Mới đây, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ giữa ông Nguyễn Văn Ninh (SN 1953, ở Hà Nội) và Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đã được diễn ra. Tại phiên tòa, đơn kháng cáo của ông Ninh bị bác bỏ.
Vào ngày 21/9, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ giữa ông Nguyễn Văn Ninh và Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).
Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Ninh. Ban đầu, ông Ninh đề nghị phiên phúc thẩm huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên vào tháng 10/2019.
Tuy nhiên, sau đó, ông Ninh thay đổi nội dung kháng cáo, yêu cầu sửa bản án sơ thẩm và tăng mức bồi thường từ 30 tỉ đồng lên 40 tỉ đồng, kèm theo lãi suất.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận thấy các bên không cung cấp thêm chứng cứ, tài liệu mới. Do đó, không chấp nhận đơn kháng cáo.
Tin mới nhất vụ kiện bản quyền tác giả Vietlott: Đơn kháng cáo bị bác bỏ.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 30/6/2008, ông Ninh được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả tác phẩm “Phương án in và phát hành xổ số sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí in vé xổ số” kèm theo nhiều bản vẽ minh họa, trong đó có bản vẽ hai chiếc vé xổ số mở.
Ngày 2/7/2008, ông Ninh mang bản quyền xổ số đến Bộ Tài chính để mời hợp tác nhằm cứu vãn xổ số truyền thống nhưng không có kết quả.
Trong các năm 2015, 2016, ông Ninh phát hiện Công ty Vietlott đã phát hành vé xổ số điện toán có những điểm trùng khớp với vé số ông sáng chế.
Năm 2018, ông Ninh đã khởi kiện ra tòa án buộc Công ty tạm dừng hoạt động kinh doanh; xin lỗi công khai trên phương tiện truyền thông và trả thù lao theo luật định là 30 tỷ đồng (3% lợi nhuận công ty).
Ông Ninh trình bày: Phía Công ty xổ số đã “xuyên tạc đứa con tinh thần”. Từ năm 2008, ông đã đi đầu trong công nghệ số.
Trong đó có các chi tiết mã đại lý; kiểm soát vé lưu lại trong ngày trên vé cũ mỗi chiếc chỉ tham gia 1 lần dự thưởng, trong khi của tôi có nhiều số, đột phá của tôi nữa là đưa xổ số lên mạng.
Đại diện Vietlott cho hay: Công ty thành lập 2011. Trên thế giới có nhiều hình thức xổ số: Giấy, điện toán – áp dụng công nghệ quản lý hoạt động, tạo điều kiện cho người chơi lựa chọn số.
Hình thức xổ số điện toán có từ năm 1980 chứ không phải bây giờ. Vietlott có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài (Mỹ), trong đó có các phần mềm quản lý.
Tòa sơ thẩm xác định, 2 vé số có nhiều điểm khác biệt về tên gọi, nội dung. Vé số của ông Ninh có 2 phần là phần cuống vé giữ lại và phần vé số giao cho người mua. Còn công ty chỉ có phần vé số giao cho người mua, cuống vé giữ lại được lưu trong hệ thống máy tính.
Vé số của ông Ninh không có hàng ô để người mua tự chọn cặp số. Vé số của Công ty thì có các loại xổ số điện toán khác nhau, người mua có thể chọn số cổ định hoặc có thể yêu cầu hệ thống máy tính tự chọn.
Mặt khác, vé số của ông Ninh mặt sau không in gì, còn mẫu vé của công ty có in nội dung những điều cần biết.
Bản án sơ thẩm nhận định, hai mẫu vé số không trùng khớp nhau. Vé số của công ty được thiết kế theo đúng quy định tại Thông tư 136/2013/TT-BTC ngày 3/10/2013 được thay thế bằng Thông tư 36/2019/TT-BTC ngày 17/6/2019 của Bộ Tài chính.
Tương tự vụ kiện của Vietlott, ông Nguyễn Văn Ninh cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Thủ đô phải bồi thường số tiền 60,9 tỷ đồng.
Hồi tháng 7/2020, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm. Lý do là tòa sơ thẩm không thu thập các mẫu vé số do công ty đã phát hành, có thay đổi, đặc biệt là các vé số có trước và sau thời điểm ông Ninh được cấp bản quyền tác giả và các văn bản báo cáo UBND TP. Hà Nội, Cục thuế Hà Nội về lý do, mục đích thay đổi và các quyết định của UBND TP. Hà Nội (nếu có) để có căn cứ xem xét yêu cầu khởi kiện.
Tòa phúc thẩm yêu cầu thu thập về doanh thu, lợi nhuận của công ty từ việc phát hành xổ số lô tô.
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Minh Vân