Từ ngày 21/4 – 25/5 là những ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam chợt nghĩ nhiều hơn về sách và sáng tạo không gian văn hóa đọc.
Trong nhiều buổi giao lưu nói chuyện về sách tại TP Huế và bên ngoài cuộc giao lưu, chúng tôi nghe nhiều lời than phiền về việc thế hệ trẻ bây giờ không quan tâm tới sách, không chịu đọc sách.
Nhưng khi bước vào tìm hiểu truyền thông cho một số công ty sách, đam mê và tìm sách để phục vụ công việc, chúng tôi mới thấy nhu cầu về sách thực ra rất lớn.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là không phải ở đâu người đọc cũng có điều kiện đọc sách. Điều kiện ở đây không hẳn chỉ đơn thuần là tiền mua sách.
Lựa chọn sách đọc đã ít mà có nhiều người cũng không biết lựa sách thế nào cho bổ, cho hay, cho đáng đọc. Đã thế thì chớ lại có người làm nghiêm trọng hoá việc đọc sách lên như thể đó là cái gì cao siêu, khiến nhiều người Việt cùng có hội chứng sợ đọc sách. Cả những cuốn sách nhiều lỗi, nội dung nhạt nhẽo trôi trôi nổi nổi cũng làm giảm ham thích với sách của họ.
Việc tổ chức không gian văn hóa đọc tạo môi trường gần sách rất quan trọng trong việc khuyến đọc.
Thời gian mở cửa các thư viện hầu như đều rơi vào ngày từ thứ 2 đến thứ 7 trong các giờ hành chính bởi còn đến trường, đi làm kiếm sống nên không phải ai cũng đi đọc sách, mượn sách vào giờ đó được.
Tại buổi trao đổi giao lưu Hội sách xuyên Việt năm 2022, một bạn đọc đã mạnh dạn đề nghị điều chỉnh giờ mở thư viện cả ngày chủ nhật với lãnh đạo TP Huế. Thế nhưng điều băn khoăn là ai sẽ trả lương cho văn thư mở cửa ngoài giờ?
Ta phàn nàn không có thời gian như thế thôi nhưng kỳ thực lại có nhiều thời gian để bấm điện thoại mọi lúc mọi nơi. Nếu số sách cũng nhiều, cũng kè kè bên cạnh như chiếc điện thoại chắc chắn ta sẽ đọc nhiều hơn.
Đó là bí quyết Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Thái Hà Books – trao truyền cho bạn đọc Huế khi dí dỏm nói muốn con đọc sách dễ thôi: “Hãy sắm cho giá sách nhà bạn to gấp mười lần tủ lạnh”.
Nghe hài hước nhưng đúng thật đau lòng bởi nhiều gia đình có tủ lạnh nuôi dạ dày còn to hơn cả giá sách nuôi tâm hồn, trí tuệ.
Mấy năm trước, tôi có quen một người chú là giảng viên về hưu mở lò luyện thi đại học lớn ở TP Huế. Một buổi chiều nọ, ông ngồi bên phố Phan Chu Trinh, bên chai bia, ông rầu rĩ nói: “Nhà có hàng ngàn cuốn sách mà con ba đứa không ai buồn đọc, giờ chẳng nhẽ bỏ kho, mối ăn”.
Ông bạn của chú – một biên tập viên về hưu, hơi trầm ngâm, rót một ly bia tràn bọt ra mặt bàn, cũng buồn giọng, khề khà nói: “Tôi sách phòng trong phòng ngoài mà con có ngó tới đâu”. Ông thở hắt rồi uống cạn một hơi.
Trẻ yêu sách khi có môi trường gần sách ngay từ khi còn nhỏ, tủ sách gia đình là môi trường để tổ chức một cách không gian văn hóa đọc.
Nghe có vẻ như các ông bố buồn phiền về tình trạng lơ sách của con. Tuy nhiên, ông nói con hãy đọc đi, nhưng nếu con ngồi đọc, ông bố lại khật khà quán xá, bia bủng.
Chưa bao giờ ngồi đọc cùng con một trang sách, nói chuyện hay, chuyện dở của một cuốn sách, luận bàn với con về những điều cũ, điều mới điều đáng học, điều đáng bỏ đi của sách.
Khi hai ông nhận ra thì thời gian đã khiến những đứa trẻ ấy trở thành người chưng rượu, chưng bình trên giá thay sách. Một đứa luôn ngả tay xin tiền, còn đứa kia nhờ mối quan hệ của bố cũng kiếm được công ăn việc làm ổn định nhưng đến tuổi tứ tuần còn sa ngã bạn bè lôi kéo hút sách, nghiện ngập.
Cũng phải nói thêm rằng không phải ai cũng đọc loại sách giống nhau. Bởi vì chúng ta không tiêu hoá những cái chúng ta không cần, không thích. Đọc loại sách nào lại tuỳ vào sở thích, công việc, nhu cầu của từng người. Sách này bố mẹ đọc thì hợp nhưng tuổi của con cần sách khác.
Chính vì vậy, bố mẹ cần định hướng cho con hay hỏi xem con muốn đọc gì, con quan tâm tới điều gì. Tiến sĩ Hùng nhấn mạnh với phụ huynh đang trăn trở chuyện con không màng đến sách: Phải biết cây hoa mình trồng vàng lá do sâu ăn hay do thiếu phân bón, thiếu nước để tưới.
