Thứ Bảy, 07/12/2024, 23:57

Ngân hàng tuần qua: Phó chủ tịch SeABank nêu 6 kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội

Xem thêm

6 kiến nghị của bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) liên quan đến hoàn thiện môi trường pháp lý, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được nêu tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ngân hàng tuần qua: Phó chủ tịch SeABank nêu 6 kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội

Phó chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga.

Phó chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga nêu 6 kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội

Phát biểu tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã đưa ra 6 kiến nghị liên quan đến hoàn thiện môi trường pháp lý, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Một là kiến nghị nghiên cứu, xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử từ năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan;

Song song với đó là đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành ra soát, sửa đổi bổ sung việc chấp nhận phương thức giao dịch điện tử trong các thông tư liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng nói chung, từ đó xây dựng hành lang pháp lý quan trọng giúp các ngân hàng hoàn thiện mục tiêu chuyển đổi số định hướng đến năm 2030.

Hai là về quản lý ngoại hối, cần nghiên cứu điều chỉnh pháp lệnh ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, theo hướng không phân biệt đầu tư gián tiếp và trực tiếp như quy định tại Luật Đầu tư, đồng thời định hướng quản lý phù hợp với các giao dịch ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Ba là về hoạt động xử lý nợ xấu thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu, qua đó đã tạo được hành lang pháp lý trong việc xử lý nợ, nhằm hỗ trợ cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, vì vậy cần nghiên cứu ban hành văn bản gia hạn.

Bốn là về phạm vi hoạt động của tổ chức tín dụng, đề xuất bổ sung vào Luật Các tổ chức tín dụng hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết, để mở rộng hoạt động như nghiệp vụ đại lý có liên quan đến hoạt động ngân hàng, đại lý quản lý tài sản, hoạt động tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Năm là hỗ trợ chính phát triển chính sách tiền tệ ổn định trong và sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ đúng, đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Sáu là về hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc thù cần có hành lang pháp lý cho việc quản lý các bất động sản từ chủ đầu tư dự án, để các tổ chức tín dụng có cơ sở cấp tín dụng với các dự án này; bên cạnh đó cần có cơ sở nhận được các tài sản làm tài sản đảm bảo.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 138.340 tỷ đồng (chiếm 38,5% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, trong quá trình triển khai quy định liên quan đến xử lý nợ xấu có một số khó khăn vướng mắc về khuôn khổ pháp lý như: Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu đã hình thành nhưng được quy định rải rác tại nhiều văn bản và chưa có luật xử lý nợ xấu.

Việc thực hiện thứ tự ưu tiên về thanh toán khi xử lý TSBĐ theo quy định tại Nghị quyết 42; việc thu giữ TSBĐ; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản và xử lý TSBĐ; việc hoàn trả vật chứng; công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự…cũng có những vướng mắc.

Vì thế, NHNN đề xuất một số nội dung dự kiến đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 (phần liên quan đến lĩnh vực ngân hàng). Đó là, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc luật hoá các chính sách quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các TCTD, theo hướng ban hành 1 luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.

Bố trí nguồn vốn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước Trung ương, địa phương, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ; phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi và phải sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý.

Dự báo lợi nhuận quý III: Ngân hàng có thêm một mùa ‘bội thu’

Trung tâm Nghiên cứu Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính lợi nhuận quý III của 32 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận và 15 doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận sụt giảm.

Dẫn đầu về số lượng và tốc độ tăng trưởng là nhóm ngân hàng, bao gồm 7 đơn vị là ACB, CTG, MBB, TCB, TPB, VCB, VPB. Theo sau đó là ngành thép, cảng biển, công nghiệp hóa chất, công nghệ… với sự xuất hiện của một số “ông lớn” như HPG, HSG, DCM, DGC, FPT, GMD, HAH…

Theo báo cáo của SSI Research, vị trí quán quân tăng trưởng quý III thuộc về Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) với dự phóng lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được nhờ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi đạt mức cao, lần lượt ước tăng 16% và 14,2% so với hồi đầu năm. Biên lãi ròng (NIM) của TPB duy trì ở mức trên 4,5%.

Như vậy lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của TPB sẽ đạt 4.400 tỷ đồng, tăng trưởng 45,3% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) cũng là một trong số các ngân hàng được SSI Research kỳ vọng ghi nhận sức bật mạnh mẽ nhất trong quý III. Nhóm phân tích này đưa ra mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hơn 35,7% so với cùng kỳ, đạt 5.200 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của TCB được dự báo ở mức khá cao, xấp xỉ 16% so với hồi đầu năm.

Sau 9 tháng, TCB có thể sẽ thu về 16.700 tỷ đồng lãi trước thuế, cao hơn 56,2% con số đạt được cùng giai đoạn năm ngoái. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường đã giảm xuống mức thấp từ quý III/2020 và duy trì cho đến nay. TCB được cho là đã tận dụng tốt nguồn CASA dồi dào, cùng với khả năng cân đối chi phí vốn thấp và triển khai hiệu quả chào bán trái phiếu ra công chúng, giúp NIM và thu nhập từ phí cải thiện.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank, HoSE: MBB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) được dự báo đạt mức tăng lợi nhuận trong khoảng 10 – 15% trong quý III và tốc độ tăng trưởng chậm dần so với quý liền trước.

