Thứ Năm, 19/09/2024, 11:56

Sách “Nghề vương bụi phấn” – Thay lời tri ân thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Xem thêm

Trong rừng tác phẩm viết về kỷ niệm với thầy cô, “Nghề vương bụi phấn” vẫn tạo nên ấn tượng riêng bởi sự mộc mạc, sáng trong của tình thầy trò thiêng liêng và ghi dấu truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt.

Bìa cuốn sách "Nghề vương bụi phấn"Bìa cuốn sách “Nghề vương bụi phấn”.

“Nghề vương bụi phấn” (NXB Văn học, 2020) là tác phẩm thứ ba của CEO Nguyễn Huy Du, sau: Tỏa sáng từ những khát vọng cháy bỏng (NXB Lao động, 2017), Nước cờ hòa (NXB Kim Đồng, 2020).

Cuốn sách thuộc thể loại văn xuôi, gồm 12 câu chuyện về tình cảm thầy – trò được diễn tả bằng văn phong mộc mạc, giản dị và lôi cuốn.

Có lẽ, bởi vậy mà cuốn sách nhận được nhiều đồng cảm, xúc động từ người đọc ngay khi vừa ra mắt, đúng dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trong 12 câu chuyện của cuốn sách, bạn đọc chắc hẳn sẽ gặp lại chính mình với ký ức thẳm sâu, nồng ấm. Ở đó, mỗi người sẽ cảm nhận rõ bước chuyển mình của thiên nhiên, bốn mùa đi qua trong mưa nắng sân trường, buồn vui lắng đọng.

Cũng từ cuốn sách này, ta sẽ gặp mái trường tuổi thơ từ những ngày gian khó, gặp từng lớp học vùng sâu, miền xa nơi biên cương, hải đảo. Hình tượng các thầy cô giáo trong tác phẩm vừa thân quen, gần gụi, vừa biểu trưng cho vẻ đẹp của từng thời đại.

 
Tác giả Nguyễn Huy Du (sinh năm 1983) là một CEO công nghệ, nhà sáng chế Đèn học thông minh The Smart LIGHT, người sáng lập và điều hành MXH dayhoc.net.vn.

Anh đoạt giải thưởng “Công trình, sáng kiến tiêu biểu Tri thức trẻ vì Giáo dục” và huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2018 ; nhiều lần nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công Thương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… cho những sáng tạo về công nghệ có tính ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống.

Đó là lĩnh vực công nghệ, còn với văn chương, dù khiêm tốn nhận mình là người ngoại đạo nhưng từ tác phẩm dành cho thiếu nhi có tên “Nước cờ hòa” với lối hành văn thông minh, dí dỏm tới “Nghề vương bụi phấn” tinh tế, lắng sâu phần nào cho thấy nội lực và cảm xúc trong anh luôn được bồi đắp mỗi ngày.

Còn đó những người thầy đi qua cuộc chiến tranh, những cô giáo sớm hôm vất vả vì bươn chải với nghề, với đời, và cũng lại có các thầy cô giáo trẻ trung, năng động mà vẫn đa cảm, lắng sâu ở chính thời đại công nghệ số này.

Như vậy, đồng nghĩa với câu chuyện, “Nghề vương bụi phấn” trở thành ấn phẩm văn học phù hợp với nhiều độ tuổi, thế hệ, ngành nghề ở khắp mọi miền đất nước.

“Nghề vương bụi phấn” có dung lượng khá nhẹ nhõm, như một cuốn tản văn, một cuốn sổ tay, lưu bút, đủ để trở nên người bạn kề cận, thân thuộc bên mỗi người. Sự tinh tế và chân thành còn thể hiện ở câu chuyện thứ mười ba, phần còn bỏ ngỏ cuối sách, chờ bạn đọc kể tiếp.

Tác giả chia sẻ, trong văn hóa đọc, đáng quý nhất chính ở niềm đồng cảm, chia sẻ cùng nhau. Mười hai câu chuyện có nhịp chuyển tiếp của 12 tháng trong năm. Người đọc sẽ cảm nhận rõ âm hưởng cuộc sống, thời đại, vẻ đẹp thiên nhiên, con người và nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, thăng hoa rồi âm thầm lan tỏa.

Gấp sách lại, từng trang mỏng nhẹ, vàng ngà như một tờ lịch mênh mang ngày tháng, chắc hẳn mỗi bạn đọc sẽ giữ lại được cảm xúc đẹp đẽ nhất.

Và có thể lắm chứ, bạn sẽ lên đường, trở về thăm quê hương, thầy cô hay đến những điểm trường xa xôi của Tổ quốc nơi thầy cô và học sinh đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để vươn tới giá trị cao đẹp của tri thức.

 
“Nghề vương bụi phấn” được hình thành trong những ngày tháng toàn xã hội phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19 và bao thiên tai bất ngờ xảy đến trên dải đất miền Trung.

Cùng với hoạt động xuất bản, ra mắt sách, tác giả dành toàn bộ nguồn tiền thu về từ cuốn sách hỗ trợ cho hoạt động “tủ sách thiện nguyện Lá bồ đề” trong chương trình “Đưa chữ lên non trong kỷ nguyên số 4.0” được triển khai từ năm 2019 và hệ sinh thái giáo dục 4.0 TOTA đang thực hiện đã có những hoạt động thiết thực nhằm chung tay với cộng đồng để chia sẻ với những trẻ em hiếu học vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là mang đến cho đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh niềm đồng cảm, sẻ chia và một cảm xúc thật nồng nàn, tin cậy!

Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Cẩm Nhung

Link gốc

 

 

 

 

 

Bài viết mới