Nhờ dư địa tài khóa tích lũy được trong quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2019, nên mặc dù thu năm 2020 gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn cân đối được đủ nguồn để triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bên cạnh các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP/Huy Thắng.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V tổ chức chiều ngày 31/10 tại Hà Nội.
Tại Đại hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kể từ mốc son lịch sử ngày 28/8/1945 ghi dấu sự ra đời, trong suốt chặng đường lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính luôn thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hăng hái thi đua, lao động sáng tạo.
Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng, các phong trào thi đua yêu nước trong ngành Tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều nội dung, hình thức thi đua phong phú, mục tiêu thi đua thiết thực, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao.
“Nhờ dư địa tài khóa tích lũy được trong quá trình cơ cấu lại NSNN giai đoạn 2016-2019, nên mặc dù thu năm 2020 gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn cân đối được đủ nguồn ngân sách để kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 10 năm 2020, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, giảm tiền thuê đất gần 100 nghìn tỷ đồng cho 128.619 DN và 56.268 hộ, cá nhân kinh doanh; đã chi khoảng 17,8 nghìn tỷ đồng cho mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thực hiện chế độ đặc thù cho các lực lượng y tế, quân đội, công an tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho gần 12,8 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19…
Trao thưởng các danh hiệu thi đua cho cá nhân và tập thể Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Huy Thắng.
Tổng thu NSNN 5 năm đạt khoảng 6,7 triệu tỷ đồng, gấp 1,58 lần so với giai đoạn 2011-2015; bình quân đạt khoảng 24,5%GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6%GDP), vượt mục tiêu đề ra là 23,5%GDP. Tỷ lệ thu từ thuế, phí khoảng 20,4%GDP…
Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng thu nội địa dự kiến đạt trên 84% tổng thu NSNN, đạt kế hoạch đề ra là 84-85%; tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng thu nội địa khoảng 81,6% (giai đoạn 2011-2015 là 68,7%), tỷ trọng thu cân đối XNK và dầu thô giảm mạnh, bình quân khoảng 17,8% (giai đoạn 2011-2015 là 30%).
Đã có nhiều đổi mới trong quản lý chi ngân sách, triển khai kế hoạch tài chính trung hạn; đẩy mạnh khoán chi, đấu thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ; thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn; siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách…
Tổng chi NSNN 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng, bình quân khoảng 27,5%GDP, trong phạm vi thu và giảm dần mức bội chi NSNN (giai đoạn 2011-2015 là 29,5%GDP).
Bộ Tài chính đã góp phần bước đầu cơ cấu lại chi NSNN theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội, trong đó ưu tiên nguồn lực tăng chi đầu tư ngay từ khâu dự toán; tỷ trọng chi ĐTPT thực hiện đạt 27-28% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25-26%); giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên xuống mức 64% năm 2020…
Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, bình quân các năm 2016-2019 ở mức 3,5%GDP, trong đó, các năm 2017-2019 bội chi còn 2,95%GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4%GDP. Năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, dự kiến bội chi NSNN bằng 4,99%GDP.
Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, bội chi khoảng 3,8%GDP, đạt mục tiêu dưới 3,9%GDP theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.
Nhờ kiểm soát tốt bội chi ngân sách, các khoản vay và bảo lãnh của Chính phủ, kết hợp với việc cơ cấu lại mạnh mẽ, nên nợ công cuối năm 2020 khoảng 57,4%GDP, giảm mạnh so với mức 63,7%GDP cuối năm 2016, trong giới hạn an toàn; kỳ hạn phát hành TPCP bình quân 10 tháng đầu năm 2020 là 13,66 năm (năm 2016 là 8,7 năm), lãi suất phát hành bình quân là 2,92%/năm (năm 2016 là 6,49%)…
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công và hệ thống các văn bản hướng dẫn theo nguyên tắc thị trường, tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường công khai, minh bạch…
Đáng chú ý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành này là đơn vị tiên phong trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy; với 7 năm liên tiếp giữ vị trí đứng đầu trong khối các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; đã giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan xuống 3 nhóm tốt nhất trên tổng số 8 nhóm thủ tục, cải thiện 22 bậc về vị thế xếp hạng chỉ số thuế của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2019…
Tại Đại hội này, Ngành Tài chính vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất; các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã được tặng Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
“Những thành tích đạt được của Ngành Tài chính trong giai đoạn 5 năm vừa qua là “những bông hoa đẹp” trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần viết tiếp trang sử mới, tô thắm thêm truyền thống của ngành Tài chính”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Huy Thắng