Cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam – QVIC hỗ trợ tài chính cho startup và trang bị những kỹ năng để khởi nghiệp thành công.
Trưởng thành hơn sau QVIC
Rostek thành lập vào năm 2020 với khát vọng mang lại giá trị cho lĩnh vực sản xuất bằng phương tiện tự hành dẫn đường tự động (AGV), hệ thống quản lý phương tiện giúp vận chuyển hàng hóa trong nhà kho và trên sàn nhà máy. Trước khi đến với QVIC, sản phẩm của Rostek còn đơn giản, chưa tối ưu, xem tự hành chỉ đi được theo vạch từ kẻ sẵn. Sau một năm tham gia QVIC, sản phẩm của Rostek có thể tự định vị đường di chuyển và có ứng xử phù hợp khi gặp vật cản trên đường.
Sản phẩm robot tự hành của ROSTEK đã hoàn thiện hơn trên nền tảng và tư vấn kỹ thuật của Qualcomm qua QVIC. Ảnh: Qualcomm.
“Không chỉ sản phẩm, Rostek đã trưởng thành hơn về mọi mặt sau một năm tham gia QVIC dù đó hành trình không dễ dàng”, Hội Nguyễn, founder của Rostek chia sẻ.
Trải qua vòng phỏng vấn và đánh giá kỹ thuật, Rostek lọt vào top 9 cuộc thi và nhận được sự tư vấn từ các kỹ sư Qualcomm để hoàn thiện sản phẩm. Họ được cung cấp các sản phẩm và công nghệ mà Qualcomm đã phát triển như 5G, thiết bị đầu cuối phục vụ IoT… Các startup lọt vào top 9 QVIC còn được đào tạo về tư duy kinh doanh từ Tập đoàn kiểm toán E&Y và kiến thức về sở hữu trí tuệ.
Theo Hội Nguyễn, dù có ý thức về bảo hộ bản quyền sản phẩm, startup cũng không có đủ kiến thức và tiềm lực tài chính để hiện thực hóa điều đó. Đây là điểm khác biệt của QVIC so với nhiều cuộc thi khởi nghiệp khác. Startup được đào tạo bài bản về sở hữu trí tuệ, cách viết bản mô tả sáng chế – kiến thức còn xa lạ với startup – và được cấp kinh phí để thực hiện việc này.
Những chia sẻ của đại diện Rostek cho thấy Qualcomm đã và đang thực hiện cam kết “hỗ trợ phát triển hệ sinh thái công nghệ kỹ thuật trong nền kinh tế, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới công nghệ kỹ thuật khu vực”.
Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, công ty luôn tiên phong đầu tư cho các công nghệ của tương lai như 5G, Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo… trước hàng chục năm. Nhờ vậy, Qualcomm có kinh nghiệm cả trong nghiên cứu tại phòng thí nghiệm lẫn sản xuất thực tế, trở thành đơn vị tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đội ngũ cố vấn của QVIC đều là những chuyên gia, kỹ sư, giám đốc kinh doanh của Qualcomm và đối tác trên toàn thế giới. Nhà sáng lập của Rostek cho biết họ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật của các kỹ sư Qualcomm ở bất kỳ thời điểm nào và được sử dụng phòng thí nghiệm của Qualcomm để thực hiện các nghiên cứu cần thiết, đảm bảo sản phẩm đầu ra có chất lượng quốc tế.
QVIC đưa công nghê Việt chinh phục đẳng cấp quốc tế
Trong cuộc cách mạng 4.0, 5G được coi là xương sống, giải quyết bài toán kết nối vạn vật mọi lúc mọi nơi. Công nghệ này được dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất, từ thiết bị di động đến nhà máy thông minh và các phương tiện được kết nối.
Để tận dụng sức mạnh của công nghệ, các công ty khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra ý tưởng đột phá. Phát biểu tại lễ tổng kết của QVIC 2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá: “Trong kỷ nguyên mới của 5G, AI, điện toán đám mây và các ứng dụng ngày càng đa dạng của công nghệ IoT, QVIC đã mang tới cho các công ty khởi nghiệp sự hỗ trợ cần thiết để họ trở thành những thành viên của hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu”.
QVIC sẽ được tổ chức thường niên nhằm góp phần thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đổi mới và có tốc độ phát triển công nghệ nhanh nhất khu vực châu Á. Cuộc thi tìm kiếm và bồi dưỡng những công ty khởi nghiệp sáng tạo, có sản phẩm khai thác tốt sức mạnh của nền tảng 5G, kết nối vạn vật (IoT), máy học (ML), trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông đa phương tiện, thành phố thông minh, thiết bị đeo và các lĩnh vực khác.
Những lĩnh vực này phù hợp với nhu cầu thực tế của Việt Nam hiện tại và tương lai, cũng là thế mạnh của Qualcomm có thể hỗ trợ, tư vấn cho công ty khởi nghiệp.
Sau khi vượt qua các vòng tuyển chọn, startup sẽ được đưa vào giai đoạn ươm mầm do QVIC phát triển cho thị trường Việt Nam. Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Qualcomm cũng hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trực tiếp từ chuyên gia để hoàn thiện sản phẩm, huấn luyện kỹ năng kinh doanh, hướng dẫn đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.
TS. Trần Mỹ An, Phó chủ tịch công nghệ Qualcomm chia sẻ điểm nổi bật của QVIC về sở hữu trí tuệ. Ảnh: Qualcomm.
Tiến sĩ Trần Mỹ An, Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Tập đoàn Qualcomm, từng khẳng định: “Các startup sở hữu 100% bằng sáng chế từ ý tưởng của họ. Qualcomm không sở hữu và cũng không phải là nhà đồng phát minh các ý tưởng này, mặc dù chúng tôi có thể hỗ trợ họ phát triển sản phẩm”.
Là đơn vị hoạt động toàn cầu, Qualcomm hiểu rằng, bản quyền sở hữu trí tuệ sẽ mang lại cho startup sự khác biệt, duy trì lợi thế cạnh tranh trước đối thủ trong cuộc đua sức mạnh công nghệ hiện nay. Với QVIC, Qualcomm tập trung vào điều này để hỗ trợ startup chinh phục khát vọng toàn cầu.
Xem thông tin giới thiệu về QVIC 2022 tại đây.
(Theo Qualcomm Việt Nam)
* Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media.