Chủ Nhật, 08/12/2024, 9:13

Thông tin một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM ngày 3/8/2021

Xem thêm

Sáng 3/8, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tại điểm cầu Thành uỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi chủ trì họp báo. Tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP, chủ trì có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Nguyễn Như Khuê; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức.

Tham dự họp báo có Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Văn Hiếu; Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Lâm Đình Thắng; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam; Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Lê Hoài Nam; Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai.

Trung tâm Báo chí Thành phố thông tin về một số vấn đề được quan tâm tại buổi Họp báo.

1. Thông tin về tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ các điểm tiêm cố định, lưu động tại quận – huyện, TP Thủ Đức và một số bệnh viện, TPHCM đã tiêm được 920.329 liều vắc xin trong đợt 5. Tính từ 14 giờ ngày 22/7 đến ngày 3/8/2021, TP đã thực hiện việc tiêm chủng trong vòng 10 ngày. Trong đó, ngày 27/7 có số trường hợp phản ứng sau tiêm nhiều nhất với 283 người. Các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được kịp thời xử lý và đảm bảo an toàn sức khỏe.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai.

Hiện nay, có 04 loại vắc xin đang có mặt ở TPHCM gồm: Astrazeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell. Vắc xin được TP tiêm chủ yếu là Astrazeneca, Moderna và Pfizer, từ nguồn cung cấp của Bộ Y tế. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp cho TPHCM 16 đợt vắc xin với tổng số khoảng 2,5 triệu liều; trong đó, khoảng 2 triệu người dân TP đã tiêm ít nhất 1 mũi, hơn 70.000 người được tiêm 2 mũi (không kể số lượng Bộ Y tế cấp cho các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM).

Ngày 31/7, 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất đã về đến TPHCM. Số lượng này do nhà tài trợ tặng và đã được gửi đến cơ quan chức năng thẩm định đúng quy trình. Sau khi thẩm định, nếu đảm bảo đủ các điều kiện, vắc xin Vero Cell sẽ được tiêm như các loại vắc xin khác, theo tinh thần tự nguyện.

Liên quan đến câu hỏi “Không tiêm vắc xin liệu có bị phạt?”, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, cho đến nay, chính sách của Nhà nước Việt Nam là tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí và tự nguyện cho toàn dân. Các loại vắc xin được cung ứng tiêm cho người dân hiện nay phải thoả mãn 2 điều kiện: được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép sản xuất và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, từ 3/8, TPHCM bước vào đợt 6 của chiến dịch tiêm vắc xin, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8 với sự hỗ trợ của Chính phủ. Theo thống kê, TP có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, khoảng 2 triệu người đã được tiêm. Vì vậy, TPHCM đã đề xuất Bộ Y tế cấp khoảng 5 – 5,5 triệu liều vắc xin trong tháng 8/2021; riêng từ 5/8 – 31/8/2021, TP cần tối thiểu 210.000 liều để có thể tiêm đúng tiến độ.

Về năng lực tổ chức, Sở Y tế huy động toàn bộ nguồn lực y tế công lập và tư nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành bạn cũng đã hỗ trợ nhân lực theo sự huy động của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Hiện nay, TP đang triển khai 1.200 đội tiêm, công suất tiêm 250 người/đội/ngày, đạt tổng công suất 300.000 người/ngày (có thể nâng lên 350.000 người/ngày). Nếu được cung cấp vắc xin đủ và đúng tiến độ, TP có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng đợt 6.

2. Thông tin về việc người dân đang sinh sống, học tập TPHCM có nguyện vọng trở về quê

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ giữa tháng 7, sau khi nhận được đề nghị của một số địa phương, TPHCM đã phối hợp tổ chức tốt việc đưa người dân về quê theo văn bản trao đổi giữa 2 bên; người dân trước khi về quê đều được xét nghiệm và phải có kết quả âm tính.

