần lượt là 8 và 9 triệu người, giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Tại TP.HCM, hoạt động giao thông vận tải đường bộ đóng góp tới 40% mức bụi mịn PM2.5, trong đó 60% lượng bụi mịn này là do xe máy gây ra, theo báo cáo của C40, tổ chức gồm 100 thị trưởng của các thành phố lớn trên thế giới.

Để giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí, điện hóa phương tiện đường bộ được coi là một trong những giải pháp tiềm năng nhất cho mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh.

Theo Cục Đăng kiểm, số lượng ôtô điện ở Việt Nam còn rất ít, năm 2019 có 140 xe, năm 2020 có 900 xe. Phần lớn trong số đó là các loại hybrid (xăng lai điện), plug-in hybrid (xăng lai điện cắm sạc ngoài), số xe thuần điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhưng đến các năm tiếp theo, khi VinFast giới thiệu mẫu xe thuần điện đầu tiên, doanh số tăng vọt đến 2.208 chiếc trong 8 tháng đầu 2022.

Chính sách hỗ trợ xe điện

Nhận thấy tầm quan trọng và xu hướng phát triển trên, Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng loại phương tiện này, đơn cử miễn toàn bộ lệ phí trước bạ cho ôtô điện trong 3 năm, từ ngày 1/2/2022.

Từ 1/3/2025 đến 28/2/2027, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô thuần điện sẽ bằng 50% xe động cơ đốt trong có cùng số chỗ ngồi.

Một trạm sạc điện của Vinfast.

Hệ thống trạm sạc ôtô điện tại Việt Nam. Ảnh: ICCT.

Tuy nhiên chính sách này chỉ áp dụng đối với ôtô thuần điện, chưa mở rộng sang các loại xe máy điện. Hiện, xe máy điện đang có mức thuế, phí tương tự xe máy xăng.

Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (The International Council on Clean Transportation – ICCT) đã đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy việc sử dụng xe điện ở Việt Nam, góp phần loại bỏ hoàn toàn xe máy và ôtô sử dụng nhiên liệu hoá thạch, hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Theo đó, ICCT đề xuất cung cấp các chính sách ưu đãi tài chính cho người sở hữu, vận hành xe điện, giảm thuế, trợ cấp mua xe, đỗ xe miễn phí, có làn đường ưu tiên ở khu vực phát thải thấp hoặc không phát thải.

Đối với xe động cơ đốt trong truyền thống, ICCT đề xuất có giải pháp hạn chế như tăng thuế phí và có phương pháp nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về xe điện.

Ngoài các đề xuất trên, ICCT đưa mong muốn xây dựng hệ thống trạm sạc, hoán đổi pin, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn liên quan đến xe điện, phát triển lưới điện và tăng tỷ lệ sản xuất điện tử từ nguồn năng lượng tái tạo.

Chi tiết các giải pháp của ICCT tại đây.

(Nguồn: ICCT)

 

 

Bài viết mới