Ngày 18/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em – Những lưu ý quan trọng”, với sự tham gia của các vị khách mời là các bác sĩ, các chuyên gia y tế, gồm PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).
Việc thực hiện thành công chiến lược vaccine “đi sau về trước”, với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Có thể nói, đến nay, hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, giống như những “mảnh ghép” cuối cùng, rất quan trọng.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Đảng, Nhà nước, người dân luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, những điều tốt đẹp nhất để các em được phát triển đầy đủ, toàn diện cả về trí tuệ, tinh thần, thể chất. Vì vậy, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là vấn đề hết sức quan trọng, được cả xã hội quan tâm, chú ý. Chúng ta không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ.
Xung quanh nội dung trên, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm có chủ đề “Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em – Những lưu ý quan trọng“, với sự tham gia của các vị khách mời: PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tiêm chủng lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Các bậc phụ huynh không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm cho các cháu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trẻ em là tương lai của đất nước, do đó Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm hết sức to lớn cho trẻ em. Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vừa qua cũng theo định hướng đó. Thông điệp của 3 chuyên gia trong chương trình hôm nay rất rõ và mạch lạc: Tiêm chủng lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Các bậc phụ huynh không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm cho các cháu. Bởi xét từ góc độ thương con thì phải bảo vệ con tốt hơn, thương con thì phải tránh rủi ro cho con nhiều hơn chứ không phải tước bỏ quyền được tiêm của con mình. Nhìn từ góc độ quyền của trẻ em thì đây là quyền được tiêm chủng, quyền không bị lây nhiễm bệnh tật. Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là chúng ta tước bỏ quyền được tiêm chủng của trẻ em.
Hôm nay chúng ta được lắng nghe các ý kiến chuyên gia là những người không chỉ hiểu rất sâu về lĩnh vực này mà còn đang hằng ngày, hằng giờ điều trị cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ em bị COVID-19 và những trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tôi nghĩ những ý kiến đó là rất khách quan, trung thực, dựa trên những chứng cứ, số liệu thực tế. Đó là những số liệu và ý kiến rất đáng tin cậy. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn 3 chuyên gia và xin kính chào quý vị.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ các cháu hơn là tác hại. Chúng ta cần tư vấn cho các bố mẹ còn băn khoăn hiểu về lợi ích, lợi ích nhiều hơn nguy cơ. Nguy cơ chúng ta sẽ giảm thiểu hết mức nếu chúng ta tổ chức chu đáo, theo dõi và xử lý kịp thời những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Việc chích ngừa vaccine cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi, từ 6 tháng trở lại. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên sớm đồng ý cho các cháu tiêm. Nếu không các cháu sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ nhiễm nhất. Nếu các cháu được tiêm thì cộng đồng trong trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều.
Các vị phụ huynh, các thầy thuốc với tình thương sẽ dành những điều tốt đẹp nhất cho các cháu. Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cháu bị nhiễm, phải nói khổ sở vô cùng, khỏi bệnh rồi vẫn còn nhiều vấn đề về tâm sinh lý lâu dài. Vì vậy mong rằng các vị phụ huynh sẽ ủng hộ cho chương trình này, vì lợi ích an toàn cho các cháu. Ngành y tế sẽ tổ chức chương trình tiêm an toàn, tốt nhất để bảo vệ các cháu.
TS. Trần Minh Điển: Từ đầu đến giờ, chúng ta đã nói rất nhiều đến vai trò của vaccine. Đúng, thực sự bây giờ là bài học thực tế thôi. Chúng ta nhìn giữa Hà Nội và TPHCM, thì Hà Nội hiện tại số mắc đang dâng lên rất cao, nhưng tỉ lệ bệnh chuyển nặng và tỉ lệ tử vong chúng ta đang kiểm soát rất tốt. Đấy là kết quả thực tế. Đây là vai trò rộng lớn của xã hội.
Vấn đề thứ hai chúng ta cũng phân tích rất kỹ và PGS. Hùng cũng nhắc rất nhiều, đó là vai trò của mỗi gia đình. Khi một gia đình có người mắc thì sự căng thẳng, lo âu và tốn kém chi phí tiền bạc như thế nào.
Với cả xã hội và với một gia đình như thế, chúng ta hiểu được rõ hơn nữa vai trò của vaccine.
Hiện nay, chúng ta nói đến vai trò thứ ba là vai trò của cá thể. Khi mắc thì hậu quả, vấn đề hậu COVID-19 với người lớn đã bắt đầu xuất hiện rất nhiều như những dẫn chứng PGS. Hùng đã đưa. Trẻ em cũng không ngoại lệ. Nó ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ khi mắc. Chúng ta đang mô tả ảnh hưởng của vaccine đến xã hội của chúng ta, đến mỗi gia đình của chúng ta và đến mỗi cá thể của chúng ta.