Tính từ ngày 20/7 đến nay, TP đã phối hợp tổ chức cho 7.023 người từ TPHCM về các địa phương Đà Nẵng, Gia Lai, Đà Nẵng, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bến Tre, Bình Thuận…

Tuy nhiên, trước tình trạng người dân tự ý về quê bằng phương tiện xe máy, không đảm bảo quy định phòng chống dịch và an toàn giao thông, ngày 30/7/2021, UBND TP đã ban hành Công văn số 2544 gửi UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp chặt chẽ trong công tác đưa người dân về quê. Trong đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ định đầu mối tiếp nhận, lập danh sách, tổ chức xét nghiệm, tổ chức vận chuyển. UBND TP cũng ban hành Công văn số 2548 giao nhiệm vụ cho các cơ quan đầu mối là Sở Giao thông vận tải và các Sở liên quan để phối hợp thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được về quê.

Bên cạnh đó, TP cũng cố gắng nỗ lực phối hợp tỉnh, thành tạo điều kiện tối đa cho người dân ngoại tỉnh lưu trú tại TPHCM có điều kiện tốt nhất để duy trì cuộc sống, sức khoẻ. Lãnh đạo TP mong người dân không di chuyển tự phát, gây khó khăn, mất ổn định trật tự, ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng. TP cam kết đảm bảo ổn định cho người dân ở lại TPHCM trong thời gian chống dịch.

3. Tình hình đảm bảo an sinh xã hội và các gói an sinh xã hội mới của TPHCM

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TP đã hoàn tất việc thực hiện gó hỗ trợi 868 tỷ theo Nghị quyết 09/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP và đang tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ khác.

Theo thống kê, đến nay, kinh phí hỗ trợ người mất việc làm không có cam kết hợp đồng lao động là hơn 480 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng cho hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; giải quyết hỗ trợ hơn 10.400 điểm kinh doanh với số tiền gần 16 tỷ đồng; hỗ trợ 44.244 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương gần 84 tỷ đồng; hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho khoảng 200 lao động bị chấm dứt, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Song song với gói hỗ trợ chính thức cấp TP, TPHCM còn nhận được hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội khác với tổng số tiền hơn 2.143 tỷ đồng. Số tiền trên được sử dụng cho việc thu mua trang thiết bị y tế, hỗ trợ các hộ dân, lực lượng tuyến đầu,…

4. Thông tin về việc đặc cách xét tốt nghiệp THPT cho học sinh thi đợt 2 trên địa bàn TP

Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Lê Hoài Nam cho biết, TPHCM tổ chức kỳ thi THPT đợt 1 theo kế hoạch của Bộ Giáo dục – Đào tạo với 85.927 thí sinh dự thi. Hiện tại, công tác chấm thi đã thực hiện xong và đang tiến hành phúc khảo.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lê Hoài Nam phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Lê Hoài Nam phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai.

Đối với 3.234 thí sinh nằm trong diện F0, F1, sinh sống trong khu phong tỏa, chưa thể tham gia dự thi đợt 1, TPHCM sẽ thực hiện xét đặc cách tốt nghiệp cho các thí sinh này. Tính đến hiện tại, TPHCM có 2.044 thí sinh đủ điều kiện đặc cách (sau khi trừ các thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT).

5. Thông tin liên quan đến Cổng thông tin COVID-19 TPHCM

Theo Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Lâm Đình Thắng, Cổng thông tin COVID-19 TPHCM (https://covid.tphcm.gov.vn) tích hợp thông tin từ các kênh của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế, Sở Y tế TP, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các thông tin, dữ liệu, báo cáo từ nhiều cơ quan khác. Từ đó, giúp người dân dễ dàng truy cập, tìm kiếm thông tin về dịch bệnh.

Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đình Thắng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Lâm Đình Thắng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai.

Cổng thông tin tích hợp và cung cấp các thông tin sau: thông tin tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại TP; bản đồ COVID-19 TP; bản đồ phân tích nguy cơ của Ban chỉ đạo quốc gia tại TP; biểu đồ thi đua mở rộng vùng xanh;

Cùng với đó là các số liệu công tác ứng phó phòng chống dịch của thành phố đang nỗ lực từng ngày như: khoanh vùng, phong tỏa, truy vết; công tác xét nghiệm; công tác tiêm vaccine; các hướng dẫn y tế, thông tin phục vụ chăm sóc sức khỏe; các văn bản điều hành mới nhất của thành phố; kênh góp ý, hiến kế cho công tác phòng chống dịch của TP; các liên kết đến Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia; các dịch vụ tra cứu thông tin người thân đang điều trị COVID-19; cổng tiếp nhận, giải đáp thông tin thông tin 1022, các thông tin số điện thoại, đường dây nóng của các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức…

Các thông tin này được cập nhật liên tục từng ngày và trình bày trực quan trên bản đồ thành phố, chi tiết đến từng quận huyện, TP Thủ đức thông qua dữ liệu và báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP và các cơ quan.

