Thứ Ba, 17/09/2024, 18:48

Siêu thị, trung tâm thương mại tràn ngập hàng giả: Nguyên nhân do đâu?

Xem thêm

Hiện nay, hàng giả hàng nhái không chỉ xuất hiện trên các sạp hàng trong chợ hay trên các sàn thương mại điện tử mà chúng còn trà trộn cả vào siêu thị hay những trung tâm thương mại lớn, được bày bán công khai. Thực trạng này khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng.

Không chỉ tràn ngập tại các chợ lớn, nhỏ, hàng nhái, hàng giả còn “len lỏi” trà trộn vào nhiều trung tâm thương mại. Thay vì lén lút, âm thầm chuyền tay bán cho du khách thì nay, các mặt hàng này được người bán thừa nhận hàng nhái và không ngại ngần nói thẳng “hàng fake (hàng nhái) ở đây đẳng cấp hơn hàng chợ”.

Mới đây, tại Trung tâm Thương mại – Dịch vụ An Đông (Quận 5, TP.HCM), lực lượng chức năng đã kiểm tra các sạp hàng và thu giữ hàng nghìn sản phẩm hàng hiệu nhái các thương hiệu Chanel, Gucci, Dior, Hermes, Louis Vuitton, Burberry…

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 trực thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các sạp B30 – B40; A1.12 – A1.13; H21-H23-H25; D24-D26-D28-D30 và K1.10-K1.11-K1.12-K1.13-K.14 tại Trung tâm Thương mại – Dịch vụ An Đông, địa chỉ số 34-36 đường An Dương Vương, phường 9, quận 5, TP Hồ Chí Minh.

an dong

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện tại các địa điểm nêu trên đang trưng bày để bán 713 đơn vị sản phẩm là giày, dép, quần, áo và đầm các loại có tổng trị giá theo giá niêm yết 83.875.000 đồng.

Toàn bộ các sản phẩm không có hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có nhãn hàng hóa theo quy định, có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Chanel, Gucci, Dior, Hermes, Louis Vuitton, Burberry.

Trước đó, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP.HCM cũng đã “tổng tấn công” 2 chợ “nhà giàu” là Saigon Square và chợ Bến Thành, phát hiện và thu giữ số lượng lớn quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách… với đủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hầu hết các sản phẩm đều nghi là hàng hóa nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Được biết, Trung tâm Thương mại Saigon Square, cùng với chợ Bến Thành được mệnh danh là “thiên đường mua sắm”, biểu tượng, thủ phủ “bất khả chiến bại” của vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc suốt một thời gian dài vừa qua. 

hang gia hang nhai2

Song với quyết tâm không khoan nhượng trước tiêu cực, giữ vững ổn định của thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường đã quyết tâm “triệt phá” bằng được “thành trì” hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm Thương mại Saigon Square. 

Vào hồi tháng 9/2022, dư luận cũng vô cùng bức xúc khi báo chí phản ánh tại cơ sở sơ chế rau của Công ty TNHH MTV Viager, từ khoảng 23h đến 3h sáng mỗi ngày, nhiều xe máy chở các loại rau ăn lá – trái – củ tới giao cho công nhân nhận và tiếp tục sơ chế, đóng gói, sau đó dán tem nhãn “Rau củ quả Đà Lạt”, kèm thông tin Công ty TNHH nông sản Trình Nhi. Đặc biệt trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP.

Đáng nói là, loại rau “giả mạo” này lại được đưa vào bán trong các siêu thị. Người tiêu dùng vốn tin tưởng nông sản có chứng nhận VietGAP là rất an toàn, do đó, họ bức xúc khi rau, củ có xuất xứ không rõ ràng lại được “hô biến” trở thành nông sản sạch.

Có thể thấy, hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn kìm hãm sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng vẫn có tâm lý ham rẻ, sính ngoại, biết hàng giả mà vẫn mua đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hàng nhái tiếp tục có đất sống.

Tổng cục QLTT cho rằng, cuộc chiến phòng chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều hạn chế, bất cập. Các đối tượng vi phạm trong nước móc nối với các đối tượng ở nước ngoài để làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đưa vào Việt Nam. Mặt khác, nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền xử lý nhưng việc phân công chưa hợp lý dẫn đến chức năng nhiệm vụ chồng chéo.

Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Minh Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới