Thứ Sáu, 29/03/2024, 3:38

Túi cỏ sành điệu, cỏ bàng lên tầm hàng hiệu

Xem thêm

Một thời quê xưa, các bà, các mẹ thường mang chiếc giỏ được bện từ cỏ bàng đi chợ đựng mớ rau, con cá. Giờ, những chiếc túi xách, ví cỏ bàng lại thành hàng thời thượng theo chị em đến công sở, đến các bữa tiệc hay những chuyến du lịch xa gần.

Cỏ bàng ở nơi vùng đồng nước ngập mặn cứ thế “đổi phận” để thành những món đồ thời trang hàng hiệu.

Túi cỏ sành điệu, cỏ bàng lên tầm hàng hiệu

Cây cỏ đất Việt thành hàng hiệu

Cầm trên tay chiếc túi xách Elite Craft, bà Hồng Mai – Giám đốc Công ty TNHH Tinh hoa Thủ công Mai Decor, tự hào giới thiệu:

“Túi xách cỏ bàng. Họa tiết hoa hồng vẽ tay đắt giá, quai và viền được mix da, bên trong là lớp lót bằng vải bố cực kỳ chắc chắn, miệng túi có khóa kéo. Đồ thủ công Made in VietNam, không phải hàng Trung Quốc”.

Đây là một trong hàng mẫu túi được chị em ưa chuộng và chọn mua nhiều nhất hiện nay. Dịp 20/11 vừa qua, công ty của bà bán được rất sản phẩm. Tất cả đều là các mẫu túi xách, ví đều từ cỏ bàng.

Nhớ ngày còn trẻ, bà Mai rất thích những món đồ thủ công và hay tìm mua chúng mỗi khi đi du lịch.

Song đa phần là những mẫu túi xách khá đơn giản, tính ứng dụng không cao, độ bền kém nên chỉ để làm phụ kiện chụp ảnh “sống ảo” trong mỗi chuyến đi chơi.

Về sau có dịp vào Huế và miền Tây, bà tới các xưởng sản xuất, thăm những cánh đồng cỏ bàng bạt ngàn ở vùng nước ngập mặn rồi bị mê hoặc bởi mùi hương của loại cây này.

“Cỏ bàng được nắng thơm vô cùng. Chúng thơm giống như mùi rơm mới phơi ngày nắng gắt tháng 6”, bà nói.

Có điều, người nông dân chỉ trồng cỏ bàng xuất bán sang Trung Quốc dưới dạng nguyên liệu hoặc đan thành những sản phẩm thô sơ bán giá rất rẻ.

Cảm thấy tiếc cho một loài cây đặc biệt, bà Mai muốn làm một sản phẩm có giá trị cao, phù hợp với cuộc sống hiện đại để mang đến “cuộc đời” mới cho cây cỏ bàng.

Trong căn phòng trưng bày hàng trăm mẫu túi xách, balo, ví… với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau, bà Mai cho biết, một sản phẩm hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn.

Đầu tiên là lên ý tưởng thiết kế, đặt xưởng đan theo yêu cầu. Nhận được sản phẩm thô, thợ may tiếp tục bo viền túi, làm quai bằng vải hay da, may lớp vải lót bên trong.

Cuối cùng, họa sĩ sẽ vẽ thủ công trên từng sản phẩm theo đúng mẫu thiết kế để tạo ra những sản phẩm độc, lạ.

Ở bất cứ công đoạn nào cũng phải làm vô cùng tỉ mẩn để ra một sản phẩm hoàn hảo nhất. Bởi, đối tượng khách hàng bà hướng tới là chị em công sở có nhu cầu làm đẹp, xu hướng thân thiện với môi trường và có điều kiện kinh tế.

Những chiếc túi xách đầu tiên được bán vào dịp 3/8 cách đây 3 năm. Sau đó ít ngày, bà bất ngờ thấy mẫu túi ấy được nhiều chị em sử dụng trong một cuộc hội thảo. Cứ thế cho đến nay, doanh nghiệp của bà có tệp khách hàng quen lên tới hàng trăm người.

“Ngày xưa dân văn phòng không bao giờ dùng túi cỏ đem đi làm. Bây giờ, những chiếc túi cỏ bàng với họa tiết độc lạ, bắt mắt và tinh tế theo chân chị em tới công sở, đến các buổi tiệc, cà phê tụ họp bạn bè hay những chuyến du lịch xa gần…”, bà nói.

Và cứ thế, túi cỏ bàng thành hàng hiệu, dần trở thành trào lưu tiêu dùng xanh nhưng không kém phần sành điệu.

Hơn 3 năm thương mại hóa sản phẩm túi cỏ bàng, sản phẩm của doanh nghiệp bà Mai không chỉ phục vụ nhu cầu của khách cá nhân mà còn xuất khẩu sang các thị trường.

Dịp này, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức đặt mua lượng lớn các sản phẩm túi xách, balo cỏ bàng để làm quà biếu tặng. Các xưởng liên kết, thợ làm của bà Mai đang hoạt động hết công suất để kịp hoàn thiện đơn hàng.

Trong xu hướng tiêu dùng xanh, túi cỏ bàng dần chiếm cứ một vị trí quan trọng trên thị trường thời trang.

