Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm trước đó, 2021 được nhận định sẽ là thời điểm bản lề để Việt Nam triển khai mạnh mẽ hơn nữa các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và hòa mình vào Cuộc cách mạng côn nghiệp lần thứ tư cùng thế giới.
Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế – xã hội [1]
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia ngày 9/1/2021. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông.
Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả.
Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Những hạn chế nêu trên có những nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất. Khả năng phân tích, dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ tác động đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước còn hạn chế.
Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ.
Nhiều chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện lễ Khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), khai trương Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 – VIIE 2021) ngày 09/01/2021. (Ảnh: TRẦN HẢI).
– Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Bộ Chính trị đã họp, thảo luận và ban hành nghị quyết chuyên đề về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết 52/BCT). Mục tiêu tổng quát là: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.”. Nghị quyết đưa ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2025, 2030 và 2045. Đến năm 2045 –thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.”
Trên tinh thần đó, Nghị quyết 52 đề ra 8 chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư[2], làm cơ sở cho toàn bộ hệ thống chính trị tổ chức và thực hiện.
– Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW, cũng như để xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 52-NQ/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 (Nghị quyết 50/CP).
Nghị quyết 50/CP đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu [3] với 8 nhóm đề án với 25 đề án/nhiệm vụ cụ thể [4]. Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ trước ngày 01 tháng 6 năm 2020.
– Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngày 16/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg về Ban hành Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm 4 lĩnh vực [5]:
+ 12 công nghệ thuộc Lĩnh vực công nghệ số (Digital technologies), đơn cử như: Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence); Internet vạn vật (Internet of Things); Công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics)…
+ 06 công nghệ Lĩnh vực vật lý (Physics), đơn cử như: In 3D tiên tiến (Advanced 3D Printing); Công nghệ chế tạo vật liệu nano (Nanomaterials)…
+ 08 công nghệ Lĩnh vực công nghệ sinh học (Biotechnologies), đơn cử như: Sinh học tổng hợp (Synthetic biology); Công nghệ thần kinh (Neurotechnologies)…
+ 11 công nghệ Lĩnh vực năng lượng và môi trường (Energy and Environment).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.
– Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển.
Ngày 30/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg về Ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Theo đó, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (Phụ lục I): gồm 99 nhóm; Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển (Phụ lục II): gồm 107 nhóm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
– Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Căn cứ Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của Chương trình là: Đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội (có các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030).
Chương trình đề ra 6 nội dung: 1. Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; 2. Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; 3. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; 4. Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 5. Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; 6. Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
– Khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), khai trương Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 – VIIE 2021) ngày 09/01/2021.
Sáng 9/1, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Cùng lúc, Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 – VIIE 2021) được khai trương tại đây. Cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự sự kiện còn có đại diện nhiều bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Đây là sự kiện đầu tiên trong năm 2021 về đổi mới sáng tạo, khởi đầu của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên.
Lần đầu tiên được tổ chức, Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam quy tụ đầy đủ, tất cả các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, các viện nghiên cứu, trường đại học, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ, mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam và đặc biệt có sự góp mặt của các hợp tác xã, doanh nghiệp xã hội và cả các mô hình kinh doanh của người yếu thế có ứng dụng đổi mới và sáng tạo trong các khâu sản xuất.
Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ “khai sinh” tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành một Nghị định riêng (Nghị định 94/2020/NĐ-CP) quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay.
– Hướng tới Ngày đổi mới sáng tạo Việt Nam – 10/1
Nhân sự kiện Khởi công NIC và Khai trương Triển lãm VIIE 2021 ngày 09/01/2021, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng lấy ngày 10.1 hàng năm trở thành “Ngày Đổi mới sáng tạo của Việt Nam” để trình diễn, tôn vinh hoạt động đổi mới sáng tạo của con người Việt Nam, trở thành niềm cảm hứng, sự hứng khởi cho mọi người dân “biến sáng tạo trở thành tài nguyên vô hạn cho phát triển bền vững đất nước”.
* Chú thích:
[1] Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư”.
[2] 1. Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; 2. Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia; 3. Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; 4. Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; 5. Chính sách phát triển nguồn nhân lực; 6. Chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; 7. Chính sách hội nhập quốc tế; 8. Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.
[3] 1. Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội; 2. Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia; 3. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; 4. Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; 5. Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; 6. Chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; 7. Chính sách hội nhập quốc tế; 8. Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội.
[4] Trong đó, nhóm đề án, nhiệm vụ về: Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có 4 đề án/nhiệm vụ cụ thể: 1) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; 2) Đề án quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050; Nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 về ban hành Quy chế Khu công nghệ cao; Nghiên cứu, xây dựng Danh mục các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
[5] Trong trường hợp cần thiết, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Danh mục các công nghệ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Phúc Huy