Nếu chúng ta có được miễn dịch bằng vaccine thì chúng ta sẽ không mắc, xã hội của chúng ta trở lại tình hình bình thường mới, gia đình của chúng ta sẽ phòng chống được COVID và sẽ không tốn kém về tiền bạc, không gây ra sự lo lắng, căng thẳng, lo âu. Đặc biệt, sẽ không ảnh hưởng đến thể chất của chúng ta, nếu không may chúng ta mắc. Đây là lý do, với một vai trò tư cách của một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vaccine ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới chúng ta cũng chưa xác định rõ là như thế nào. Do vậy, hy vọng rằng các nhà khoa học tìm hiểu để có thể tìm ra thêm những chế phẩm vaccine dành cho trẻ dưới 5 tuổi, tương tự như vaccine sởi bắt đầu chúng ta tiêm từ 9 tháng tuổi. Như vậy, có nghĩa là một mảnh ghép chúng ta ghép nốt vào bức tranh tổng thể của vaccine cộng đồng.
Tôi là một bác sĩ nhi khoa nên tôi thấy vấn đề nữa là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của trẻ em. Trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu, xuất phát từ thực tế. Do vậy tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ nên cho con mình có cơ hội để phòng chống dịch bệnh và nếu không may mắc, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong. Đây là điều mà với tư cách của một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ như vậy. Hãy nhìn rộng ra một chút, nhìn trong gia đình mình, và nhìn trong cá thể của mỗi con người.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Như vậy ý kiến các chuyên gia đều rất thấu hiểu cho các bậc phụ huynh, nhưng các chuyên gia cũng phân tích với các chứng cứ, căn cứ khoa học để thấy độ an toàn của tiêm chủng. Đồng thời căn cứ thực tiễn, không tiêm rủi ro sẽ lớn hơn tiêm rất nhiều, sự lựa chọn cuối cùng chúng ta phải lựa chọn phương án tốt hơn, không tiêm là phương án xấu hơn rất nhiều, bị lây nhiễm nhiều hơn, trở nặng nhiều hơn, các cháu nguy cơ hậu COVID cũng nhiều hơn. Qua phân tích từ số liệu cho thấy lựa chọn không thể nghiêng về phía không tiêm.
Thực tế lại có một vấn đề, có những gia đình kiên quyết không tiêm. Trẻ em ở độ tuổi này nhiễm nhưng biểu hiện nhẹ cũng như cảm cúm rồi khỏi. Với tinh thần như vậy, người ta kiên quyết không cho trẻ con tiêm. Trong trường hợp như vậy ý kiến của các chuyên gia như thế nào? Chúng ta có nhất thiết ban hành những quyết định tiêm như là điều kiện bắt buộc, chúng ta có thể lập luận đây là quyền của các cháu được tiêm và tiêm có lợi ích lớn hơn? Các chuyên gia đánh giá như thế nào về việc phải tiêm là yêu cầu bắt buộc?
PGS.TS. Dương Thị Hồng: Dưới góc độ người làm công tác tiêm chủng, chúng tôi thấy rất rõ bức tranh chúng ta đã giảm được gánh nặng bệnh tật rất rõ rệt, giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em so với nếu chúng ta không tiêm chủng.
Chúng tôi cũng khuyến cáo là cần phải tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, vì COVID-19 cũng như các bệnh do virus, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta cần phải đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thay vì có những chế tài hay bắt buộc các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm chủng thì chúng tôi luôn luôn ý thức rằng chúng ta cố gắng thuyết phục, cố gắng truyền thông, cố gắng đưa ra những bằng chứng khoa học, kết quả về công tác an toàn tiêm chủng cũng như hiệu quả của vaccine để các bậc cha mẹ tin tưởng và đưa con đi tiêm chủng.
Chúng ta nhớ lại trong quá khứ, có vaccine nhưng trẻ không được tiếp cận tiêm chủng và đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Đó là vụ dịch sởi cách đây vài năm, rất thương tâm. Trẻ chưa được tiêm chủng mắc sởi và các cháu đã có những biến chứng rất trầm trọng và tử vong trong khi chúng ta có nguồn vaccine dồi dào và tỉ lệ tiêm chủng sởi rất cao trên 90%; nhưng có những gia đình nhất định chưa đưa con mình đi tiêm chủng và hệ luỵ đã xảy ra.
Đối với COVID-19 cũng như vậy. Một lần nữa chúng tôi rất mong muốn rằng các bậc cha mẹ hãy tin tưởng, tới đây công tác tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ tiếp tục được triển khai một cách an toàn, từ kinh nghiệm của các đợt tiêm chủng trước đây và đặc biệt là đối với đợt triển khai cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Chúng ta sẽ có một chiến dịch thành công, công tác tiêm chủng an toàn. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, chưa có một chiến dịch tiêm chủng nào mà có sự tham gia chỉ đạo rất sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp, rồi cán bộ của chúng tôi cũng tham gia vào công tác tiêm chủng an toàn, đã có công tác theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm tốt. Một lần nữa, chúng tôi rất vững tay để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn để bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95% các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng, chống dịch COVID-19.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng: Tôi đồng tình với những ý kiến của PGS. Hồng và PGS. Điển. Khi làm ở Nhi khoa, hằng ngày chúng tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi tham vấn của phụ huynh về các trường hợp trẻ em mắc COVID-19, đặc biệt nhiều ca dưới 12 tuổi. Qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vaccine. Song song với đó là những di chứng để lại như thế nào khi các cháu bị nhiễm COVID-19 thì rõ ràng còn quá mới, chúng ta vẫn chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết.
