Thứ Sáu, 10/05/2024, 21:07

Sách cho Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Xem thêm

Năm nay, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 diễn ra trong bối cảnh TP HCM thực hiện giãn cách xã hội nhằm đảo bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tòa soạn đã thông báo không tiếp khách và nhận hoa chúc mừng, mong muốn tập trung mọi nguồn lực cho công tác chống dịch. Tuy nhiên, ngành xuất bản vẫn có những món quà đặc sắc dành cho độc giả yêu thích lĩnh vực báo chí truyền thông.

Sách về nghề báo

Dịp này, NXB Trẻ giới thiệu 2 tác phẩm về nghề báo và truyền thông hiện đại là “Tin tức kiến tạo” và “Cẩm nang Báo chí Trực tuyến – Kỹ năng sinh tồn và lớn mạnh trong kỷ nguyên số” – được đánh giá là 2 tài liệu quý dành cho những người làm trong ngành báo chí, truyền thông, đặc biệt là các sinh viên đang theo học các ngành này.

Trong đó, “Tin tức kiến tạo” (Constructive News) của nhà báo danh tiếng người Đan Mạch Ulrik Haagerup (từng là Giám đốc điều hành tin tức tại Tập đoàn phát thanh – truyền hình quốc gia Đan Mạch) phân tích những ưu – khuyết của cách thức làm truyền thông trong thời đại mới.

Trong xã hội hiện đại, tin tức được quan tâm dường như đang tập trung nhiều vào những câu chuyện tiêu cực, những xung đột kịch tính, ai là nạn nhân, ai là kẻ ác… Truyền thông dễ dàng tràn ngập “tin xấu” và sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tuý dần dà tạo nên mối hoài nghi ngày càng lớn trong dư luận.

Cuốn sách cho thấy và lý giải những hậu quả của tiêu cực trên đối với công chúng, báo chí truyền thông và nền dân chủ. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp cải thiện tình hình theo hướng tích cực bằng cách thiết lập lại một nền truyền thông trung thực, đa chiều, được xây dựng trên căn bản là “tin tức xây dựng”, hay “tin tức kiến tạo”, có khả năng truyền cảm hứng tích cực và mang lại nhiều lợi ích toàn cầu hơn.

“Cẩm nang Báo chí Trực tuyến – Kỹ năng sinh tồn và lớn mạnh trong kỷ nguyên số” (The Online Journalism Handbook: Skills to Survive and Thrive in the Digital Age) của tác giả Paul Bradshaw (giáo sư đào tạo về báo chí dữ liệu, báo chí di động và đa nền tảng tại Đại học Birmingham, Anh quốc) được biết đến trên toàn cầu như một “cẩm nang” quan trọng cho thế giới biến đổi không ngừng của nền báo chí kỹ thuật số đương đại khi chỉ ra nhiều khả năng nghiên cứu, viết và kể chuyện mà các nhà báo có thể nhận được thông qua các công nghệ mới.

NXB Tổng hợp TPHCM cũng kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam với ấn phẩm “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí” của tác giả Dương Út. Quyển sách gồm 5 phần: “Cơ sở lý luận về ngôn ngữ báo chí”, “Sử dụng ngôn ngữ báo chí”, “Dạng thức của văn bản báo chí”, “Lỗi thường gặp trên báo chí” và “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí”.

Từ kết quả khảo sát nhiều tờ báo khác nhau cũng như kế thừa các công trình đã nghiên cứu trước, những quyển sách đã ra mắt như “Nhặt từng con chữ”, “Miền Tây dung dị”, nhà báo Dương Út đã phân tích và chỉ ra những vấn đề sử dụng ngôn ngữ trên báo chí nhằm giúp người làm báo chuẩn hóa việc sử dụng ngôn ngữ báo chí để nâng cao chất lượng truyền thông, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin đòi hòi ngày càng cao của độc giả.

Cùng với đó, NXB Tổng hợp TPHCM cũng giới thiệu bộ sách 2 tập “Nguyễn Hiến Lê – Tác phẩm đăng báo” do tác giả Nguyễn Tuấn Bình công phu sưu tập hầu như tất cả những bài báo của tác giả Nguyễn Hiến Lê rồi sắp xếp, hệ thống lại theo từng chủ đề để giới thiệu đến bạn đọc.

Công trình gồm 2 cuốn với chủ đề “Theo dòng thời cuộc” và “Bên lề con chữ” với các nội dung được sắp xếp thành các mục như: Nghề cầm bút, Chuyện ngữ văn, Tin điểm sách, Dòng tùy bút, Tình bạn văn. Hai tập sách giúp người đọc biết thêm về Nguyễn Hiến Lê, ngoài là một học giả có nhiều thành tích học thuật xuất sắc, còn là một ngòi bút chính luận trăn trở cùng thời cuộc qua rất nhiều tác phẩm báo chí.

Nhà báo viết sách

Trong làng báo không thiếu những cây bút văn chương chuyên nghiệp và những nhà báo kiêm nhà văn này thường chọn dịp 21/6 để ra mắt tác phẩm văn chương của mình. Năm nay, 2 cây bút quen thuộc của làng báo – làng văn TP là Hồ Huy Sơn và Bùi Tiểu Quyên đều ra mắt tác phẩm mới.

Lần đầu tiên, tác giả Bùi Tiểu Quyên thử sức ở thể loại sách thiếu nhi khi ra mắt truyện dài “Cà Nóng chu du Trường Sa” – quyển sách dựa trên chất liệu thực tế từ chuyến thăm Trường Sa, được đặt chân lên nhiều điểm đảo Tổ quốc của tác giả những năm trước. Những khung cảnh kỳ vĩ của trời biển, những đảo chìm đảo nổi, những nhà giàn do bàn tay khối óc con người xây dựng nên, những cuộc gặp gỡ khó tin với các nhân vật trên từng điểm đến… được nhà báo Tiểu Quyên chia sẻ lại một cách chân thực và sáng tạo dưới góc nhìn của những chiếc máy ảnh.

“Tôi muốn kể với những người bạn nhỏ của tôi về Trường Sa, về biển đảo của Tổ quốc mình, thông qua hành trình của một chiếc máy ảnh. Kể theo cách của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đồng bằng từng có những giấc mơ về biển. Kể theo cách của một người trưởng thành đã biết hiểu và yêu đất nước mình hơn những giấc mơ xưa. Mong rằng, tác phẩm sẽ giúp bạn nhỏ thêm ít nhiều hiểu biết về quần đảo Trường Sa, những kiến thức về biển, về tự nhiên, muôn loài. Từ đó định vị được những giấc mộng trong thế giới kì diệu của tuổi mình…”, nhà báo Tiểu Quyên cho biết.

Nhà báo – nhà văn Hồ Huy Sơn, đã quen thuộc với độc giả qua những tác phẩm “Cơm nhà, cơm người”, “Rồi lẻ loi như gió”, “Những đóa hoa lạ nhà”, “Một cảnh không có trên phim”… – tiếp tục trình làng tập truyện ngắn “Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố” gồm 13 truyện ngắn là những cát cắt khác nhau về cuộc sống bộn bề của những người trẻ.

Như những tác phẩm trước, Hồ Huy Sơn vẫn kiên trì kể câu chuyện của những người trẻ xa quê, những mảnh đời nhỏ bé, lẻ loi nhưng đầy khát vọng, luôn muốn sống tốt cuộc đời của mình mà mỗi bạn đọc có thể bắt gặp mình đâu đó trong các nhân vật để rồi cùng đồng cảm và cùng phấn đấu như chính tác giả vậy!

Theo thanhuytphcm.vn – Ngọc Tuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới