Từ tháng 4/2021, những chính sách mới về bảo hiểm, y tế, giáo dục sẽ có hiệu lực.
Mẫu thẻ BHYT mới. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Áp dụng mẫu thẻ BHYT mới
Theo Quyết định 1666/QĐ-BHXH ngày 3/12/2020, từ ngày 1/4/2021, bắt đầu áp dụng mẫu thẻ BHYT mới, với nhiều điểm mới như sau:
Bỏ nội dung “địa chỉ” trên phôi thẻ. Phôi thẻ BHYT được áp dụng từ ngày 1/4/2021 sẽ bỏ nội dung về địa chỉ nơi cư trú của người có tên trên thẻ BHYT so với quy định tại Quyết định 1313/QĐ-BHXH ngày 2/12/2014.
Thông tin về địa chỉ (nơi cư trú hoặc nơi làm việc) sẽ được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng thông tin BHXH Việt Nam.
Không còn ghi tên cha (mẹ) trên thẻ BHYT của trẻ dưới 6 tuổi; thẻ được ép plastic sau khi in; phần mã số chỉ in 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia BHYT (mẫu hiện hành mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 4 ô); thay đổi một số nội dung trên mặt sau của thẻ BHYT.
Bổ sung một số thông tin vào mặt sau của thẻ như: Sử dụng mã số BHXH và đăng ký giao dịch tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn để tiếp tục tham gia BHYT, cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, kiểm tra chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT được hưởng; Để biết thông tin thẻ BHYT, truy cập địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn hoặc nhắn tin theo cú pháp: BH THE (mã số BHXH) gửi 8079.
Thẻ BHYT đã được cấp trước ngày 1/4/2021, không hư hỏng, còn giá trị sử dụng vẫn có giá trị sử dụng, tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Sửa Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT (sau đây gọi là Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 27/4/2021.
Theo đó, sửa đổi một số nội dung về điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 như sau:
Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình giáo dục thường xuyên thì không yêu cầu xếp loại.
Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Quy chế phải có bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5 điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/4/2021.
Chính sách với giáo viên trường phổ thông năng khiếu TDTT
Thông tư 07/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao (TDTT), trong đó, quy định chính sách đối với viên chức quản lý, giáo viên như sau:
Viên chức quản lý, giáo viên trường phổ thông năng khiếu TDTT được hưởng các chế độ, chính sách như viên chức quản lý, giáo viên các trường phổ thông cùng cấp học, ngoài ra còn được hưởng các chế độ ưu đãi đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.
Giáo viên trực tiếp dạy, huấn luyện môn năng khiếu TDTT trong trường phổ thông năng khiếu TDTT được hưởng các chế độ ưu đãi khác theo quy định.
Về tổ chức trường phổ thông năng khiếu TDTT, đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên dạy môn năng khiếu TDTT đạt chuẩn về trình độ chuyên môn huấn luyện các môn thể thao theo quy định của ngành TDTT, có trình độ từ đại học TDTT trở lên và có chứng chỉ huấn luyện viên TDTT được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.
Thông tư 07/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 27/4/2021.
Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị xâm hại tình dục
Tại Quyết định 5609/QĐ-BYT ngày 31/12/2020 ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập (có hiệu lực từ ngày 1/4/2021).
Theo đó, ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp ý đối với: Trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục; Trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.
Các bước khám giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục gồm: Tiếp nhận hồ sơ, phân công giám định: Tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu, hồ sơ, đối tượng giám định; Phân công cán bộ chuyên môn.
Các bước khám giám định: Làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu; Tiếp xúc người được giám định, gia đình, người giám hộ; Khám tổng quát; Khám bộ phận sinh dục; Khám hậu môn, trực tràng; Khám miệng, hầu họng; Khám các bộ phận khác trên cơ thể; Khám chuyên khoa và các xét nghiệm cần thiết; Nghiên cứu vật chứng hoặc thực nghiệm (nếu có); Bàn giao đối tượng giám định; Tổng hợp, đánh giá kết quả.
Hoàn thành trả kết quả giám định; Hoàn thành và ký kết luận giám định; Trả kết quả giám định; Lưu kết quả giám định.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại – PV (T/H)