Chiều 10/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng có buổi làm việc trực tuyến kiểm tra công tác dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục tại 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT. Dự tại điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở GD&ĐT và các Sở, ngành các tỉnh An Giang, Kiên Giang cùng nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn 2 tỉnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.
Từng bước đưa học sinh trở lại trường
Báo cáo với đoàn kiểm tra, đại diện Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh phương án mở cửa trường học theo phương châm an toàn, hiệu quả, khoa học, có lộ trình.
Theo đó, sau 3 tuần triển khai thí điểm dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 tại các trường thuộc huyện Châu Phú từ ngày 17/1 mang lại kết quả khả quan, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2.
Sở GD&ĐT An Giang cũng đã trình UBND tỉnh chủ trương cho học sinh lớp 4, lớp 5 trở lại trường vào ngày 16/2; lớp 6, lớp 3, lớp 2, lớp 1 và mẫu giáo 5 tuổi trở lại trường vào ngày 21/2; trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi đi học trở lại vào ngày 28/2.
Đại diện Sở GD&ĐT Kiên Giang thông tin, UBND tỉnh đã cho phép học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 được đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2 đối với các vùng dịch cấp độ 1 và 2. Đối với những vùng dịch cấp độ 3 và 4, học sinh tiếp tục trực tuyến.
Trong những ngày qua, tỉ lệ học sinh lớp 7 đến 12 đi học đạt tỉ lệ cao, có 93,36 học sinh THCS và 97,26% học sinh THPT cao hơn mặt bằng chung cả nước.
Học sinh Trường THPT Châu Phú (An Giang) vui mừng được đi học trở lại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Kiên Giang và An Giang trong công tác dạy học trực tiếp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Các Sở GD&ĐT đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND 2 tỉnh về thực hiện hế hoạch nhiệm vụ năm học. Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện năm học trong bối cảnh dịch bệnh với phương châm an toàn trường học, ứng phó với dịch Covid 19.
Các địa phương đã có phương án, kịch bản tổ chức dạy học linh hoạt phù hợp như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, dạy học qua clip. Đã tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho 100% giáo viên, thực hiện chương trình sóng và máy tính cho em để đảm bảo điều kiện tối thiểu nhất về trang thiết bị, cơ sở vật chất khi dạy học trực tuyến.
UBND tỉnh và 2 Sở GD&ĐT đã kịp thời ban hành theo thẩm quyền những văn bản chỉ đạo về tổ chức dạy học thích ứng với Covid-19 trong thời gian trước cũng như trong bối cảnh hiện nay. Mỗi địa phương đều có kế hoạch ban hành các quy trình tiêu chuẩn thực hiện khi tổ chức dạy học trực tiếp.
Cuộc họp diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Đưa học sinh trở lại trường không chỉ bằng ý chí
Về vấn đề tổ chức dạy học trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, việc đưa học sinh trở lại học trực tiếp là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh vì không thể để các em ở nhà lâu hơn được nữa.
Điều này cũng thể hiện sực quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản tổ chức cho học sinh từ mầm non cho đến phổ thông chuẩn bị trở lại trường an toàn.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để đưa học sinh trở lại học trực tiếp an toàn, chúng ta đã có đầy đủ yếu tố. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh của cả nước nói chung và 2 tỉnh đã được kiểm soát, đều là các địa phương vùng xanh. Biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay cũng đã thay đổi là thích ứng linh hoạt cùng các biện pháp 5K.
Thứ hai, điều kiện để học sinh quay lại trường được đảm bảo. Tỉ lệ tiêm vắc xin cho cán bộ giáo viên học sinh đạt cao. Chúng ta đã có kinh nghiệm dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh, từ việc thí điểm đến nhân rộng mô hình.
Học sinh Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang) đến trường sau Tết nguyên đán.
Các nhà trường đều có điều kiện thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch bệnh, luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và việc đưa học sinh trở lại học trực tiếp đảm bảo an toàn. Có sự phối hợp ngày càng trách nhiệm hơn, ngày càng nhuần nhuyễn hơn của các cấp các ngành trước hết là ngành Y tế.
Tuy nhiên, việc đưa học sinh trở lại trường không chỉ bằng ý chí mà phải bằng cả 3 yếu tố: khoa học, thực tiễn và đảm bảo an toàn.
Trên cơ sở kinh nghiệm và tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp những ngày vừa qua, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang tiếp tục xây dựng kế hoạch lộ trình để các cấp học còn lại tiếp tục có điều kiện trở lại học trực tiếp như đối với bậc mầm non, cấp học khác với hình thức linh hoạt.
Đề nghị tăng cường kiểm tra hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục về các điều kiện, tiêu chí đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. Đồng thời tăng cường truyền thông, tạo sự đồng thuận và yên tâm cho phụ huynh học sinh; giảm tối đa lo lắng cho phụ huynh bằng các phương pháp, điều kiện phòng chống dịch bệnh, bằng các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh.
Trong bối cảnh này, một mình ngành Giáo dục không thể làm được mà rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ngành liên quan. Bộ GD&ĐT đề nghị các cấp chính quyền, các bậc phụ huynh tiếp sức cùng ngành GD-ĐT, tiếp sức cho các thầy cô giáo thực hiện thành công nhiệm vụ đưa học sinh quay trở lại trường học.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định An Giang và Kiên Giang đã hết sức chủ động linh hoạt để đón học sinh trở lại học trực tiếp. Mặc dù diễn biến Covid-19 trong năm học vừa qua diễn biến phức tạp nhưng tất cả học sinh đều được tiếp cận ít nhất 1 hình thức dạy học và đã hoàn thành học kì 1. Đây là nỗ lực rất lớn của các địa phương để làm tốt việc này. |
Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Lan Anh