Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Có ngân hàng đã giảm lãi vay xuống dưới 7%. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá nhanh và được dự báo còn giảm tiếp.
Ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất cho vay
Gần đây, hàng loạt ngân hàng cũng đã công bố giảm thêm lãi suất cho vay hoặc tung ra các gói vay ưu đãi quy mô lớn.
Vietcombank thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Tương tự, Agribank cũng mới triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng xuất, nhập khẩu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn.
Cùng xu hướng, VietinBank vừa tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME UP lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi mới chỉ từ 6,8%/năm.
Tại BIDV, ngân hàng này đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Bên cạnh nhóm ngân hàng quốc doanh, các nhà băng tư nhân cũng tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn.
MSB vừa thông báo giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân. Chương trình được áp dụng từ nay đến hết 31/12/2023 đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí,…
Với chính sách lãi suất hấp dẫn, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99%/ năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.
Sacombank vừa thông báo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân từ nay đến cuối năm 2023. Cụ thể, Sacombank dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm. Với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.
OCB cũng mới triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất áp dụng cho khách hàng có nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mua nhà đất và ô tô với hạn mức 5.000 tỷ đồng. Theo đó, từ tháng 8, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm. Khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5%/năm.
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng mới triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm so với lãi suất thông thường. Thời gian áp dụng từ ngày 04/8-31/12/2023.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng còn phân nhóm khách hàng để thiết kế “may đo” những sản phẩm chuyên biệt, phù hợp nhất cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt, như quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành.
Lãi suất cho vay có thể giảm thêm
Các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá nhanh.
Theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VnDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới”, VnDirect đánh giá.
Theo dự báo của VnDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023.
Chia sẻ tại một diễn đàn mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, bất chấp việc NHNN đã nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Theo ông Nghĩa, chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao.
Lấy ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay lên tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 này, ông Nghĩa cho biết: “Nếu trừ 4% lạm phát thì lãi suất thực là 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực khủng khiếp như vậy”.
Còn ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG cho biết đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10% vì với lãi suất trung hạn trên 10% thì không có nền kinh tế nào khoẻ mạnh. Các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn từ 3-5%.
Ông Minh kiến nghị nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% cộng trừ như 2 năm trước đây, để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của châu Á. Đồng thời, quy định biên độ 12 tháng dưới 3%, vì biên độ trên 3% của 12 tháng thì các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Theo vietnamfinance.vn – Minh Dũng