Mới đây, chúng tôi được biết, các nhà khoa học Italy và Anh đã khảo sát 510 trường hợp ở Italy và Anh nhiễm COVID-19 từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy các cháu có những triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần. COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các cháu, các cháu cảm thấy mệt, khó thở, đánh trống ngực, tinh thần không ổn định; chỉ có 10% các cháu trở lại sinh hoạt bình thường. Qua đó cho thấy ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của COVID-19 đối với trẻ em như thế nào là vấn đề quan trọng. Có những lúc chúng tôi nhận điện thoại của những bậc phụ huynh qua đó mới hiểu lo lắng của cha mẹ như thế nào, lo cho tương lai của các cháu. Đặc biệt gần đây. sau khi nhiễm COVID-19, 4 đến 6 tuần sau bị tổn thương đa cơ quan, đe dọa tử vong. Cho đến nay Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tiếp nhận 60 trường hợp nặng, may mắn được điều trị tích cực nên không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên chúng ta thấy COVID-19 vẫn đe dọa tử vong nếu nhiễm bệnh và viêm đa hệ thống đối với những trường hợp này.
Ngược lại, chúng ta cũng hết sức thông cảm với phụ huynh khi lo lắng lúc tiêm gặp phải những biến chứng, sốc phản vệ. Chúng tôi cũng phải giải thích, trước hết theo cơ sở khoa học, trong đó CDC Hoa Kỳ và châu Âu cũng đã nghiên cứu và đánh giá rất kỹ trước khi cấp phép vaccine để đưa vào sử dụng. Ví dụ đối với vaccine Pfizer, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ. So sánh liều sốc phản vệ ngay cả người lớn khi tiêm Pfizer và những vaccine khác thì tỉ lệ phản vệ nói chung chỉ khoảng 10/1 triệu liều tiêm. Đặc biệt đối với vaccine Pfizer thì tỉ lệ là 9,3/1 triệu liều tiêm và không có ca nào tử vong. So sánh với những vaccine khác đã tiêm cho các cháu như: Dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella, HPV thì vaccine COVID-19 hiện dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn đứng hàng thứ 5 sau những vaccine chúng ta đã từng tiêm cho trẻ em.
Do đó để tiêm cho trẻ em thì kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo, trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc COVID-19 rất nguy hiểm. Chỉ còn 10% trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc COVID-19 rất cao. Do đó phải giải thích cụ thể cho phụ huynh yên tâm và có kế hoạch tiêm cụ thể, thận trọng. Sở Y tế TPHCM đã trình kế hoạch tiêm để tổ chức tiêm chu đáo. Các bác sĩ chuyên khoa nhi, các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong tiêm vaccine sẽ tham gia. Quan trọng là sàng lọc và theo dõi sau khi tiêm.
Bên cạnh đó là tổ chức mạng lưới cấp cứu ngay sau khi tiêm, túc trực 24/24h. Tôi nghĩ kế hoạch tiêm sẽ thành công. Nếu 10% trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn, đúng mức về nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ về những rủi ro có thể xảy ra sau khi trẻ tiêm vaccine như sốc phản vệ, kể cả trường hợp tử vong, thậm chí có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ sau này. Đó là những lo lắng rất dễ hiểu, tự nhiên của các bậc cha mẹ. Chúng ta cần phải thấu hiểu. Các vị khách mời thấy sao?
PGS.TS Trần Minh Điển: Bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người.
PGS.TS Trần Minh Điển: Đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng, không chỉ ở các bậc phụ huynh mà cả chúng ta. Thời gian qua, chúng ta tiêm cho người lớn và rồi tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đều an toàn.
Với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn. Chúng ta cần phải quan tâm. Nhưng với loại vaccine như vậy, chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn được tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vaccine này cho trẻ em.
Sự an toàn của loại vaccine này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vaccine cũng đã cấp phép khẩn cấp vaccine cho nhóm tuổi này. Đã có 60 nước chỉ định vaccine này cho trẻ em.
Các ông bố, bà mẹ lo ngại là có phản ứng gì lâu dài hay không? Có cả những câu hỏi về sinh sản, di truyền. Đây là vấn đề chúng ta cần hiểu rằng: Bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.
Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.
Vai trò của các ông bố, bà mẹ là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau sẵn sàng nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.
