Thứ Năm, 19/09/2024, 11:24

Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm thống đốc NHNN cho bà Nguyễn Thị Hồng

Xem thêm

Chiều 16/11, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm thống đốc NHNN Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng.

Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm thống đốc NHNN cho bà Nguyễn Thị HồngThủ tướng trao quyết định bổ nhiệm thống đốc NHNN cho bà Nguyễn Thị Hồng.

Giao nhiệm vụ cho tân Thống đốc và ngành ngân hàng, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, cần kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, trong đó phải thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng Việt Nam.

Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NHNN và cũng là thành quả quan trọng nhiều năm qua, khi lạm phát từ mức trên 18% vào năm 2011 đã giảm xuống dưới 4% trong suốt nhiệm kỳ này.

Nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định thì mới có thể phát triển nhanh và bền vững.

Trong đó cần sử dụng công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, lưu ý ổn định các thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, phấn đấu tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng chi phí thấp, thủ tục đơn giản, thuận tiện.

NHNN cần nghiên cứu biện pháp giảm chi phí lãi vay, bởi nhiều ngân hàng lãi lớn trong khi nền kinh tế còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản.

Năm nay các ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận cao để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, người dân.

Dù có sự cố gắng lớn, nhưng theo Thủ tướng, tín dụng năm nay tăng trưởng thấp, mới đạt gần 7%, do tác động của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó còn nhiều lĩnh vực có tiềm năng cho vay và phát triển tốt như nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử, công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, y tế, giáo dục…

Cùng với cho vay, các ngân hàng cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp về các phương án sản xuất kinh doanh, để ngân hàng có lợi và doanh nghiệp cũng có lợi. Đó mới là cái gốc của kinh doanh tín dụng bền vững.

Để phục vụ phát triển, Thủ tướng yêu cầu NHNN nhất định không được để thiếu vốn tín dụng cho các lĩnh vực và dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có nhu cầu, có năng lực sản xuất mới, đặc biệt các dự án ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế số, để tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Ngành ngân hàng cũng cần tiếp tục xóa, giảm, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ cho các tỉnh miền Trung vừa qua chịu thiên tai, bão lũ trên cơ sở phù hợp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, 4 NHTM Nhà nước cần thể vai trò quan trọng để góp phần ổn định vĩ mô.

Thứ ba, cần tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống. Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng phải hiệu quả, đủ mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Nếu để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng thì có nghĩa là cơ quan giám sát ngân hàng chưa làm tròn nhiệm vụ.

Nhiệm vụ thứ tư là cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng yếu kém. Đây là nhiệm vụ trọng yếu Chính phủ và NHNN đã đôn đốc chỉ đạo, thực hiện thời gian qua, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Do đó, NHNN cần có định hướng cụ thể đối với từng NHTM, trước hết giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ này đối với NHNN là vừa hạn chế nợ xấu gia tăng, vừa giảm nợ xấu đang có, vừa có cơ chế để các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững; cần đặt mục tiêu Việt Nam có ngân hàng lọt vào tốp đầu các ngân hàng tốt nhất khu vực.

Trong nhiệm vụ thứ năm, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng không ngừng hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, hiệu quả; đi tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa, góp phần giảm chi phí, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tướng cũng đề nghị NHNN đoàn kết, thống nhất, lắng nghe các chuyên gia, chủ động đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ các giải pháp, quyết sách thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ cùng tập thể NHNN chủ động bám sát diễn biến tình hình, nắm chắc chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành, hoàn thành tốt vai trò của một ngân hàng Trung ương, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống… làm sao để hệ thống ngân hàng thực hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, Quốc hội đã tán thành phê chuẩn bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 467 đại biểu đồng ý (chiếm 97,08%).

Được biết, bà Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/3/1968, quê quán tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Bà có trình độ thạc sỹ kinh tế phát triển.

Trong quá trình công tác, bà Hồng từng giữ các chức vụ như trưởng Phòng Cán cân thanh toán quốc tế; phó vụ trưởng, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước; phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo vietnamfinance.vn – An Chi

Link gốc

 

 

 

 

Bài viết mới