Nói chuyện đọc sách thì không thể không nhắc tới trăn trở địa chỉ để mua sách còn ít so với nhu cầu, các đầu nậu sách lớn thường không phải ở xã, huyện, thị xã. Phố sách lớn thường ở thủ đô hay thành phố lớn.
Những ai từng say mê tiểu thuyết Nhật Bản “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” của tác giả trẻ đương đại Yagisawa Satoshi đều say mê nơi có những phố sách cũ nối dài cả không gian lẫn thời gian, truyền từ nhiều thế hệ.
Có mọt sách nào không ao ước đặt chân tới phố sách như cô gái Takako ở, dù chỉ là đặt chân tới qua sách. Phố sách cũ, hiệu sách cũ khiến cô gái thất nghiệp vốn chẳng biết phải đọc sách như thế nào, nên đọc cuốn nào trước được sống trong bầu không khí ngập tràn sách, cũng chẳng lâu để trở thành người đam mê sách, yêu sách, yêu cả công việc bán sách. Do đó, tạo không gian đọc rất quan trọng để phát triển văn hoá đọc.
Những cuốn sách chiếu bóng giúp trẻ chưa biết chữ sớm tương tác với sách, nuôi dưỡng đam mê đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.
Ngay như Huế – trung tâm văn hoá, đang xây mộng trở thành Trung tâm đọc của cả nước và thế giới, người đọc vẫn “đói sách”. Có đường sách Hai Bà Trưng thí điểm chưa bao lâu đã lẫn tạp chất lượng, rồi đóng cửa, để lại những người đọc trẻ chỉ biết nương nhờ vào các trang bán hàng điện tử, gửi từ các tỉnh thành khác về.
Thế mới không quên thời còn học phổ thông ở thị trấn phố núi ở Hà Tĩnh, thầy chủ nhiệm tôi đã thương trò, đi đâu cũng tha về tổ những cuốn sách mới.
Nhớ mỗi dịp thầy đi ra Vinh, hay xa hơn là Hà Nội lại mang về những chồng sách mới. Học sinh được cầm trên tay những bản sách mới mừng như cầm vàng. Mà mỗi năm được bao nhiêu lần thầy đi ra khỏi phố núi để đưa về cho trò sách mới.
Dù sao chúng ta hãy trích một ít tiền hàng tháng để mua sách, dành vài tiếng trong ngày để đọc sách, tìm một ai đó để thường xuyên trao đổi về những gì đã đọc. Đôi khi không cần cái gì cũng đọc nhưng nhất định phải đọc những cuốn sách cần thiết từ sớm để tránh vấp váp, để tự tôi rèn.
Quan trọng hơn cả là kiến thiết cho tủ sách gia đình mình “to gấp mười lần cái tủ lạnh”, có thể điều đó sẽ có ích cho bản thân, cho các thành viên trong gia đình, bạn bè và truyền năng lượng đọc cho thêm nhiều người khác.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng và Văn Hóa Trung ương – từng đến Lầu Tàng Thơ, thư viện lưu trữ tư liệu cổ của Quốc gia dưới Triều Nguyễn để tặng sách quý. Ông cho rằng không có gì quan trọng hơn sách trong sự nghiệp giáo dục con người, phát triển đất nước.
Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức rầm rộ trên khắp các huyện, thị xã và đặc biệt tại Quốc tử Giám, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế liên tục từ ngày 21/4 – 25/4 với các Hội sách, Giao lưu với các nhà xuất bản; giới thiệu tác giả, tác phẩm; giao lưu khám phá “Đất nước gấm hoa và cảnh Việt trong văn chương”;… Trên toàn tỉnh, nhiều hội thi thuyết trình cuốn sách hay, các buổi triển lãm, tiếp nhận sách quý tại các thư viện… khơi dậy cho chúng ta cảm hứng đọc.
Nhưng để duy trì việc đọc trở thành thói quen của thế hệ, mỗi người phải tự kiến tạo cho mình những không gian đọc sách sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, sở thích.
Nhìn lại, nếu ngày sách không phải là “phong trào” khởi lên vài ngày trong năm thì sách đang ở vị trí quá “khép nép” trong đời sống đương đại, thiếu ở thành thị lại càng thiếu ở nông thôn.
Chúng ta chứng kiến không ít nhà sách lớn, nhỏ đang dần dần đóng cửa hay thu nhỏ quy mô hoạt động. Nhiều người chợt chạnh lòng nhớ những chiếu sách cũ bên vỉa hè Nguyễn Trường Tộ (TP Huế) là nét đẹp vang bóng một thời, hay nhà sách Phú Xuân ở vị trí đẹp nhất thành phố bên kia bờ bắc cầu Trường Tiền…
Trong Đại Nội Huế, ngay trên điện Thái Hòa, nếu chăm chú nhìn sẽ thấy có chữ “Sách”. Đó là câu thơ “Xa thư vạn lý đồ”, nghĩa là xe và sách đều được xem như những vật thể và phi vật thể quý của đất nước. Xe và sách trải ra trên vạn dặm đất nước. Không gì quan trọng hơn sách trong sự nghiệp giáo dục, phát triển đất nước, chấn hưng văn hóa…
Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Bảo Hòa