Gần đây, khi thảo luận về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, có đại biểu đưa ra ý kiến trong lần sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này cần tăng mức thuế đối với mặt hàng đồ uống có cồn và thuốc lá. Mục tiêu của việc tăng thuế để tăng thu ngân sách, giảm người sử dụng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, trước khi Chính phủ đưa ra quyết định cần đánh giá tác động của đề xuất này một cách cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng.
Ảnh minh họa.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, ghi nhận ý kiến về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích các bên liên quan gồm Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân vùng trồng lá, người lao động…
* TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
“Tăng thuế thuốc lá: tăng thu hay giảm thu là điều cần xác định trước”.
Việc tăng thuế suất thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm ảnh hưởng của thuốc lá đến sức khỏe. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đang cân nhắc cải cách chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối cao trên mỗi bao thuốc bên cạnh mức thuế suất tương đối hiện nay, để từ đó giảm sức mua, giảm người hút thuốc lá. Chủ trương là đúng đắn, tuy nhiên, khi xây dựng thiết kế chính sách, chúng ta cần đưa ra những con số thuyết phục, những công cụ để đo lường và chứng minh tính hiệu quả của chính sách để những chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống.
Chẳng hạn, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần làm rõ các thông tin, nếu tăng như tính toán hiện nay thì tăng thu ngân sách từ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp được bao nhiêu, thất thu ngân sách từ vấn nạn buôn lậu ở mức nào, số lượng người sẽ giảm hút thuốc lá ra sao, dự báo kinh doanh của ngành hàng chịu tác động, an sinh xã hội của những người dân ở vùng trồng, cung cấp nguyên liệu, những lao động trực tiếp cũng như gián tiếp ảnh hưởng thế nào…, từ đó chúng ta cân nhắc mức tăng và lộ trình như thế nào hợp lý, áp dụng thời điểm nào thì mang lại hiệu quả cao, đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa các lợi ích.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Ở giai đoạn này, tình hình dịch diễn biến vẫn phức tạp, thị trường chưa thể phục hồi như trước, Chính phủ đang mong các doanh nghiệp ổn định sản xuất để làm động lực cho tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, trong tình hình chính trị thế giới đang bất ổn, giá xăng dầu leo thang cùng với mặt bằng giá cả biến động, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống công nhân và chuỗi cung ứng, thì bất cứ chính sách nào làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ trở thành rào cản cho nỗ lực tái thiết cuộc sống của người dân và đưa doanh nghiệp trở lại đường đua tăng trưởng.
* Ông Triệu Văn Thìn, Chủ tịch Hội Chống hàng giả & bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội:
“Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá”.
Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là giải pháp mà một số quốc gia đều cân nhắc đến khi cần phải tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, càng tăng thuế thì sự chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả (sản xuất trong nước và sản xuất từ nước ngoài) càng rộng và điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình buôn lậu thuốc lá vốn đã và đang là một vấn đề thách thức hiện tại đối với các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, trước khi đề xuất tăng thuế, cần lưu tâm tới những tác động không mong muốn này và nếu quyết định tăng thuế thì cần phải có những giải pháp tổng thể, đặc biệt là chương trình hành động chống buôn lậu thuốc lá. Tăng thuế mà không có giải pháp chống buôn lậu đi kèm thì hậu quả có thể nhìn thấy trước như: buôn lậu sẽ tăng cao, tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp vì chúng ta đều biết các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng bất hợp pháp rất manh động, sẵn sàng dùng hung khí nguy hiểm để tấn công lực lượng chức năng hòng cướp lại hàng.
Ngoài ra, tăng thuế có thể khiến các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, từ đó giảm giá thu mua nguyên liệu, nông dân sẽ thu hẹp vùng trồng, và từ đó phải tính toán lại việc chuyển đổi cây trồng, tìm kiếm công ăn việc làm mới cho người lao động. Hiệu ứng “domino” của việc tăng thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các nỗ lực tích cực trở lại của doanh nghiệp và tái thiết đời sống người lao động.
Chính vì thế, nếu không có giải pháp đồng bộ thì việc tăng thuế TTĐB có thể sẽ không giảm được tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế, buôn lậu gia tăng khi mở cửa biên giới như hiện nay.
* PGS. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam:
“Cần xem xét đóng góp của các ngành công nghiệp lớn”.
Tôi cho rằng việc tăng thuế TTĐB với các mặt hàng hạn chế tiêu dùng (đồ uống có cồn, thuốc lá, …) cần cân nhắc kỹ lưỡng vì đây là những ngành công nghiệp lớn, có những đóng góp đáng kể cho xã hội và đất nước thông qua việc nộp ngân sách hàng mấy chục ngàn tỉ đồng mỗi năm và tạo hàng triệu công ăn việc làm bền vững cho người dân.
