Thứ Bảy, 14/09/2024, 3:29

Những ‘bông hồng áo trắng’: Quên mình vì trách nhiệm người thầy thuốc

Xem thêm

“Nhiều người trân trọng gọi chúng tôi – nhân viên y tế chống COVID – là anh hùng áo trắng, nhưng là phụ nữ, chúng tôi cũng có nỗi niềm như mọi phụ nữ khác, cũng khóc vì nhớ con, cũng có khi lo sợ bệnh tật mới này. Chúng tôi làm việc vì trách nhiệm của người thầy thuốc với cộng đồng. Chúng tôi không phải là anh hùng”.

Bác sĩ Phạm Thị Huyền lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Hải Dương. Ảnh: VGP/Nhật Linh.

Bác sĩ Phạm Thị Huyền (sinh năm 1983), Khoa Bệnh nghề nghiệp, đã chia sẻ như vậy khi nói về những ngày chống COVID-19 căng thẳng của chị và các đồng nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương.

Những đêm dài chống dịch

Sau 3 cuộc điện thoại phỏng vấn nhỡ, 10h tối, chị Huyền mới có thời gian trả lời, tiếng chị khản đặc vì mệt. Đây là lần thứ 3 bước vào cuộc chiến cam go với dịch COVID-19 của bác sĩ Phạm Thị Huyền. Lần này chị được tăng cường cho công tác xét nghiệm. Ròng rã gần 2 tháng, chị cùng đồng nghiệp về các huyện lấy mẫu rồi trở về Trung tâm để dán nhãn, gửi mẫu đến khuya mới xong.

Công việc cứ thế bắt đầu từ 6h sáng dậy chuẩn bị đồ, đợi xe đến đón về các huyện để xét nghiệm và được nghỉ sớm nhất cũng phải 9h tối. Không ít lần nhận thông báo lúc 5h sáng, chị lại cấp tập chuẩn bị lên đường. Thế nên những bữa ăn lúc 1h sáng chẳng còn xa lạ với chị. Có lúc đói quá chỉ vội uống hộp sữa, nhai mẩu bánh mì rồi tiếp tục công việc.

“Những ngày đầu, tình hình dịch bệnh vô cùng căng thẳng, chúng tôi làm cả chục nghìn mẫu, ngoài các huyện, thị cao điểm, còn các nơi khác gửi về. Trong một đêm phải dán nhãn mẫu xét nghiệm cho 14-15 đơn vị nên chỉ tranh thủ chợp mắt trên bàn làm việc. Cả tuần lưng đau tưởng không cử động được nhưng biết khối lượng công việc còn nhiều nên ai cũng như chiếc lò xo bật dậy”, chị Huyền kể lại.

So với 2 đợt dịch trước, lần này dịch diễn biến căng thẳng hơn vì biến chủng từ nước Anh có tốc độ lây lan nhan hơn so với chủng cũ. Hải Dương một lần nữa bước vào “trận chiến” lớn khi dịch xảy ra ở các khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp được coi là “ổ dịch” nên buộc phải “khóa chặt” càng sớm càng tốt. Chạy đua với thời gian đồng nghĩa với khối lượng công việc nhiều hơn. Thế nên khái niệm về ngày, tháng dường khiến các y, bác sĩ, nhân viên y tế chẳng quan tâm đến nữa…

Sáng 27 Tết (8/2/2021), ngồi trên xe về Chí Linh lấy mẫu xét nghiệm, chị Huyền giật mình khi thấy đường phố có hoa đào và nhận ra Tết Nguyên đán đã cận kề. Đây cũng là năm đầu tiên chị đón Tết xa nhà. Đêm Giao thừa tại CDC Hải Dương chìm trong bầu không khí im ắng của thành phố. Tất cả đều đã mệt sau ngày dài lấy cả nghìn mẫu xét nghiệm.

“Giao thừa nhìn con khóc qua màn hình điện thoại, tôi muốn khóc theo. Năm nay hai cháu đón Tết cùng bà nội vì cả bố và mẹ đều không có nhà. Biết con buồn nên tôi cố kìm nén để động viên các con hết dịch mẹ sẽ về”, chị Huyền xúc động kể lại.

Với nhân viên CDC Hải Dương, việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh chóng giúp đẩy nhanh công tác truy vết, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ảnh: VGP/Nhật Linh.

“Chúng tôi không phải là anh hùng”

Chồng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), 2 con nhỏ chị Huyền gửi bà nội trông giúp. Gác lại nỗi nhớ gia đình, với chị Huyền, nhiệm vụ cùng đơn vị chống COVID-19 nay là số một.

Chị biết rằng trong thời gian cam go này, sự nỗ lực của mỗi cá nhân đều quan trọng. Nên có đồng nghiệp phải về đưa người nhà đi cấp cứu, chị sẵn sàng trực thay để có đủ người.

Những ngày cuối tháng 2, khi các “ổ dịch” Cẩm Giàng, Chí Linh, TP. Hải Dương… tạm lắng thì công việc đã căng thẳng nhưng vẫn rất khẩn trương vì tình hình dịch phức tạp ở Kim Thành. Đặc biệt khi Hải Dương triển khai xét nghiệm diện rộng, số lượng mẫu xét nghiệm lên tới vài chục nghìn mẫu trong một ngày.

Công việc cứ thế đến 10h đêm và dù rất nhớ con nhưng chị không gặp được vì trời đã muộn. Buổi sáng đi lấy mẫu từ 6h, chị cũng chẳng thể gọi điện cho con vì trời mùa rét, giờ đó vẫn còn tối và sớm. Thời gian trôi đi và dù nhớ con, số cuộc gọi về của chị cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Với con, những ngày mẹ vắng nhà, bố ở xa, chị Huyền nhờ em gái hướng dẫn các cháu học online. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị gọi điện về nhắc nhở, động viên các con.

Chia sẻ về công việc, chị Huyền xúc động: “Mọi người gọi chúng tôi là người hùng áo trắng. Nhưng chúng tôi không phải là anh hùng mà coi đó là công việc thường ngày, là trách nhiệm với cộng đồng.

Mỗi một phút chậm trễ có thể khiến việc truy vết, phong tỏa khó khăn. Nhưng dẫu cố gắng 200% sức lực, chúng tôi cũng có những lúc mệt mỏi, có lo ngại sợ lây nhiễm bệnh cho gia đình cùng nỗi nhớ con đến cháy lòng”…

Khi được hỏi Ngày 8/3 năm nay chị mong gì, chị cười rồi bảo “định nghĩa” về Tết, về Ngày Thầy thuốc 27/2 chị còn chẳng thật quan tâm mấy nữa. Với chị, lúc này số lượng ca nhiễm mới giảm chính là mọi người nhắc tới đầu tiên.

Sau bữa cơm tối muộn gần 9h đêm, chị  Huyền lại lấy vật tư và đồ bảo hộ cùng đoàn đi lấy mẫu tại ổ dịch xã Kim Liên, huyện Kim Thành.

Với những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu, lại một đêm trắng “chiến đấu” với dịch bệnh, lại qua 1 ngày trách nhiệm với cộng đồng…

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Nhật Linh

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới