Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4), sáng 19/4, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội), sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 với chủ đề “Sách cho tôi, cho bạn” đã chính thức khai mạc.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 – Ảnh: VGP/Diệu Anh.
Dự khai mạc có: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng và đại diện một số bộ, ngành cùng nhiều bạn đọc yêu sách.
Phát biểu khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2023, Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng cho biết, đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hằng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” và tại Việt Nam, ngày 21/4 hằng năm đã được Quốc hội khóa XIV thông qua là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”.
Đây là những quyết định quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; tạo dựng môi trường thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Độc giả tìm hiểu các cuốn sách tại Thư viện Quốc gia Việt Nam – Ảnh: VGP/Diệu Anh.
“Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc đọc không chỉ giới hạn trong các tài liệu in truyền thống mà còn mở rộng trên các phương tiện nghe, nhìn, nền tảng số.
Dù vậy việc phát triển văn hóa đọc thông qua bất kỳ hình thức nào đều hướng đến mục tiêu lan tỏa hiệu ứng tích cực, khuyến khích phong trào đọc sách, xây dựng một xã hội học tập, góp phần phát triển văn hóa con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho đất nước”, Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng nhấn mạnh.
Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho bạn đọc nhiều lứa tuổi.
Trong đó, Triển lãm sách “Khát vọng vươn tới những tầm cao”, giới thiệu 1.000 cuốn sách theo 4 nội dung: Đề cương về Văn hóa Việt Nam và các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam; các chặng đường văn hóa Việt Nam; Giải thưởng Sách quốc gia và những đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc; Sách và văn hóa đọc – Nhận thức, đổi mới, sáng tạo.
Ảnh: VGP/Diệu Anh.
Thông qua các tư liệu, Triển lãm góp phần sinh động khẳng định vai trò, ý nghĩa, giá trị lịch sử và hiện thực của Đề cương về Văn hóa Việt Nam; sứ mệnh của sách trong việc lưu giữ sự tiến bộ, văn hóa, văn minh và chặng đường lịch sử phát triển của con người, đồng thời là nguồn cung cấp và truyền bá tri thức.
Đọc sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận và tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, tạo tiền đề cho sự phát triển và khát vọng vươn tới những tầm cao của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, có các chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm năm 2023, giới thiệu đến bạn đọc các tác phẩm mới, bao gồm cuốn: “Người Thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (NXB Quân đội nhân dân); “Cảm ơn Người, sông Mekong” của tác giả, nhà thơ Lê Tuấn Lộc (NXB Hội Nhà văn); “Những miền lưu dấu – Cảnh Việt trong văn chương” của nhiều tác giả (NXB Kim Đồng)…
Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm kết nối giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc, từ đó lan tỏa tình yêu với sách, hướng tới một nền văn hóa đọc ngày càng phát triển.
Ngày Sách và Văn hóa đọc còn có các hoạt động: Đọc sách sáng tạo, huấn luyện trí tuệ siêu đọc sách, thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Anh, khám phá thư viện số, thi vẽ tranh theo sách, trưng bày các tác phẩm đạt giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và cuộc thi vẽ tranh theo sách, các gian hàng sách với sự tham gia của một số nhà xuất bản, nhà sách…
Cũng trong khuôn khổ của chương trình năm nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam vẫn tiếp tục là địa chỉ tin cậy để các thư viện vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn tiếp cận và được chia sẻ nguồn sách tài trợ, thiết bị của các tổ chức, cá nhân.
Với thông điệp “Càng đọc nhiều, càng biết nhiều”, “Càng học nhiều, càng đi nhiều”, “Hãy cầm sách lên và đọc, cả thế giới sẽ mở ra trước mắt bạn”, Thư viện Quốc gia Việt Nam mong muốn sẽ là nơi lưu truyền tri thức, đồng thời luôn là điểm hẹn cho tất cả những ai yêu quý sách.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Diệu Anh