Tăng thuế chắc chắn không phải là biện pháp hữu hiệu duy nhất để ngăn chặn việc hút thuốc lá hay uống rượu bia từ đó có thể đạt được mục tiêu bảo vệ và năng cao sức khỏe của người dân. Ngoài ra, tỷ lệ trốn thuế thông qua các mặt hàng lậu này cần phải phân tích, đánh giá toàn diện, cụ thể để làm rõ nếu tăng thuế thì tỷ lệ này sẽ thay đổi, gia tăng như thế nào, mục tiêu bảo vệ sức khỏe có đạt được hay không hay người tiêu dùng lại chuyển qua dùng hàng nhập lậu? Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải tính toán những tác động tiêu cực đối với việc tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước hay nhập khẩu hợp pháp, vì bảo vệ công ăn việc làm cho người dân, bảo vệ nền sản xuất trong nước và các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp là điều chúng ta cần đảm bảo khi triển khai bất kỳ chính sách mới nào.
Theo tôi, cần cân nhắc kỹ trong việc tính toán dự báo đánh giá tác động khi đề xuất tăng thuế. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thực sự tăng thu và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách hay không khi mà sản lượng giảm dẫn đến các loại thuế liên quan giảm và các hệ lụy khác như buôn lậu, sức khỏe người dân, an sinh, an toàn xã hội…
* PGS. TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia Kinh tế:
“Điều chỉnh tăng thuế TTĐB thuốc lá: Cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng tác động tới kinh tế – xã hội”.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, các DN nói chung và DN thuốc lá nói riêng đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ucraina. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong đó có chính sách tài chính giãn, giảm, gia hạn nộp thuế… Một chính sách hỗ trợ về thuế hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi, nhanh chóng lấy lại đà phát triển.
Do vậy việc tăng thuế TTĐB thuốc lá lúc này làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, cần tính toán kỹ các tác động kinh tế – xã hội, lưu tâm tới cả những hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương (công ăn việc làm, công nhân, nông dân…) trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian hồi phục sau đại dịch. Nếu tăng thuế ở thời điểm hiện nay sẽ tác động trực tiếp đến ngành, dẫn đến giảm sản lượng và việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người lao động và tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng vốn chưa kịp lành sau đại dịch COVID-19.
Việc tăng thuế và buôn lậu thuốc lá là 2 vấn đề khác nhau, song thực tế lại chịu sự tác động của nhau và tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Khi tăng thuế, sản phẩm hợp pháp trong nước phải chịu các loại thuế đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó, thuốc lá lậu do trốn thuế bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng chủng loại, cùng phân khúc). Chính vì vậy, người tiêu dùng thay vì sử dụng sản phẩm hợp pháp trong nước sẽ chuyển sang hút thuốc lá nhập lậu giá rẻ.
Từ thực trạng thị trường thuốc lá hiện nay ở nước ta, trước hết tìm cách kiểm soát có hiệu quả thuốc lá nhập lậu và các hoạt động kinh doanh bất chính đi kèm. Tập trung vào việc tăng thuế TTĐB ở thời điểm này chỉ càng gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp. Thay vào đó là tìm nguyên nhân thực sự đang làm thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước; Tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, truyền thông các chính sách pháp luật, chống tác hại của thuốc lá; Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hành vi vi phạm luật phòng chống tác hại thuốc lá…
* Luật sư Hà Thị Thanh, Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban giám sát, khen thưởng, kỷ luật luật sư:
“Tăng thuế có thể không giúp thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá theo hướng tích cực”.
Thuế có thể không giúp thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá theo hướng tích cực. Tôi cho rằng việc tăng thuế có thể không giúp bảo vệ sức khỏe người dân như kỳ vọng, vì lúc đó người tiêu dùng sẽ cân nhắc khi phải trả một số tiền lớn hơn để sử dụng sản phẩm hợp pháp thường dùng và có thể sẽ có một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang sử dụng hàng lậu với giá rẻ hơn. Điều đó, sẽ có nguy cơ độc hại hơn vì những sản phẩm hàng lậu thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có khả năng không được kiểm soát và không được đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe người dùng.
Việc tăng thuế có thể là một trong những biện pháp nhằm giảm số lượng người hút, ngăn ngừa bệnh tật, tử vong do thuốc lá. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ nghĩ tới việc tăng thuế lên thật cao mà cũng cần phải cân nhắc tới những tác động không mong muốn khác từ việc tăng thuế này, như sẽ gia tăng việc buôn lậu thuốc lá; hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp hợp pháp sẽ giảm và dẫn đến đóng góp các loại thuế khác giảm, kéo theo đời sống nông dân vùng trồng nguyên liệu thuốc lá sẽ gặp khó khăn…
Cá nhân tôi cho rằng: Đây là một vấn đề không đơn giản và chúng ta cần có những giải pháp mang tính đồng bộ hơn, đặc biệt là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về tác hại thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ các điểm bán cho người dưới 18 tuổi, hạn chế các khu vực công cộng được phép hút thuốc, tăng cường chống buôn lậu và nên xem xét sử dụng một phần Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để chống thuốc lá lậu vì tác hại của thuốc lá lậu đối với sức khỏe của người dân còn đáng quan ngại hơn do không được kiểm soát về mặt chất lượng hay hàm lượng Tar và Nicotine.
Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá từ năm 2012, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cung cấp và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại của thuốc lá. Sau 10 năm triển khai thực hiện, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải có một báo cáo đánh giá, tiến hành rà soát toàn diện xem việc triển khai thực hiện đã triệt để và hiệu quả hay chưa và có giải pháp khắc phục, thay vì vội vàng, nhanh chóng đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng này.
Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam – PV