Trong thời gian vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiêm chủng cho nhóm tuổi từ 12-18 tuổi, thấy rằng sự đồng thuận của cha mẹ cũng như phản ứng của các cháu rất tốt về tâm lý. Vì vậy trong thời gian tới đây, ngoài việc chuẩn bị về số thuốc, về dây chuyền tiêm… chúng ta phải có vai trò nữa là truyền thông, để bố mẹ các cháu đồng thuận đưa các cháu đi tiêm.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Như vậy qua ý kiến của ba chuyên gia trong việc tiêm chủng vaccine và phòng chống dịch COVID 19, một bức tranh hiện lên rất rõ. Các số liệu có sức thuyết phục rất cao, so sánh giữa được tiêm và không được tiêm, nhập viện tỉ lệ là bao nhiêu, mức độ nặng tỉ lệ là bao nhiêu, chúng ta thấy chênh lệch một trời một vực. Như vậy, các số liệu anh Điển vừa cung cấp cũng nói lên một điều rằng rõ ràng trẻ em ở lứa tuổi chưa có chính sách tiêm chủng, tức là từ 5 đến 11 tuổi, thì nhập viện nhiều hơn và bệnh nặng nhiều hơn. Trẻ em trên tuổi đó đã tiêm chủng đầy đủ rồi thì gần như là số lượng không đáng kể và những tuyến bệnh nặng cũng không có. Quả thực đó là những thông tin có sức thuyết phục cao nhất và chúng ta đứng trước một vấn đề rất hệ trọng, không chỉ cho các em mà cho cả tương lai của đất nước.
Nếu chúng ta tiêm chủng đầy đủ thì các em mới đến trường được. Học online là tình thế bắt buộc thôi vì con người ta ở thời điểm đi học, không chỉ là học ở trường lớp, nhận được nhiều kiến thức hơn mà có một ngàn lẻ một lợi ích theo nữa mà học online không có được. Đó là giao tiếp, đó là kỹ năng hợp tác với nhau, bởi vì trong thời đại này, không hợp tác với nhau, cứ làm một mình thì làm sao anh làm được công việc. Nhiều thứ lợi ích gắn với việc trẻ em đến trường đi học. Thành thử việc trẻ em đến trường đi học rất quan trọng trong việc bảo đảm tương lai cho chúng ta. Đồng thời, điều đó không chỉ quan trọng đối với các em, mà quan trọng cả đối với bố mẹ các em, bởi vì nếu các em ở nhà thì làm sao còn sức đi làm được, công đâu mà một nửa thời gian ở bên này một nửa thời gian ở bên kia. Rồi tâm lực, trí lực cũng không thể đủ để dồn sức phát triển và làm việc cho tốt, thúc đẩy kinh tế phát triển. Việc trẻ em được tiêm chủng để chúng ta tự tin mở lại trường học để trẻ em đến trường đi học là một vấn đề rất quan trọng, thuộc vào ưu tiên của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
Chính vì thế, vừa qua, Chính phủ quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Đây là một phản ứng chính sách tôi cho là rất sáng suốt và kịp thời của Chính phủ. Sắp tới, tiêm chủng cho trên 10 triệu trẻ em của chúng ta là mảnh ghép cuối cùng để chúng ta thực sự có miễn dịch cộng đồng để trở lại cuộc sống bình thường mới và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Chúng ta phải chuẩn bị như thế nào và cần phải quan tâm đến vấn đề gì, thưa chị Hồng?
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương: Xin chia sẻ với các quý khán giả cũng như các chuyên gia, từ kinh nghiệm triển khai chiến dịch tiêm chủng trong năm 2021 của chúng ta với 190 triệu liều vaccine đã được triển khai và đặc biệt là trong quý IV năm 2021, chúng ta đã triển khai cho nhóm đối tượng trẻ em là các cháu từ 12 cho đến dưới 18 tuổi. Một nội dung hết sức quan trọng là công tác triển khai cho nhóm trẻ em này như thế nào. Quá trình triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ em, chúng tôi ghi nhận sự tham gia hỗ trợ tích cực của ngành giáo dục vì đây là đối tượng khác đối tượng người lớn. Chúng ta có các cháu đi học tại các trường, tới đây các cháu từ 5-11 tuổi cũng sẽ lần lượt đi học tại các trường tiểu học, rồi tới các trường mẫu giáo, nên sự tham gia của các thầy các cô rất quan trọng. Các thầy cô cũng cần nắm được các nội dung về chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết về tổ chức tiêm chủng và tham gia ngay những phút đầu trong buổi tiêm. Đó là theo dõi các phản ứng bất thường xảy ra ngay sau khi tiêm chủng. Và các thầy các cô cũng đồng hành với ngành y tế, có những cuộc họp phụ huynh để chia sẻ công tác tổ chức cũng như đảm bảo một lần nữa truyền tải đến phụ huynh công tác tổ chức tiêm chủng ở các trường học rất an toàn. Mặc dù chúng ta tổ chức tiêm ở trường nhưng hoàn toàn cán bộ tiêm chủng là từ các trạm y tế và có những đội tổ chức theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, cấp cứu phản ứng sau tiêm là các cán bộ chuyên khoa, rồi cán bộ hồi sức cấp cứu đã được hỗ trợ từ tuyến huyện, thậm chí có một số nơi, các thành phố lớn là tuyến tỉnh hỗ trợ, để các phụ huynh yên tâm.
Chúng tôi cũng nhận thấy từ kinh nghiệm triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Lúc đầu theo khảo sát của chúng tôi từ những anh em đồng nghiệp, số lượng phụ huynh chấp nhận ngay từ thời điểm ban đầu cũng chỉ độ 70% nhưng sau đó, thành công cho đến ngày hôm nay để thấy rõ tính lan tỏa. Tức là khi chúng ta tiêm chủng an toàn thì từ phụ huynh trong lớp sẽ tự nhắc nhở nhau đi tiêm, phụ huynh lớp này, phụ huynh lớp khác, khối này, khối khác sẽ lần lượt đưa các cháu đi tiêm. Và cuối cùng, tỉ lệ trẻ được tiêm chủng rất cao. Từ kinh nghiệm đó thấy rằng công tác tổ chức tiêm chủng là vô cùng quan trọng.
Đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau, đặc biệt là tới đây chúng ta tiêm cho trẻ em từ 5 cho đến 11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn toàn khác với vaccine chúng ta đã tiêm cho lứa tuổi trẻ từ 12 cho tới 17 tuổi, tương đương như người lớn. Hàm lượng vaccine ở đây chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ tới đây chúng tôi cũng sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng. Có sự khác so với lọ vaccine chúng ta tiêm cho trẻ lớn.
PGS.TS Dương Thị Hồng: Tới đây, chương trình tiêm chủng mở rộng, rất mong các cán bộ y tế tiêm chủng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho các thầy các cô, cha mẹ, cộng đồng chịu khó chăm sóc các bé sau khi tiêm, phát hiện những triệu chứng cần xử lý kịp thời để tránh rủi ro đáng tiếc – Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Một nội dung nữa, khi triển khai công tác tiêm chủng thì bao giờ cũng song song với công tác hướng dẫn, xử trí các phản ứng nặng sau tiêm. Một trong những nội dung đó chính là các chuyên gia nhi khoa phải hướng dẫn cán bộ làm y tế dự phòng, cán bộ y tế xã huyện nhận định được thế nào là dấu hiệu bất thường của phản ứng sau tiêm liên quan đến nhóm tuổi trẻ. Đặc biệt tới đây là trẻ nhỏ lắm. Tôi đang ngồi cạnh hai chuyên gia y khoa đây, các anh hiểu các cháu bé khó hơn lứa tuổi vừa rồi tiêm. Các cháu không giao tiếp được nhiều, nhiều khi các cháu bé quá nên bỏ qua triệu chứng đáng ra cần phát hiện sớm. Tới đây, chương trình tiêm chủng mở rộng, rất mong các cán bộ y tế tiêm chủng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho các thầy các cô, cha mẹ, cộng đồng chịu khó chăm sóc các bé sau khi tiêm, phát hiện những triệu chứng cần xử lý kịp thời để tránh rủi ro đáng tiếc.
Chúng tôi cũng một lần nữa đề nghị các chuyên gia nhi khoa xem xét lại hướng dẫn cán bộ y tế khám sàng lọc cho các bé trước khi tiêm chủng để chúng ta có được một buổi tiêm chủng thực sự an toàn. Đối với các cháu bị bệnh lý mãn tính, bệnh lý nền như các anh vừa chia sẻ thì trong chiến dịch tiêm cho trẻ lớn, chúng tôi cũng được các bệnh viện nhi, các bệnh viện tuyến huyện chia sẻ gánh nặng với cán bộ y tế xã để các cháu đó được tiêm chủng tại bệnh viện. Qua đó chúng ta phòng chống được bệnh COVID-19 cho chính những cháu rất dễ mắc COVID thì bệnh nặng hơn. Chúng ta đã thực hiện thành công công tác tiêm chủng cho nhóm trẻ này. Chúng tôi thấy rằng chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt tới độ bao phủ 97% và tôi tin rằng trong thời gian tới đây, rất gần thôi, trong cuối tháng 2 này, chúng ta sẽ đạt được mũi hai cũng nhích đến tỉ lệ 96-97%.
Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh thời gian tới đây, chúng ta triển khai một vaccine mới. Mặc dù kinh nghiệm đã có nhưng đối với trẻ em từ 5-11 tuổi đây là một vaccine mới. Và cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục báo cáo với Bộ Y tế và duy trì cách thức tổ chức như các chiến dịch trước, đặc biệt là công tác cấp cứu và xử trí phản ứng sau tiêm. Công tác trực cấp cứu 24/24 giờ sau những đợt tiêm chủng là vô cùng quan trọng. Còn việc cung ứng vaccine thì chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ cố gắng đảm bảo cung ứng vaccine với chất lượng đảm bảo nhất tới tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Từ kinh nghiệm thực tiễn điều trị, anh có sự so sánh gì giữa các cháu nhập viện đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, thực tế như thế nào?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng và PGS.TS Trần Minh Điển thảo luận tại Tọa đàm – Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
PGS.TS Trần Minh Điển: Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế trong thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc với tỉ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%. Tuy nhiên chúng ta thấy nổi cộm lên là lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi chiếm tỉ lên đến 8%. Trong 19,3%, đây là nhóm mà chúng ta hết sức lưu ý.