Túi xách, balo hay ví… làm từ cỏ bàng có giá dao động từ 400.000-800.000 đồng, thậm chí là tiền triệu xuất hiện tại nhiều cửa hàng, trên khắp các trang mạng, sàn thương mại điện tử lớn.

Trong cuộc sống thường nhật, hình ảnh chị em khoác những chiếc túi cỏ hàng thương hiệu Elite Craft, Marie’s… xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Cũng là một trong những người mang đến “cuộc đời” mới cho cỏ bàng xứ Huế, chị Hồ Sương Lan, người sáng lập thương hiệu Marie’s, cho biết, chị đã nhận nhiều đơn hàng sỉ lẻ trên 30 tỉnh thành tại Việt Nam và ngoài nước. Lượng hàng bán trực tiếp và qua mạng xã hội lên tới 10.000 sản phẩm khác nhau.

Đổi phận nghề truyền thống trăm năm

Những ngày cận kề Tết Quý Mão 2023, anh Lý Hoàng Bảo – Giám đốc HTX Phú Mỹ (Giang Thành, Kiên Giang) cùng các nghệ nhân và hàng trăm thợ đan đang tất bật chuẩn cho những đơn hàng cuối năm.

Ở Phú Mỹ, cây cỏ bàng gắn với người dân bao nhiêu năm anh Bảo cũng không thể biết rõ.

Chỉ biết, khi còn bé anh đã thấy bà, thấy mẹ nhổ cỏ bàng rồi đập dập, đem phơi khô để bện cà ròn (bao nhỏ đựng đồ), bện bao đựng thóc, đan những tấm nệm để nằm. Cỏ bàng cũng được phơi khô làm nguyên liệu xuất bán sang Trung Quốc, Campuchia.

Vậy nhưng, tiền thu về chẳng được bao nhiêu vì giá rất rẻ. Đã có thời, diện tích lớn cỏ bàng bị bỏ hoang, nhiều người bỏ nghề đi lên thành phố làm thuê, bán hàng online. Nghề thủ công hàng trăm năm dần mai một.

Hai năm trở lại đây, cỏ bàng không chỉ là những sản phẩm thủ công truyền thống mà còn trở thành những món đồ thời trang tinh tế có thương hiệu, được người tiêu dùng ở đô thị và quốc tế ưa chuộng. Giá trị cây cỏ bàng cũng tăng gấp 10-15 lần so với trước đó.

Nhu cầu về những sản phẩm thời trang cao cấp từ cỏ bàng đang tăng lên theo từng ngày. Từ chỗ chỉ đan được vài chục sản phẩm, nay xưởng sản xuất của anh Bảo làm ra hàng chục ngàn sản phẩm cao cấp từ cỏ bàng, trong đó đa phần là túi xách, ví, mũ, nón.

Song, thay tự sản xuất kinh doanh buôn bán, anh chọn trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất đồ thủ công cao cấp từ cỏ bàng. Xưởng của anh phụ trách khâu tuyển chọn nguyên liệu, đan sản phẩm theo đơn đặt hàng từ các thương hiệu túi xách cỏ bàng lớn trên thị trường.

“Làm hàng cao cấp không dễ. Phải là những cọng cỏ có chất lượng tốt nhất. Thợ đan đòi hỏi tay nghề cao. Nhưng đổi lại, đơn hàng ổn định, tiền công cao thợ đan cũng sống khoẻ”.

Anh Bảo nói và tiết lộ, thời điểm cuối năm này, xưởng của anh nhận được rất nhiều đơn hàng làm sản phẩm cao cấp cho mùa Tết, mỗi đơn tới vài trăm tới cả nghìn sản phẩm. Đó là chưa tính đơn hàng nhỏ lẻ.

Ở làng nghề đệm bàng Phò Trạch trên 500 năm tuổi tại Huế, những sản phẩm túi xách thời trang cao cấp từ cỏ bàng đã giúp các nghệ nhân vẽ, may, đan thu nhập trung bình từ 10-20 triệu đồng/tháng.

Trong cuộc sống hiện đại, xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được nhiều người quan tâm, dòng sản phẩm cao cấp từ cỏ bàng mới ở điểm khởi đầu.

Nghề đan cỏ bàng cũng sang một trang mới. Những cánh đồng cỏ bàng mọc um tùm xưa kia cũng dần hồi sinh trở thành vùng nguyên liệu đắt giá cho các sản phẩm thân thiện môi trường.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, vật liệu có thể mộc mạc như cục đất, cây tre, nứa, lá, cọng cỏ, cây bèo… nhưng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, chúng đã trở thành những sản phẩm có hồn.

Để một sản phẩm có hồn thì người tạo ra nó đã gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng vào trong đó. Làng nghề liên kết với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp là hướng đi bền vững.

Để chúng ta sẽ nói với thế giới rằng, người Việt có thể làm được tất cả sản phẩm mà các nước làm được, thậm chí còn làm tốt hơn, tinh tế hơn. Chúng ta nâng niu sản phẩm Việt, nâng tầm giá trị Việt, thổi hồn tinh hoa Việt.

Theo vietnamfinance.vn – Hân Ngọc

 

Bài viết mới