Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội nghị có Đại sứ Ca-na-đa tại Việt Nam Shawn Steil; Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi; đại diện các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, khu vực doanh nghiệp Việt Nam trong đó hơn 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Cả nước hiện có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm chủ yếu và đang ngày càng thể hiện vai trò then chốt, nắm giữ tổng tài sản lớn nhất với trên 46% nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 42% GDP, đóng góp lớn nhất cho NSNN (30% thu ngân sách), tạo ra 85% việc làm.
Trong 2 năm qua khi kinh tế thế giới bị tác động của dịch bệnh, nhiều quốc gia tăng trưởng âm, kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,58% năm 2021 và dự báo tăng 7,5% vào năm nay. Góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng này phải kể đến đóng góp tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp.
Mặc dù kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, khu vực doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, quy mô doanh nghiệp còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa theo kịp tiến trình đổi mới của xu thế kinh tế số hiện nay; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
Doanh nghiệp tư nhân trong nước tuy đã từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu nhưng chủ yếu vẫn ở những giai đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp trong chuỗi. Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại.
Tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.
Các doanh nghiệp tiếp tục gặp phải các khó khăn mới đến từ những bất ổn kinh tế vĩ mô, cuộc xung đột Nga – Ukraina, đứt gãy thị trường và chuỗi cung ứng, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực đầu vào, chi phí sản xuất và lãi suất tăng cao, áp lực tỷ giá, lạm phát… đặc biệt các yêu cầu đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Trong bối cảnh đó Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân vượt qua các thách thức.
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, Nghị quyết 105/NQ-CP triển khai các chính sách gia hạn, giãn, giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương cho người lao động, triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất để hỗ trợ các ngành, lĩnh vực quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh và có khả năng phục hồi.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong công cuộc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp tác động xã hội (SIB) là thành phần quan trọng, vừa đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp thông thường, các doanh nghiệp SIB còn gặp khó khăn hơn do các đặc thù của mình. Mặc dù chưa có một chính sách dành riêng cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, Chính phủ luôn ghi nhận, khuyến khích và đánh giá cao các doanh nghiệp này.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ Ca-na-đa và UNDP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực triển khai Dự án Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với Covid-19 (ISEE-COVID). Nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ tư vấn, đào tạo và cả tài chính để hoàn thiện sản phẩm, nâng cao kỹ năng quản lý, bán hàng, mở rộng thị trường, có các sản phẩm rất thú vị, độc đáo.
Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ và hiệu quả Chương trình phục hồi nền kinh tế, đặc biệt tập trung triển khai gói cấp bù lãi suất 2% để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để tạo mọi điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh, tuần hoàn và bền vững.
Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Ca-na-đa và UNDP tại Việt Nam triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án ISEE-COVID, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp SIB mở rộng thị trường, nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, nhà nước; triển khai các chương trình nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương về kỹ năng hỗ trợ các SIB.
Qua đó, góp phần nâng cao năng lực của các SIB, hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,…; nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội; tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội phát triển.
Đồng thời, khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa nhân ái, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam để cùng nhau phát triển đất nước bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Shawn Steil, Đại sứ Ca-na-đa tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và những nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này.
Ông Shawn Steil cũng bày tỏ tự hào là cơ quan hỗ trợ sớm cho SIB Việt Nam và mong muốn các hoạt động của Dự án sẽ giải quyết được những thách thức, nâng cao năng lực của các SIB, xây dựng năng lực và kết nối giữa các đơn vị hỗ trợ SIB; tăng cường năng lực hoạch định chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ các SIB; thúc đẩy bình đẳng giới, đáp ứng ưu tiên giảm nghèo của Việt Nam; tạo cơ hội kết nối, hợp tác cung cấp chuỗi cung ứng; cải thiện sinh kế.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, Dự án ISEE-COVID đã đạt được thành tựu đáng kể, hỗ trợ nhóm người yếu thế; cung cấp vốn cho các doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo, cố vấn liên quan đến mô hình kinh doanh, tăng thu nhập; các chương trình đào tạo, cố vấn đã được thiết kế phù hợp với các SIB, mang lại những tác động rộng lớn. Đây là cơ hội để đánh giá những thành tựu và sự kết nối của các đối tác, truyền cảm hứng và mang lại cơ hội cho các SIB.
Bà Ramla Khalidi bày tỏ tin tưởng, tầm nhìn phát triển chung, cam kết của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo và sự đổi mới của các bên liên quan trong hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy sự phát triển của các SIB tại Việt Nam. Đây sẽ là nền tảng cho nỗ lực không bỏ lại ai phía sau và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, Chính phủ Ca-na-đa và UNDP đã đồng hành, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công cuộc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó Dự án ISEE-COVID là một trong những nỗ lực hợp tác hiệu quả giữa 3 bên.
Năm 2022, Dự án đã tuyển chọn 31 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch để cung cấp hỗ trợ vốn mồi 100 triệu đồng và hỗ trợ tư vấn 1:1 trong vòng 06 tháng cho mỗi doanh nghiệp; phối hợp với tổ chức ươm tạo uy tín để đồng hành, hỗ trợ các SIB xây dựng kế hoạch và sản phẩm kinh doanh mới ứng phó với điều kiện sau đại dịch, hình thành và phát triển Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội “SIB HUB”… Trong năm 2023, Dự án tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp SIB trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đồng hành, hỗ trợ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông và các vị khách quý đã thực hiện nghi thức ra mắt Trung tâm hỗ trợ SIB (SIB HUB). Trung tâm được thành lập nhằm đào tạo và huấn luyện cho SIB, kết nối SIB với các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư và các bên liên quan.
Tại Hội nghị, các SIB đã trình bày các kết quả thiết thực, hiệu quả mà Dự án đã triển khai trong năm vừa qua; bày tỏ cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị ươm tạo và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội; tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội phát triển bền vững trong tương lai.
Theo Cổng TTĐT Bộ KH&ĐT