Thứ Bảy, 20/04/2024, 21:13

Thị trường ô tô Việt 2020: ‘Cú đánh bồi’ đập tan nhiều kỳ vọng

Xem thêm

“Cú đánh bồi” từ đại dịch Covid-19, ảnh hưởng từ tháng Ngâu khiến những người lạc quan nhất cũng phải tin rằng 4 tháng ngắn ngủi còn lại của năm 2020 không đủ để thị trường ô tô hiện thực hóa doanh số kỳ vọng 500.000 xe.

Thị trường ô tô Việt 2020: 'Cú đánh bồi’ đập tan nhiều kỳ vọng

“Cú đánh bồi” của đại dịch Covid-19 khiến thị trường xe Việt tiếp tục đối mặt với những khó khăn.

“Cú đánh bồi” là cụm từ được ngành du lịch sử dụng phổ biến đề nói về làn sóng Covid-19 thứ 2 tràn vào Việt Nam và những tác động tiêu cực mà làn sóng này mang lại.

Nhưng, chẳng riêng gì ngành du lịch. Đến thời điểm này có thể khẳng định, “cú đánh bồi” từ Covid-19 đang khiến gần như cả nền kinh tế trong nước lao đao. Vì vậy, nhiều ngành nghề kinh doanh khác, trong đó có ô tô cũng đến lúc “làm quen” với cụm từ này.

Chưa kịp “tỉnh” đã… lĩnh thêm đòn

Đến thời điểm này, phải thừa nhận 2020 là một năm trúc trắc chưa từng có của thị trường ô tô Việt Nam. Hơn nửa năm qua, dù không đến mức phải “mất ăn mất ngủ” như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nhưng hầu hết liên doanh ô tô cũng đã và sẽ phải sống trong trạng thái thấp thỏm, bất an khi liên tiếp đón nhận những kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.

Toàn ngành có 3 tháng đầu năm khởi màn bằng sự “ảm đạm” hậu Tết Nguyên đán. Doanh số quý I lao dốc với mức giảm lên đến hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Bước vào quý II, trong bối cảnh các doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng” tung đồng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giả để gượng dậy, thị trường lại bất ngờ nhận ngay “cú đánh” đầu tiên của đại dịch Covid-19. Kết quả, doanh số bán hàng tháng 4 của hầu hết hãng ô tô “rơi tự do”. Lượng xe bán ra giảm gần 50% so với cùng thời điểm 2019.

Chưa kịp hồi phục, thị trường ô tô lại đối mặt với nguy cơ lao dốc doanh số. Ảnh: Trần Hoàng.

Những “gam màu sáng” chỉ bắt đầu hiện hữu trở lại khi lệnh giãn cách xã hội chính thức được dỡ bỏ. Thị trường ô tô tháng 5/2020 như “nắng hạn gặp mưa rào”. Sức mua tăng mạnh 62% so với tháng trước đó. Qua đến tháng 6, những con số khả quan tiếp tục được duy trì với mức tăng 26%.

Mặc dù vậy, trong một năm đầy trúc trắc, “vận xui” tiếp tục đeo bám các doanh nghiệp kinh doanh ô tô. Bước qua tháng 7, thị trường xe trong nước thêm một phen lao đao. Đại dịch Covid-19 bùng trở lại như một “cú đánh bồi” trong bối cảnh toàn ngành còn chưa hết “choáng váng”.

Những diễn tiến phức tạp và khó lường của “làn sóng” Covid-19 mới khiến thu nhập của khách hàng giảm đáng kể hoặc trở nên “bấp bênh”. Nhiều người dè sẻn chi tiêu, từ bỏ ý định mua xe.

Chính vì vậy, bất chấp việc ngành ô tô được hỗ trợ “tận răng” bằng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ áp dụng đối với xe lắp ráp trong nước; cùng với đó là việc các hãng xe “điên cuồng” áp dụng thêm nhiều chương trình khuyến mãi, doanh số bán hàng ghi nhận qua báo cáo của các đơn vị kinh doanh vẫn không được như mong muốn. Lượng xe bán ra tháng 7 chỉ đạt 24.065 xe, nhỉnh hơn vỏn vẹn 63 xe so với tháng 6. 

Dù được áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với xe “nội” nhưng thị trường vẫn không thể tăng trưởng mạnh trong tháng 7/2020.

Chưa hết, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường ô tô năm 2020 đứng trước nguy cơ bị hạ “knock out”. Bởi lẽ, trong khi Covid-19 vẫn chưa biết bao giờ chấm dứt, toàn thị trường vừa hứng chịu thêm một ngón đòn nữa mang tên tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch) – thời điểm xưa nay vẫn được xem là “đen tối” với những doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng giá trị cao như ô tô, nhà cửa.

Kết quả từ báo cáo doanh số của các hãng xe chứng minh thực trạng này, toàn thị trường tháng 8/2020 (thời điểm trùng với tháng 7 âm lịch) chỉ ghi nhận mức doanh số 20.655 xe, giảm mạnh 14% tương đương 3.410 xe so với tháng trước đó.

Kỳ vọng khó thành

Năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam thiết lập kỷ lục mới khi đạt tổng doanh số hơn 400.000 xe đến tay khách hàng, tương đương mỗi ngày thị trường tiêu thị đều đặn trên 1.000 xe.

Con số ấn tượng này cộng với đà tăng trưởng không ngừng những năm trước đó, giới chuyên môn không ngần ngại dự báo thị trường có thể tăng trưởng hơn nữa và kỳ vọng vượt mức doanh số 500.000 xe khi năm 2020 khép lại.

Mặc dù vậy, đến lúc này, với những gì đang diễn ra có thể khẳng định kì vọng trên gần như sẽ “tan thành mây khói”. Số liệu tổng hợp từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor cho thấy, kết thúc 8 tháng đầu năm, cộng dồn doanh số toàn thị trường mới đạt mức 192.890 xe. Con số này kém xa mức 250.392 xe vào cùng kỳ tháng 8/2019.

Mức doanh số 500.000 xe như kỳ vọng trở nên quá “xa vời”. Ảnh: Trần Hoàng.

Đáng nói, so với mục tiêu 500.000 xe nhiều chuyên gia kỳ vọng trước đó, cộng dồn doanh số toàn thị trường đến thời điểm này chỉ mới đạt khoảng 38%. Trong khi, quỹ thời gian “tiêu tốn” đã gần 70% (8 trên 12 tháng).

Vì vậy, nếu muốn biến kì vọng thành hiện thực, trong 4 tháng còn lại, các doanh nghiệp ô tô phải bán thêm gần 310.000 xe. Đồng nghĩa, mỗi ngày lượng xe tiêu thụ phải đạt gần 2.500 xe. Một con số không tưởng và tất nhiên chưa có tiền lệ.

Theo ông Vũ Tấn Công, người có gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô, đồng thời là nguyên tổng thư ký VAMA, thị trường ô tô Việt Nam năm nay chắc chắn sẽ giảm mạnh về doanh số so với năm ngoái. Con số 500.000 xe theo ông Công chắc chắn sẽ “phá sản”.

Chuyên gia này lý giải, dù thị trường vẫn còn 4 tháng, cùng với đó là việc các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mạnh tay giảm giá, ưu đãi nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh hàng tồn kho còn nhiều. Tuy nhiên, tình hình kinh tế nửa cuối năm dự kiến sẽ rất khó khăn nên sức mua thậm chí có thể giảm.

Ông Công dự báo, kết quả kinh doanh năm 2020 không những không tăng mà còn có thể giảm mạnh khoảng 35% so với năm 2019, tương đương chỉ đạt đâu đó khoảng 260.000 xe.

Hãng giảm giá “tự cứu mình”

Tạm gác lại con số kỳ vọng quá “xa vời”, ngành ô tô Việt Nam mà cụ thể là các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trước mắt cần giải quyết những vấn đề thực tế hơn. Trong đó, giải phóng hàng tồn là nhiệm vụ cấp thiết.

Theo báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), 6 tháng đầu năm 2020, nhóm ngành sản xuất xe có động cơ (cả ô tô) có chỉ số tồn kho tăng 129,6 %. Đáng nói, ngành này cũng là một trong những nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh nhất, với mức giảm 24,4%.

Để “tự cứu mình”, hàng loạt hãng xe đang đồng loạt tung ra nhiều ưu đãi, giảm giá bán.

Những khó khăn bủa vây liên tiếp từ thị trường, nhiều chuyên gia đồng quan điểm khi cho rằng, 5 tháng còn lại của năm 2020, để “tự cứu mình”, các doanh nghiệp hầu như không có nhiều lựa chọn ngoài tiếp tục giảm giá, tăng ưu đãi.

Thực tế, thời điểm nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8, hàng loạt liên doanh đã “châm ngòi” cho cuộc đua giảm giá mới. Trong đó có cả những ông lớn như Toyota, Hyundai, THACO. Và dĩ nhiên trong 4 tháng còn lại của năm 2020, cuộc đua giảm giá, xả hàng tồn vẫn tiếp tục là chiến lược được nhiều hãng lựa chọn.

Link gốc

Bài viết mới