Phát triển bền vững đang ngày càng được các tổ chức trên toàn cầu xem trọng. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh – với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm “xanh” và kỹ năng “xanh” trên thị trường lao động.
Theo Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (Liên Hợp Quốc), phát triển bền vững (Sustainability) là “phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường”.
Đối với các tổ chức, phát triển bền vững thể hiện ở ba lĩnh vực gồm Môi trường, Xã hội và Quản trị (viết tắt là ESG).
Trong những năm gần đây, các công ty đã và đang nỗ lực nhiều hơn cho các mục tiêu kinh doanh bền vững. Theo Báo cáo Phát triển Bền vững 2023 của Deloitte, có đến 75% doanh nghiệp đã tăng cường mức đầu tư cho phát triển bền vững trong năm 2022.
Đặc biệt, vấn đề biến đổi khí hậu xếp thứ 2 trong số những vấn đề cấp bách nhất mà doanh nghiệp cần tập trung trong năm 2023.
Bên cạnh những tác động đến xã hội và môi trường, phát triển bền vững còn được xem là một công cụ tuyển dụng hữu hiệu đối với doanh nghiệp.
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 70% người lao động cho biết các chương trình phát triển bền vững khiến hình ảnh doanh nghiệp thu hút hơn trong mắt họ khi ứng tuyển.
Và có đến 65% người tham gia khảo sát có xu hướng ứng tuyển vào những công ty có cam kết cụ thể về các hành động phát triển bền vững.
Chính vì vậy, việc doanh nghiệp thay đổi cách truyền thông về phát triển bền vững đối với nhân viên nội bộ cũng như ứng viên có thể làm tăng mức độ thu hút và gắn kết người lao động.
Cơ hội việc làm “xanh” cũng nở rộ khi các quốc gia hướng đến tăng trưởng xanh. Theo nghiên cứu của LinkedIn về kỹ năng xanh (green skills), các công việc tại Mỹ, Anh và Úc trung bình sử dụng các kỹ năng “xanh” nhiều gấp 2-3 lần một việc làm trung bình trên toàn cầu.
Ngay tại Châu Á – Thái Bình Dương, rất nhiều quốc gia cũng đang tích cực tham gia vào các hoạt động tăng trưởng xanh và tuyển dụng lao động “xanh”.
Tuy nhiên, thị trường lao động hiện tại chưa thể đáp ứng được nhu cầu về nhân tài và kỹ năng “xanh” ngày càng lớn của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
ESG đã được ManpowerGroup đưa vào chiến lược kinh doanh và hoạt động của tập đoàn trên toàn cầu. Kể từ năm 2022, ManpowerGroup Việt Nam đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tìm kiếm nhân tài cho hàng trăm vị trí việc làm “xanh” gồm công việc toàn thời gian và cho thuê lại lao động.
Cho đến nay, nhu cầu việc làm “xanh” cao nhất đến từ các ngành Sản xuất (48%), Năng lượng (34%), Nông nghiệp (11%) và Công nghệ (4%).
Andree Mangels – Tổng Giám đốc, ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ về nhu cầu ngày càng tăng cho các vị trí việc làm xanh trong nước: “Từ kinh nghiệm tuyển dụng và cho thuê lại lao động của ManpowerGroup Vietnam, có thể thấy các doanh nghiệp đang ngày càng xem trọng việc thực hành ‘xanh’ trong các hoạt động của mình, đặc biệt là lĩnh vực thu hút nhân tài.
Chúng tôi đã và đang tích cực hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và tập đoàn nước ngoài nhằm mang đến nhiều cơ hội việc làm xanh cho người lao động Việt Nam”.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác về tăng trưởng xanh với nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan… cũng như các tổ chức, hiệp hội quốc tế.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững.
Anna Vi