Chủ Nhật, 15/09/2024, 23:37

Nhà đầu tư tìm cách ‘thoát hàng’, giá căn hộ sụt giảm

Xem thêm

Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, trong quý 4/2022, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng do căn hộ hạng sang, song giá bán đã giảm dần ở các phân khúc thấp hơn.

Giá tăng, thanh khoản giảm

Trong báo cáo mới đây, Cushman & Wakefield cho biết, 3 tháng cuối năm, thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận giá bán sơ cấp đạt mức trung bình 3.400 USD một m2, tăng 21% so với quý trước.

Sự gia tăng này chủ yếu nhờ các đợt mở bán mới từ các dự án siêu sang, hạng sang và cao cấp như The Opusk Residence Thủ Thiêm (Metropole Thủ Thiêm giai đoạn 4), De La Sol và Zeit River Thủ Thiêm,…

Trong quý, thị trường chỉ ghi nhận gần 1.100 căn hộ được mở bán mới, giảm đến 74% so với lượng mở bán mới quý trước và chỉ chiếm 6,5% tổng nguồn cung cả năm 2022.

Trong năm 2022, thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận tổng cộng 17.028 căn chào bán, tăng 87% so với năm 2021. Trong quý 4/2022, doanh số bán mới đạt 983 căn, giảm 76% so với quý trước.

Trong báo cáo về thị trường bất động sản quý 4, Colliers Việt Nam cũng cùng chung nhận định, thị trường căn hộ chung cư ghi nhận giá bán giảm, thanh khoản kém và nguồn cung mới hạn chế.

Thị trường sơ cấp và thứ cấp chứng kiến hai diễn biến giá khác nhau trong quý 4/2022, phản ánh tâm lý thị trường từ phía người bán và người mua.

Nhà đầu tư tìm cách thoát hàng, giá căn hộ sụt giảm

Thị trường căn hộ chung cư ghi nhận giá bán giảm, thanh khoản kém và nguồn cung mới hạn chế.

Tại TP.HCM, giá bán sơ cấp căn hộ hạng sang tiếp tục neo ở mức cao và giảm dần ở các phân khúc thấp hơn. Giá bán căn hộ thứ cấp sụt giảm, cho thấy nhiều nhà đầu tư tìm cách “thoát hàng” khi lãi vay tăng cao.

Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, dữ liệu của đơn vị này ghi nhận giá bán giảm ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số dự án dự kiến mở bán trong quý 4/2022 đã bị hoãn lại, cho thấy tâm lý chờ đợi của chủ đầu tư. Dù giá giảm nhưng ở cả hai thị trường, mức độ quan tâm không mấy tích cực vì người mua vẫn kỳ vọng mức giá tốt hơn.

Với phân khúc biệt thự, nhà phố, tình hình cũng không mấy sáng sủa khi thị trường tiếp tục ghi nhận mức giá cao kỷ lục từ các dự án hàng hiệu. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của phân khúc này chậm lại từ 10% – 15% hàng quý còn khoảng 5% trong quý 4/2022.

Nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó với tỷ lệ hấp thụ 70% – 90%. Tại thị trường Hà Nội yên ắng vì sức mua giảm, mặc dù giá bán đã giảm nhẹ so với quý trước.

Nhà đầu tư dè chừng

Trên thực tế, có không ít nhà đầu tư phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính đã buộc phải bán bớt bất động sản trước áp lực lãi vay tăng.

Chị Diệu Hiền một môi giới bất động sản tại thành phố Thủ Đức cho biết, tại một số dự án căn hộ, nhà đầu tư bán lại căn hộ giá gốc, tức chịu lỗ 8-9% chi phí lãi vay nhưng giao dịch cũng trầm lắng. Với những sản phẩm có giá trị cao hơn, nhà đầu tư đuối vốn đã phải cắt lỗ đến 15% nhưng vẫn khó bán.

Lý giải việc thanh khoản căn hộ sụt giảm, Cushman & Wakefield cho rằng, việc Chính phủ rà soát phát hành trái phiếu cùng chính sách kiểm soát tín dụng thắt chặt đã phần nào tạo nên tâm lý dè chừng của người mua và chủ đầu tư.

Việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và vướng mắc pháp lý đã tạo áp lực lên thị trường. Do đó, cả người mua và nhà đầu tư đều có xu hướng chờ xem chính sách mới của năm 2023 trước khi đưa quyết định.

Ông Tín Nguyễn, Trưởng phòng nghiên cứu thị trường của Colliers Việt Nam cho biết, phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục đối diện với khó khăn về pháp lý, thanh khoản, nguồn vốn và dự kiến sẽ kéo dài đến ít nhất quý 3/2023.

“Các động thái mới nhất của Chính phủ, từ Ngân hàng Nhà nước đến tổ công tác các Bộ ngành, cho thấy quyết tâm phục hồi thị trường theo hướng bền vững.

Việc hoãn triển khai các đợt mở bán mới làm thu hẹp nguồn cung, góp phần thúc đẩy giao dịch. Tương tự thị trường BĐS toàn cầu, dự báo cả hai loại hình này sẽ trải qua một đợt điều chỉnh giá mới trong thời gian tới”, ông Tín dự báo. 

Theo cafeland.vn – Thanh Thịnh

 

 

Bài viết mới