TikTok hiện đang phát triển khá mạnh mẽ tuy nhiên trên con đường phát triển, nền tảng này đã không ít lần vướng vào những vụ kiện bản quyền đình đám, làm ảnh hưởng lớn tới danh tiếng.
TikTok bị kiện bản quyền bởi một trung tâm cấp phép âm nhạc
ICE là một trung tâm cấp phép âm nhạc được sở hữu bởi các nhà sản xuất âm nhạc tại Hiệp hội Quyền biểu diễn (PRS) có trụ sở tại Vương quốc Anh, Hiệp hội quyền biểu diễn Thụy Điển (STIM) và Hiệp hội quyền biểu diễn âm nhạc và quyền phái sinh (Gema) có trụ sở tại Đức.
Phát ngôn viên của ICE cho biết: “Nền tảng của TikTok không hề được cấp phép và ICE rất thất vọng vì hiện tại chúng tôi vẫn chưa đạt được một thỏa thuận hợp lý nào cho việc TikTok sử dụng hàng triệu tác phẩm âm nhạc thuộc về các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nhà xuất bản mà chúng tôi đại diện.”
Những vụ TikTok vi phạm bản quyền ảnh hưởng lớn đến danh tiếng.
“Các tổ chức muốn có quyền sử dụng và hưởng lợi từ các sản phẩm âm nhạc cần phải có được giấy phép. Và chúng tôi mong muốn có thể đại diện cho lợi ích của những người làm nghề sáng tạo của chúng tôi và đảm bảo được giá trị của tác phẩm trước quy mô sử dụng rộng rãi của các tiết mục được đăng tải trên ứng dụng.”
TikTok bị VNG kiện vì vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam
VNG, công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, vừa gửi đơn kiện TikTok. VNG cáo buộc nền tảng video ngắn lồng ghép nhạc này không có đầy đủ bản quyền cho các bài hát được sử dụng.
Cụ thể hơn, TikTok đang sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing, dịch vụ âm nhạc trực tuyến của VNG, mà không có sự đồng ý của công ty Việt Nam.
Trong đơn kiện gửi Toà án Nhân dân TP.HCM, VNG (chủ sở hữu các sản phẩm Zing) kiện TikTok sử dụng các bài nhạc mà Zing có hợp đồng bản quyền với các nghệ sĩ. VNG yêu cầu TikTok xin lỗi công khai, đồng thời bồi thường số tiền hơn 221 tỷ đồng.
Đơn kiện ghi ngày 28/5 của VNG cáo buộc trên nền tảng TikTok có các video lồng nhiều bài nhạc do Zing sở hữu bản quyền.
Báo cáo ngày 11/3 của VNG cho thấy có tổng cộng 150 bản ghi Zing được sử dụng trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok.
VNG cho rằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên của TikTok gây thiệt hại cho công ty, ước tính hơn 221 tỷ đồng.
Đơn kiện yêu cầu TikTok công khai xin lỗi trên truyền thông và bồi thường số tiền thiệt hại nêu trên.
Trước đó, cũng theo đơn kiện của VNG, công ty này đã gửi thư khuyến cáo đến TikTok vào tháng 6/2019, tuy nhiên TikTok không gỡ các bài nhạc được VNG khẳng định vi phạm.
Hiện đại diện truyền thông của TikTok chưa có thông tin gì về vụ kiện trên.
Universal Music yêu cầu TikTok thanh toán tiền bản quyền
Trước đó, Universal Music, hãng thu âm lớn nhất thế giới và cũng là thành viên của NMPA, đã tham gia đàm phán với TikTok về việc cấp phép bản quyền âm nhạc, nhưng cuối cùng các bên đã không đạt được thỏa thuận.
Chính vì vậy, Universal Music sau đó đã đề nghị Tiktok phải thanh toán tiền bản quyền âm nhạc cho các tác giả mà ứng dụng này sử dụng trái phép trong các video của mình.
Universal đã cân nhắc hành động pháp lý để lập tức phản ứng nếu TikTok không phản hồi.
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Minh Anh