Thứ Hai, 16/09/2024, 15:46

‘Shark Bình’ rót hơn 150 tỷ vào startup dịch vụ hậu cần Boxme

Xem thêm

Ngày 12/8, Tập đoàn NextTech và Công ty Ngân Lượng đã công bố khoản đầu tư hơn 150 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần dịch vụ hậu cần Boxme Việt Nam.

'Shark Bình' rót hơn 150 tỷ vào startup dịch vụ hậu cần Boxme

‘Shark Bình’ rót hơn 150 tỷ vào startup dịch vụ hậu cần Boxme.

Theo giới thiệu, Boxme hiện có 3 trung tâm hậu cần lớn tại Việt Nam với quy mô hơn 12.000 m2, tốc độ xử lý lên đến hơn 50.000 đơn hàng một ngày.

Trong 2 năm cao điểm của đại dịch, doanh thu của Boxme không những không bị giảm sút theo tình hình suy thoái kinh tế chung, mà trái lại còn có chiều hướng đi lên. Trong nửa đầu năm 2022, Boxme đã đạt sản lượng xử lý đơn hàng bằng cả năm 2021 và dự kiến mức tăng trưởng gấp hơn 2 lần so với năm trước.

Tổng giám đốc Boxme – Hán Văn Lợi cho biết Covid-19 là thách thức, nhưng cũng là cơ hội của các doanh nghiệp thương mại điện tử nói chung và dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử Việt Nam nói riêng.

Với nguồn vốn đầu tư này, lãnh đạo Boxme cho biết sẽ hướng tới tăng quy mô các trung tâm hậu cần lên đến 30.000 m2 tại Việt Nam, với khả năng xử lý 150.000 đơn hàng một ngày.

Theo Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình, thương mại điện tử bùng nổ kéo theo dịch vụ hậu cần thương mại điện tử (hoàn tất đơn hàng, giao hàng) phát triển với yêu cầu chất lượng cao. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư với quy trình bài bản và tự động hoá cao để tối ưu chi phí cũng như đảm bảo năng lực vận hành ổn định.

“Nhận thấy Boxme đã sẵn sàng cho việc mở rộng quy mô hoạt động, NextTech và Ngân Lượng tiến hành rót thêm vốn nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng các trung tâm hậu cần tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp thương mại điện tử tại thị trường trong nước”, ông Bình nói về lý do rót tiền vào startup này.

Với việc đầu tư vào Boxme, lãnh đạo NextTech và Ngân Lượng kỳ vọng startup này sẽ trở thành doanh nghiệp công nghệ logistics hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, mang đến những trải nghiệm dịch vụ kho vận hậu cần chuyên nghiệp cho khách hàng, thuận lợi hóa, đơn giản hóa việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong khu vực và quốc tế.

Trước đó, theo báo cáo ghi nhận bởi Google, năm 2020, có hơn 40 triệu người dân Đông Nam Á lần đầu kết nối với internet, tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Trong đó, nhóm người dùng lần đầu mua hàng online chiếm đến hơn 30% tổng người dùng thương mại điện tử của năm.

Ngành thương mại điện tử khu vực này trong năm 2020 ghi nhận doanh số bán hàng chạm mức 62 tỷ USD, tăng 63% so với 38 tỷ USD của năm 2019. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 23% mỗi năm và sẽ chạm mức 172 tỷ USD vào năm 2025.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng thương mại điện tử nhanh chóng. Với những ảnh hưởng từ đại dịch, chỉ trong 2 năm, Việt Nam đã trở thành một trong những nước tiềm năng phát triển thương mại điện tử và logistics mạnh mẽ nhất khu vực.

Theo vietnamfinance.vn – Ngọc Lưu

Bài viết mới