Với những kinh nghiệm mà chúng tôi thu nhận được từ các đồng nghiệp ở TPHCM hay của một số chuyên gia khác thì chúng tôi cũng đã lên kế hoạch rất cẩn thận cho khu vực Hà Nội. Chúng tôi triển khai pháp đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành dành cho trẻ em, sau đó chúng tôi đưa vào triển khai trong thực tế tại khu vực Hà Nội. Ở Hà Nội, do phủ được vaccine tốt ở tất cả các nhóm trên 12 tuổi, tình trạng bệnh nhẹ là chủ yếu. Nhưng với nhóm tuổi chưa được tiêm chủng, nhóm trẻ bị bệnh nền, chúng ta cần có những quan tâm đặc biệt.
Hiện nay, chúng tôi có tiếp nhận 200 em bé đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi sàng lọc có hàng trăm em bị COVID-19, các em chủ yếu ở các nhóm tuổi chưa được tiêm chủng dưới 12 tuổi, và đặc biệt là những hậu quả của hậu COVID-19 ở trẻ em. Trong TPHCM, PGS. Hùng cũng gặp rất nhiều trường hợp mắc chứng viêm đa hệ thống các cơ quan. Với tình trạng này sẽ gây ra các tổn thương đối với hệ thống tuần hoàn, gây ra suy đa cơ quan.
Hiện tại ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi thống kê con số khoảng 16 bệnh nhân tất cả, đều ở nhóm dưới 11 tuổi chưa được tiêm phòng. Chúng ta đang nói về các trường hợp mắc trong thời gian vừa qua, ở độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi, chiếm tỉ lệ lớn.
Vấn đề thứ hai nữa là tình trạng bệnh lý hiện tại cần phải nhập viện và những tình trạng hậu COVID thì chúng ta cũng nhắc nhiều đến nhóm tuổi dưới 11 tuổi. Dù chưa có số liệu thống kê một cách chắc chắn và cụ thể nhưng chúng ta đều nhìn thấy được qua thực tế công việc là nhóm tuổi từ 12 đến 18 tuổi có mắc thì cũng ở thể nhẹ, không đến mức độ chuyển nặng phải nhập viện hoặc có thể tử vong. Đây là vấn đề chúng ta hết sức lưu ý nhưng con số và thực tế như vậy.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đó là những thông tin rất đáng khích lệ từ việc tiêm chủng. Các em thiếu nhi ở Hà Nội từ 12-18 tuổi không có trường hợp nào phải nhập viện như Bác sĩ Điển đưa ra là thông tin để thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho trẻ em. TPHCM có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống COVID-19, PGS.TS BS. Nguyễn Thanh Hùng có thể chia sẻ gì từ TPHCM?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM: Vaccine là vũ khí để chiến thắng trong cuộc chiến COVID-19. Tại TPHCM và các tỉnh phía nam trong cả năm 2021 và đặc biệt là từ tháng 7/2021, đã trong đỉnh dịch. Với hơn 30 năm trong ngành y, lần đầu tiên tôi chứng kiến trận dịch ngoài sức tưởng tượng.
Trong cuộc chiến này, vaccine đóng vai trò rất quan trọng, bao phủ được 2 mũi vaccine cho người lớn và đến mũi thứ 3 chúng ta thấy hiệu quả của vaccine. Ngoài những công tác khác thì vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm số người mắc COVID-19. Sau chuyện người lớn được tiêm vaccine thì sự lo lắng dồn qua trẻ em dưới 18 tuổi. Tôi nhớ khoảng tháng 10/2021, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước đến TPHCM, nhiều người dân gọi điện thoại cho bác sĩ quan tâm đề xuất với Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Y tế tiêm cho các cháu dưới 18 tuổi. Đặc biệt là các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch mà ở nhà người thân chưa được tiêm. Các cháu học sinh nghỉ học bị tác động nhiều bởi tâm sinh lý, phụ huynh muốn con em được đi học bình thường, sinh hoạt như người lớn. Một trong những điều làm cho người dân yên tâm là sớm tiêm cho các cháu. Qua kiến nghị của người dân và cử tri, Chính phủ đã triển khai tiêm cho các cháu dưới 18 tuổi, đây là chủ trương vô cùng đúng đắn. Đã có cơ sở thực tiễn từ các nước tiến bộ như Mỹ và châu Âu. Ở Việt Nam, đây là điều thể hiện Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến người dân.
Chúng tôi đã triển khai tiêm cho các cháu từ 12-18 tuổi 100% an toàn. Hiện trường học mở cửa trở lại. Học sinh từ lớp 6 đến 12 yên tâm đi học. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7/2021, điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm hẳn. Cụ thể tháng 11/2021, có 163 trường hợp các cháu nhập viện; tháng 12/2021: 150 trường hợp. Đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp.
Có nhiều yếu tố dẫn đến trẻ em nặng nhập viện giảm. Tuy nhiên tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng đánh giá như thế nào về điều trị cho trẻ em nhiễm COVID-19 trong thời gian qua?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng: Trong đợt dịch thứ 4 tại TPHCM và các tỉnh phía nam thì bất cứ chuyên khoa nào cũng xông ra tuyến đầu. Đối tượng tiếp nhận đầu tiên là người lớn chứ chưa phải trẻ em. Ngay từ đầu, lực lượng y tế TPHCM, các bác sĩ nhi đã được tiếp xúc, cọ xát, từ việc điều trị cho người lớn. Với kinh nghiệm quý báu từ việc điều trị COVID-19 cho người lớn, các bác sĩ nhi TPHCM cùng với các đồng nghiệp của 9 tỉnh phía nam và Hà Nội đã nhanh chóng soạn ra phác đồ điều trị cho trẻ em dựa, tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Đứng về mặt phác đồ điều trị cho trẻ em là chúng ta có sự thống nhất sớm. Khi có điều trị thống nhất, chúng tôi tập huấn cho tất cả cán bộ, bác sĩ điều trị cách nhận biết COVID-19 sớm, phân loại điều trị, bố trí điều trị và tổ chức điều trị. Đặc biệt là cơ sở điều trị, 3 bệnh viện nhi của TPHCM đã chủ động thành lập khoa điều trị COVID-19 đầy đủ trang thiết bị y tế, máy móc cũng như vật tư tiêu hao để phân loại và điều trị ngay các cháu. Đối với điều trị COVID-19 cho trẻ em, Sở Y tế TPHCM có cách phân loại điều trị ở từng tuyến. Với kinh nghiệm nhiều năm của bác sĩ chuyên khoa nhi, đã triển khai khá thành công, tỉ lệ tử vong thấp.
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Từ những thông tin PGS Hùng có so sánh trong điều trị cho trẻ em đã tiêm chủng so với trẻ em chưa tiêm chủng như thế nào?
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng: Trẻ em tiêm chủng trên cả nước là từ 12-18 tuổi thì số ca nhập viện ở TPHCM thấp. Ví dụ tháng 12/2021 chỉ nhận 3 ca trẻ em từ 12-18 tuổi. Tháng 1/2022 chỉ có 1 ca và ca này chưa được tiêm vaccine, bị tổn thương đa cơ quan mặc dù được hồi sức và cứu chữa tích cực nhưng không qua khỏi.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Các vị khách mời đánh giá thế nào về hiệu quả ban đầu của việc tiêm vaccine trong phòng chống lây nhiễm, điều trị COVID-19 ở nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, hiện đang điều trị trong hai Bệnh viện Nhi hàng đầu của đất nước?
PGS.TS Trần Minh Điển: Hiệu quả của vaccine chúng ta đều đánh giá là cơ bản và hữu hiệu để đẩy lùi COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khuyến cáo cần phải đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt cho nhóm người nguy cơ và nhóm yếu thế. Nhóm yếu thế ở đây đang là nhóm trẻ em.
Trong thời gian qua, chúng ta đã tiêm đến 17 triệu liều cho trẻ từ 12-17 tuổi an toàn. Đây là vấn đề mà ngành y tế và cán bộ nhân viên y tế đang hết sức cố gắng. Chúng tôi đã đưa ra kế hoạch cho điều dưỡng tiêm. Chúng ta đã làm rất tốt, an toàn. Trên thực tế, tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Khi các cháu bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm chủng từ 12-17 tuổi phải nhập viện. Với nhóm này chúng ta đã làm giảm tình trạng phải nhập viện, giảm thiểu được dấu hiệu chuyển nặng của bệnh.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Bây giờ chúng ta thấy khá nhiều nước, trong đó có những nước khoa học kỹ thuật tiên tiến, đã tin, chấp nhận việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Quả thực đây là những thông tin để người dân của chúng ta suy nghĩ rằng sự cần thiết đó không chỉ là với một nước nào đấy, mà rất nhiều nước có trình độ phát triển đã chấp nhận. Rõ ràng phải có căn cứ từ mặt lý thuyết cũng như thực tiễn nghiên cứu để có quyết định như thế. Để củng cố thêm dữ liệu cho chúng ta trên cơ sở tư duy xem triển khai như thế nào, tầm quan trọng như thế nào, xin Tiến sĩ Dương Thị Hồng cho biết là ở Việt Nam, sau khi hoàn thành hai mũi tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi thì đang đặt ra vấn đề gì?
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Về việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 cho đến 17 tuổi ở Việt Nam, hiện nay đây là chiến dịch chúng tôi đánh giá là rất thành công. Số mũi tiêm của chúng ta đã đạt tới 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi chúng ta đã đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai chúng ta đã đạt được 94,6%. Việc này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm chủng rất an toàn và tính lan tỏa sự chấp nhận của cha mẹ rất cao nên chúng ta đã đạt được tỉ lệ rất tốt.
Một lưu ý chúng tôi muốn chia sẻ với các khán giả và các bậc cha mẹ là trong quá trình triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12 cho đến dưới 18 tuổi, chúng ta ghi nhận số liệu tiêm chủng rất an toàn. Về các phản ứng thông thường chúng ta ghi nhận chỉ có từ 0,5 cho đến 10% các cháu được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường, tùy từng địa phương. Nếu so sánh với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhà sản xuất, thì phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam chúng ta nhẹ nhàng hơn so với số liệu đã từng ghi nhận. Có những nơi, đến 50% hay 80% các cháu có biểu hiện đau và mệt mỏi. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì con số trung bình ghi nhận trên toàn quốc theo hệ thống báo cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng thu nhận từ các điểm tiêm chủng thì chúng ta chỉ có xấp xỉ gần 10% là phản ứng thông thường. Còn phản ứng nặng chúng ta cũng có ghi nhận, đó là những phản ứng phản vệ độ 2 và các cháu đã được xử trí kịp thời và qua khỏi.
Có những trường hợp ghi nhận có vài phản ứng viêm cơ tim nhưng với chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, sự tập huấn của các chuyên gia y khoa, ở đây có Giáo sư Trần Minh Điển, hướng dẫn rất chi tiết và chúng tôi đã xử trí rất kịp thời, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc.
Con số tổng thể khi triển khai tiêm với 17 triệu mũi tiêm, chúng tôi ghi nhận có 5 trường hợp trên 1 triệu liều vaccine sử dụng có phản ứng nặng, tức là các cháu phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị. Như tôi vừa chia sẻ, đây là chiến dịch được ghi nhận với số liệu rất an toàn, hoàn toàn nằm trong những khuyến cáo mà Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhà sản xuất đưa ra.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin được hỏi PGS.TS. Dương Thị Hồng, thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở các nước trên thế giới hiện nay đang như thế nào? Những thông tin mới nhất của thế giới liên quan đến tiêm chủng cho trẻ em ở lứa tuổi này?
PGS.TS Dương Thị Hồng: Tiếp theo tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, trên thế giới hiện nay đang tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới chúng tôi cập nhật, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vaccine này từ tháng 11/2021 và nhiều quốc gia cho đến tận tháng 2/2022 mới đây, chấp thuận vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Chúng tôi cũng đã tham khảo số lượng vaccine sử dụng trên thế giới hiện nay, đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật qua hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các nhà sản xuất. Chúng tôi cũng xin lưu ý đây là những vaccine đã được sử dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ; châu Âu với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đối với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia là những nước gần chúng ta cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam chúng ta đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội (từ phải sang): TS. Nguyễn Sĩ Dũng; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tọa đàm diễn ra lúc 14h ngày 18/2.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thưa quý vị và các bạn, với thành công của của Chiến dịch tiêm chủng vaccine, có thể nói chúng ta là nước đi sau về trước. Việt Nam chúng ta đã từ một nước có ít vaccine để tiêm chủng với tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất, trong thời gian rất ngắn, đã vươn lên là nước tiêm chủng vaccine hàng đầu. Chính nhờ thành tựu đó, chúng ta đã có thể dần từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới, khống chế dịch bệnh và phản ứng linh hoạt hơn trước các biến chủng mới, tình hình mới của dịch bệnh. Và quả thực, chúng ta thấy đất nước đang mở ra, chúng ta đang trở lại với cuộc sống bình thường mới, rất nhiều các hoạt động đang mở: Hàng không, dịch vụ vui chơi giải trí, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội…, đưa chúng ta đến những hi vọng mới, một cuộc sống với nhiều hi vọng, nhiều niềm tin cho tương lai tốt đẹp.
Với những kết quả như vậy, chúng ta sẽ thấy tiêm chủng là rất quan trọng. Hiện nay, vấn đề đặt ra là, còn một mảng ghép nữa, nếu hoàn thành, chúng ta sẽ có toàn bộ bức tranh của tình hình tiêm chủng: Đó là tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, khoảng trên dưới 10 triệu em. Việc tiêm chủng này quan trọng như thế nào? Những vấn đề gì đang đặt ra?
Hôm nay chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận, đàm luận giữa các giới chuyên môn, các chuyên gia, dựa trên chứng cứ khoa học, thực tiễn.
Tôi xin được trân trọng giới thiệu tham gia toạ đàm có khách mời là PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương; PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Đây là các chuyên gia hàng đầu của chúng ta liên quan đến tiêm chủng và phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