Lễ cúng Trừ tịch, hay còn gọi là Giao thừa, được xem là một trong những lễ trang nghiêm có từ bao đời nay ở Huế vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nét đẹp văn hoá, những giá trị thiêng liêng ở nghi lễ này được người Huế duy trì cho đến ngày hôm nay với ước nguyện bỏ đi hết những điều không may mắn của một năm cũ, để chờ đón những điều đẹp đẽ, mới mẻ cho một năm mới.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cùng gia đình tiến hành lễ cúng Trừ Tịch vào thời khắc Giao thừa. Ảnh: VGP/Minh An.
Thời khắc Giao thừa khi phần đông những người trẻ ra phố dạo chơi, ngắm pháo hoa thì ở trước hiên nhà, những bậc cao niên, gia chủ thành tâm bên mâm cúng Trừ tịch đặt ở giữa sân, nơi giao thoa với đất trời vào giờ phút linh thiêng.
Một trong những lễ cúng Trừ tịch thuần khiết chúng tôi may mắn được chứng kiến cơ bản vẫn giữ nguyên giá trị trang nghiêm, diễn ra ở Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn của gia đình nhà nghiên cứu Huế – Phan Thuận An – trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Huế.
Trong ngôi nhà vườn đặc sắc và còn nguyên vẹn hiếm có của Huế này, khi đồng hồ chuẩn bị điểm báo thời khắc Giao thừa, cũng là lúc tất cả các thành viên gia đình chuẩn bị xong xuôi và đứng quây quần bên nhau chờ tiến hành nghi lễ. Một bàn lễ được đặt ở sân khá trang trọng, ngay chính diện ngôi nhà rường truyền thống. Các vật phẩm được nhà nghiên cứu Phan Thuận An lần lượt bày biện rất bài bản, gồm hương trầm, cau trầu, vàng mã, trái cây, trà, nước, mứt, bánh kẹo…
Đương nhiên, rượu trắng không thể thiếu trong mâm cúng quan trọng này bởi quan niệm của dân gian từ ngàn xưa “vô tửu bất thành lễ”. Ngoài ra, trên mâm cúng không thể thiếu con gà luộc, bánh tét và một số loại bánh, mứt truyền thống của gia đình tự làm và thường thấy trong mâm cơm Tết của người Huế.
Đúng thời khắc Giao thừa, ông Phan Thuận An cẩn thận sửa sang lại bộ áo dài khăn đóng màu đen một lần nữa, bước vào tấm chiếu được trải phía dưới bàn lễ rồi nghiêm cẩn chấp tay hành lễ.
Dưới ánh đèn lung linh cùng tiết trời se lạnh, cả gia đình cũng đứng cạnh mâm cúng một cách nghiêm trang như thể hiện tấm lòng thành của mình với đất trời. Khi ông An khấn vái xong, lần lượt vợ, con, rồi các cháu thực hiện nghi lễ.
Cau trầu và các loại mứt truyền thống xứ Huế trên mâm cúng Trừ tịch. Ảnh: VGP/Minh An.
Theo lời ông An, ngày xưa chủ lễ của các bàn cúng Trừ tịch tại các làng là ông tiên chỉ, người có học hàm, học vị cao nhất hoặc một vị quan về hưu có phẩm hàm cao nhất trong làng. Không phải mâm cúng nào cũng giống nhau, tuỳ địa phương mà lễ vật có thể khác nhau, nhưng điểm chung là mọi người hành lễ với tấm lòng tôn kính với trời đất, hiếu kính với tổ tiên ông bà trong giờ phút thiêng liêng. Vì thế, nghi lễ này được xem là sinh hoạt tâm linh cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho mọi người.
Trong đêm cúng Trừ tịch đó, những vị khách chứng kiến cũng không khỏi bất ngờ và vui hơn, bởi sau nghi lễ, được chủ nhà mời rượu, chúc tết và mừng tuổi. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nhẹ nhàng nhưng vô cùng ý nghĩa, khi được đứng giữa đất trời để nguyện cầu và gửi gắm những gì tốt đẹp nhất đến nhau.
Theo quan niệm xưa, lẽ đất trời một năm bắt đầu ắt phải có kết thúc, tất cả tính vào thời khắc giao thừa. Ngoài làng, các thôn xóm cũng tổ chức cúng ở đầu xóm, với bàn lễ đầy đủ vật phẩm như trên. Thời điểm này, ở các chùa chiền cũng tổ chức cúng, vật phẩm là đồ chay, đồng thời cùng lúc nhà chùa cúng Phật, tụng kinh và cúng Đức ông.
Tuy nhiên, trải qua biến thiên thời gian, ngày nay lễ cùng Trừ tịch ở thôn xóm, đình đền không còn nhiều. Riêng ở các tư gia, sự thành kính không hề thay đổi nhưng bàn thờ, vật phẩm tinh gọn, đơn giản hơn nhiều so với xưa.
Nhà nghiên cứu văn hoá Huế Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin Thừa Thiên-Huế) cho rằng những nghi lễ như cúng Trừ tịch là một tập quán đẹp, rất cần được lưu giữ, lưu truyền. Nhưng phải làm sao để phong tục không trở nên biến dạng, thực dụng và biến tướng thành hủ tục. Như thế vừa loại bỏ những điều xấu vừa gìn giữ, phát huy những tập tục đẹp.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Minh An