Thứ Hai, 06/05/2024, 17:40

Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Xem thêm

Chia sẻ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đồng thời định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 và những năm tiếp theo là nội dung chính của Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/7.

Toàn cảnh Hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2023 – Ảnh: VGP.

Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành liên quan, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

5 năm tới, nhu cầu điện năng tăng trưởng khoảng 8,5%/năm

Nhu cầu năng lượng của Việt nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 9,71% trong giai đoạn 2010-2021.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành, về cơ bản Việt Nam vẫn luôn bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và điện năng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định về xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.

Theo dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025 cho thấy, việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, điển hình như việc thiếu điện tại miền Bắc trong tháng 6 vừa qua. 

Ngay từ những tháng đầu năm 2023, cả nước đã phải trải qua nhiều đợt nắng nóng cao điểm khiến nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều tăng cao.

Đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng trình bày kết quả triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả – Ảnh: VGP.

Nỗ lực thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đây còn là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 (khẳng định lại tại COP27) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

Nhằm tiếp nối những thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019-2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). 

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình theo từng giai đoạn. Đồng thời, phối hợp với 63 tỉnh, thành phố để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Thường xuyên kiểm tra tại các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng để kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. 

“Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc là dịp để Bộ Công Thương và các địa phương, các cơ quan, đơn vị đánh giá kết quả chặng đường đã qua và định hướng, xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp ưu tiên triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu mà Đảng và Chính phủ giao”, ông Phương Hoàng Kim, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Chia sẻ giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Cùng với các giải pháp của Bộ Công Thương, tại hội nghị, các đại biểu cũng được lắng nghe chia sẻ của đại diện Sở Công Thương TP. Hà Nội về kinh nghiệm triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên địa bàn thành phố. 

Theo đó, Hà Nội đã sớm ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn cũng như Kế hoạch tiết kiệm điện cho cho từng giai đoạn. Trong đó, tập trung giảm bớt sử dụng điện vào giờ cao điểm để bảo đảm ổn định cấp điện, đồng thời xây dựng chương trình tập huấn về các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là những giải pháp quan trọng hàng đầu của địa phương.

Tại hội nghị, đại diện Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cũng đã chia sẻ giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc tổ chức các giải thưởng hiệu quả năng lượng thường niên.

Các giải thưởng này đã góp phần thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao.

Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và trong các công trình xây dựng, từ đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian cho đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một số bộ, ban, ngành, địa phương trình bày, trao đổi về kết quả triển khai Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, kế hoạch triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. 

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu sẽ có cơ hội tham khảo các kinh nghiệm, giải pháp tài chính cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng, tiếp cận các công nghệ, sản phẩm hiệu suất cao.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Toàn Thắng

 

Bài viết mới