Nguyên nhân chủ yếu bào mòn lợi nhuận là do các ngân hàng đã thực hiện gói giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng đã và đang chịu ảnh hưởng từ Covid-19.

Đáng chú ý, SSI Research cho rằng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) sẽ chỉ thu về 5.000 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài việc cắt giảm lãi suất cho khách hàng, ngân hàng này còn phải tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu cao hơn sau giai đoạn giãn cách xã hội dài ngày tại miền Nam. Dù vậy, các khoản vay tái cơ cấu có thể tăng thêm, song tỷ lệ nợ xấu của VCB vẫn ở mức dưới 1%, theo SSI Research.

Lãi suất liên ngân hàng có thể chịu áp lực tăng vào cuối năm

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV ở mức khoảng 3,5%-4,5%, tương ứng với con số tăng trưởng trong cả năm 2021 rơi vào khoảng 2,12%-2,44%. VCBS đánh giá con số này là tương đối khả quan so với các nước trong khu vực.

Về lãi suất, trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản dồi dào hơn hỗ trợ xu hướng giảm lãi suất.

Theo VCBS, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mặt bằng như hiện tại với thanh khoản thị trường dồi dào bởi các lý do: các ngân hàng trung ương trên thế giới hướng tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng dần dần, như vậy thanh khoản dồi dào vẫn được đảm bảo trên hệ thống ngân hàng; Việt Nam cùng các nền tảng kinh tế vĩ mô là điểm đến thu hút của dòng vốn đầu tư nước ngoài; bối cảnh tình hình kinh tế trong nước là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước có dư địa để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.

Tuy vậy, VCBS cho rằng không loại trừ khả năng lãi suất liên ngân hàng có thể chịu áp lực tăng nhất định, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Nguyên do thứ nhất là yếu tố mùa vụ, cuối năm thường là thời điểm ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị thanh khoản đáp ứng các nhu cầu cuối năm của khách hàng đòi hỏi sự chuẩn bị nguồn lực tài chính nhất định. Thứ ba, Chính phủ tiếp tục cho thấy sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, tạo nên kỳ vọng lượng tiền gửi được Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng sẽ đi ra ngoài thị trường.

“Như vậy, trong quý IV, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì xung quanh mặt bằng như hiện tại và chỉ ghi nhận một số áp lực tăng ngắn hạn vào cuối năm”, nhóm chuyên gia của VCBS nhận định.

‘Ngân hàng thường có tư tưởng ‘ông lớn’ khiến công ty fintech lép vế khi hợp tác’

Tại Hội thảo Future Banking & Financial Services Forum 2021 diễn ra mới đây, trên cương vị người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn NextTech, Shark Bình cho biết NextTech đã hợp tác với hầu hết các ngân hàng từ rất sớm và có được nhiều kinh nghiệm.

Theo Shark Bình, trong giai đoạn năm 2009 khi NextTech mới thành lập, việc hợp tác giữa công ty fintech và ngân hàng là rất khó khăn, phải thuyết phục và lôi kéo bằng nhiều nỗ lực khác nhau nhưng hầu như nhận lại đều là những cái lắc đầu và sự im lặng. Các trường hợp được hợp tác cũng phải chờ rất lâu.

Shark Bình cho biết các ngân hàng đi đầu trong việc hợp tác với công ty fintech thường được hưởng lợi rất nhiều. Đơn cử khi NextTech hợp tác lần đầu với Vietcombank vào năm 2009 trong việc đưa tài khoản internet banking của người dùng có thể thanh toán được qua mạng, số liệu trong giai đoạn đó cho thấy khoảng 60% các giao dịch trực tuyến đều thông qua tài khoản của Vietcombank.   

Shark Bình cho rằng việc ngân hàng cởi mở trong hợp tác với fintech, biến fintech thành cánh tay nối dài có thể đem lại nhiều lợi ích. Theo ông, mỗi nhân viên của ngân hàng đều có rất nhiều chỉ tiêu nhưng fintech chỉ có một mục tiêu duy nhất là tăng doanh số. 

Tuy nhiên, Chủ tịch NextTech cũng cho biết trong các thỏa thuận hợp tác giữa ngân hàng và công ty fintech cần có sự sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi. Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng các ngân hàng thường có tư tưởng “ông lớn”, có lợi thế về tài chính nên đưa ra các thỏa thuận “sát ván” làm công ty fintech bị lép vế, dù hiện tại cũng đã có nhiều ngân hàng cởi mở hơn.

Về phía các công ty fintech, Shark Bình cho rằng nhóm công ty này cần phải xác định thế mạnh và năng lực riêng biệt vì bản chất việc hợp tác với ngân hàng là đứng trên vai người khổng lồ. Nếu không có thế mạnh thì có thể bị người khổng lồ “nuốt chửng”.

Link gốc

 

 

 

Bài viết mới