6. Kết quả ứng dụng Công nghệ thông tin trong hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu người dân công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết, với Cổng thông tin 1022, kênh 2 là kênh hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19. Thời gian đầu mới vận hành, do cuộc gọi tới tổng đài quá nhiều nên đã xảy ra nghẽn mạng. Sở Thông tin – Truyền thông đã khắc phục bằng cách ứng dụng 30 robot trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ ngày 30/7.

Thống kê đến thời điểm hiện tại, tổng đài nhận được 19.767 cuộc gọi. Trong đó, robot AI đã xử lý hơn 12.000 cuộc gọi, chiếm tỷ lệ 60%; số lượng tổng đài viên tiếp nhận là 7.584 cuộc, tương đương 38%. Như vậy, bằng ứng dụng công nghệ AI, số lượng cuộc gọi được tiếp nhận từ robot gấp 1,5 lần so với cuộc gọi của tổng đài viên, xử lý được triệt để tình trạng nghẽn mạng.

Thời gian tới, để nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý cuộc gọi, Sở đã có kế hoạch tăng số lượng robot AI lên đến 300. Đồng thời, tăng số lượng tổng đài viên lên từ 40 – 45 người trực trong giờ cao điểm.

Về việc xử lý thông tin phản ánh, trong 30.000 thông tin cuộc gọi Sở Thông tin – Truyền thông chuyển về cho địa phương, có khoảng 65-75% thông tin đã được xác minh và đáp ứng nhu cầu của người dân, 6 – 35% thông tin cuộc gọi không đủ điều kiện xử lý, số còn lại đang chờ tiếp nhận để xử lý.

“Toàn bộ các cuộc gọi của người dân tới tổng đài 1022 kênh 2, 3 đã được các Công ty viễn thông trong nước hỗ trợ miễn phí cước cuộc gọi”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.

Với kênh 3 của cổng thông tin 1022, đây là kênh kết nối y bác sĩ tư vấn sức khỏe cho người dân, thời gian qua đã tiếp nhận và tư vấn thành công 5.728 cuộc gọi. Trung bình 1 ngày, các y bác sĩ tư vấn 636 người.

Liên quan đến tổng đài 115, tính đến 1 giờ chiều ngày 2/8, trong tổng số các cuộc gọi mà tổng đài đã tiếp nhận, có 89% cuộc gọi đã được đáp ứng nhu cầu của người dân, 10% cuộc gọi bị nhỡ, 1% cuộc gọi gây rối.

“Thời gian tới, Sở Thông tin – Truyền thông sẽ phối hợp với sở Y tế tăng năng lực tiếp nhận cuộc gọi, phấn đấu đạt 100% các cuộc gọi đều được tiếp nhận và đáp ứng”, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết.

7. Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn TPHCM

Về đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TPHCM đảm bảo năng lực dự trữ từ 120.000 – 150.000 tấn hàng/tháng. Từ đó, góp phần đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ cho người dân.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương, những ngày qua, nguồn hàng từ các địa phương cung ứng cho TPHCM rất dồi dào, TP cũng triển khai phát phiếu mua sắm cho người dân. Tuy nhiên, công tác trên gặp một số khó khăn do số lượng lớn hệ thống phân phối phải tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, dẫn tới tình trạng hết hàng tại một số khu vực.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai.

Để khắc phục vấn đề trên, Sở Công thương đã đề nghị chính quyền địa phương theo dõi, thông tin kịp thời tình hình hàng hóa để Sở có phương án hỗ trợ, bổ sung nguồn hàng.

Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương mở lại một số điểm bán hàng thiết yếu tại các chợ truyền thống. Tính đến nay, đã 29 chợ hoạt động trở lại.

Sở còn phân bố thêm 41 điểm bán hàng lưu động với khoảng 71 đầu xe cung ứng hàng hóa. Đồng thời, làm việc với chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 để thống nhất cung ứng thêm thực phẩm tươi sống tại 87 cửa hàng.

8. Kết luận của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi

Kết luận tại họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi thông tin thêm về 3 vấn đề: công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19; các biện pháp hỗ trợ người dân tại TPHCM về quê; việc điều trị bệnh nhân nặng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi.

Về vắc xin, đây là giải pháp quan trọng để TPHCM đạt được trạng thái bình thường mới. Do vậy, ngoài nguồn cung vắc xin từ Trung ương, TP đã chủ động báo cáo, xin Chính phủ cho phép TP sử dụng nguồn lực ngân sách, nguồn vận động, hỗ trợ để chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin bổ trợ. UBND TP đã làm việc, ký biên bản ghi nhớ về cung ứng vắc xin; tuy nhiên đến nay, ngoài nguồn cung từ Trung ương, TP vẫn chưa nhận được nguồn vắc xin chủ động.

Từ nguồn vắc xin được phân bổ, TP đã triển khai các đợt tiêm chủng minh bạch, tự nguyện. Chất lượng việc tiêm đảm bảo an toàn; tiến độ, số lượng ngày càng nhanh hơn do TP đã cải tiến, rút kinh nghiệm và tăng năng lực tiêm. Riêng với 1 triệu liều vắc xin Vero Cell đang được Bộ y tế thẩm định, nếu được phép lưu hành, TP sẽ đưa vào tiêm như các loại vắc xin khác trên tinh thần tự nguyện.

Thời gian tới, để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, TP đang tổ chức lại công tác tiêm và huy động thêm các nguồn lực, cố gắng đạt trung bình khoảng 300.000 liều/ngày. Cuối tháng 8, nếu đảm bảo nguồn cung và tiến độ cung vắc xin, TP sẽ có có mức bao phủ vắc xin đạt 70 – 80% cho người từ 18 tuổi trở lên. TP cũng sẽ kiên trì làm việc với đối tác đã cam kết cung ứng vắc xin để đa dạng hoá, tăng nguồn vắc xin cho người dân TP.

Về các biện pháp hỗ trợ người dân tại TPHCM về quê, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, TP có lượng người dân từ các tỉnh, thành đến học tập, sinh sống và làm việc lớn. Nếu người dân về quê nhiều sẽ gây khó khăn cho địa phương trong công tác tiếp nhận trong thời gian ngắn, việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 cũng hạn chế người dân di chuyển.

Do đó, TP đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại TPHCM. “Trong giai đoạn khó khăn này, mong người dân thông cảm và đồng lòng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Riêng TP sẽ sử dụng mọi nguồn lực để chăm lo cho người dân, cam kết không để người dân thiếu đói. Các nguồn lực ngân sách và nguồn lực xã hội sẽ được huy động để chăm lo cuộc sống cho người dân”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu.

Để giúp đỡ người dân gặp khó khăn, TP đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và điều phối viện trợ cấp Thành phố, quận – huyện, phường – xã; phát huy mạng lưới, hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể, tổ chức tình nguyện để nắm các đối tượng cần hỗ trợ. Đối với việc triển khai gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 09, trong thời gian qua, một số đối tượng không được nhận hỗ trợ do không thuộc quy định của chính sách. Vì vậy, TP đã đề nghị xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách các đối tượng là người lao động, sinh viên không thu nhập, người không thuộc đối tượng của Nghị quyết 09 đang gặp khó khăn để kịp thời giúp đỡ.

“Người dân nếu gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ, chủ động liên hệ từng địa phương và thông qua các tổng đài để TP ghi nhận, kịp thời chăm lo”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết.

Về công tác điều trị bệnh nhân nặng, khi chuyển chiến lược sang tập trung cho công tác điều trị, TP đã tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế để tiến hành điều trị theo mô hình tháp 5 tầng. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục bổ sung nhân lực, điều chỉnh quy trình, không để tình trạng bệnh nhân không được tiếp nhận hoặc tiếp nhận trễ.

Theo quan sát và phân tích, khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 (tháp 5 tầng điều trị) đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. TP sẽ tập trung khắc phục; đồng thời đề nghị Tổ công tác đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ kết nối liên thông với tầng 4, tầng 5 và kịp thời có chỉ định, biện pháp điều trị để giảm tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong.

Theo Trung tâm Báo chí TP HCM – Huyền Mai

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới