Thứ Hai, 09/12/2024, 16:10

Học sinh Thủ đô ‘chạm vào Tết xưa’

Xem thêm

Những gian hàng được “dựng” lên từ tre, nứa, mái lá đơn sơ. Những chùm pháo dây được mô phỏng sinh động cùng cành mai – đào, các trò chơi dân gian…

Học sinh Trường Tiểu học Trung Tự thi gói bánh chưng.

Học sinh Trường Tiểu học Trung Tự thi gói bánh chưng.

Tất cả đã hiển hiện rõ nét trong phiên chợ Tết quê, để học sinh thỏa sức khám phá “chạm vào Tết xưa”.

Chiêm ngưỡng chợ quê truyền thống

Không khí Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang tràn ngập trong nhiều ngôi trường tại Thủ đô Hà Nội với hình ảnh quen thuộc: Bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào rực rỡ…

Tại Trường Mầm non Sao Mai (thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) những ngày cận Tết, từ giáo viên đến các bé đều cảm thấy hào hứng vì không khí Tết cổ truyền tràn ngập.

Từ nhiều ngày nay, thay vì tranh thủ nghỉ trưa, giáo viên của trường đã tỉ mỉ chuẩn bị vật liệu để tái hiện lại phiên chợ quê ngày Tết ngay sân trường. Họ đã tạo không gian sắc màu cho các em nhỏ có cơ hội trải nghiệm.

Dù sân trường không quá rộng lớn nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ, các cô giáo của Trường Mầm non Sao Mai đã tái hiện gần như đầy đủ và khéo léo những hình ảnh quen thuộc của một phiên chợ quê ngày Tết.

Ở phiên chợ này có những buộc hành tỏi khô treo lủng lẳng. Là đèn lồng, câu đối đỏ, hoa mai vàng của đất phương Nam. Là hoa đào của miền Bắc, thịt heo, lá dong xanh để gói bánh chưng, bánh tét…

Ngược về quá khứ với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt từ thời xa xưa, Trường Mầm non Sao Mai đã tái hiện lại một cách chân thực và sinh động khung cảnh Tết quê đậm chất truyền thống mang tới cho các bạn nhỏ những cái nhìn chân thực nhất về phiên chợ thời “ông bà ta”.

Các bạn nhỏ cùng bố mẹ có thể cảm nhận được không khí và nét văn hóa Việt thấm đượm trong từng chi tiết mộc mạc nhưng tinh tế trong không gian chợ Tết. Đây là cơ hội cho các em trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá nhiều hơn về Tết cổ truyền và mùa xuân.

Tết Nguyên đán – là thời điểm giao thoa giữa đất trời, là lúc mọi người cùng nhau nhìn lại một năm cũ đã qua và chào đón một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn. Và những phiên chợ quê trong lòng mỗi người dân Việt Nam là một phần trong đời sống văn hóa, đi vào tiềm thức của những người dân quê với những hình ảnh mộc mạc, thân quen.

Chị Ngô Thị Đăng, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Sao Mai chia sẻ, khi được cùng với các con tham gia chương trình Tết tại trường cũng như được xem các con biểu diễn trên sân khấu và tham quan các gian hàng chợ quê như mình được trở lại thuở thơ ấu.

“Đây là một sân chơi thú vị, không chỉ giúp cho các con tìm hiểu về phong tục tập quán xưa, giúp các con có cái nhìn mới mẻ hơn về Tết truyền thống, mà còn giúp cho các bậc phụ huynh có thêm thời gian ở bên con cái và hiểu về con mình hơn…”, chị Đăng nói.

Từ trải nghiệm đến giáo dục lịch sử

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Ngô Phi Khanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết, thầy và trò nhà trường đã tái hiện Lễ hội mùa Xuân và Tết xưa qua hoạt động trải nghiệm.

“Lễ hội Xuân năm 2021 nhà trường phối hợp với Công ty Bamboo tổ chức với mong muốn tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Qua đó, phát huy khả năng độc lập, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, có thêm những hiểu biết về phong tục, tập quán của người Việt trong ngày Tết cổ truyền. Đặc biệt, học sinh biết quan tâm, chia sẻ với cộng đồng và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường…”, cô Khanh nói.

Tại Lễ hội Xuân năm 2021, sân Trường Tiểu học Trung Tự ngập tràn sắc đỏ của những chiếc đèn lồng được treo khéo léo trên cây. Cùng với đó là sắc vàng rực rỡ của những câu đối. Đặc biệt là không gian chợ Xuân được tái hiện thông qua sự thể hiện của các khối học.

Sau các tiết mục văn nghệ chào mừng do chính học sinh biểu diễn, Lễ hội Xuân với nhiều hoạt động hấp dẫn, in đậm bản sắc văn hóa cổ truyền. Ấn tượng nhất là con học sinh được xem kịch “Sự tích bánh chưng, bánh giầy”. Đây là hoạt động được chính các em và thầy cô xây dựng và biểu diễn.

Cùng với đó học sinh được hướng dẫn và chơi nhiều trò chơi dân gian như: Rung chuông Vàng, bịt mắt bắt vịt, đua gậy hơi, bóng đụng, phi tiêu bóng, vòng tay may mắn…

“Mỗi trò chơi đem đến cho học sinh niềm vui và trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, trong số đó là phần thi viết chữ thư pháp. Đây là hoạt động ý nghĩa, tạo điều kiện cho học sinh yêu thích nghệ thuật và có năng khiếu viết thư pháp được thể hiện khả năng của mình. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt…”, cô Khanh chia sẻ.

Cô Khanh cho biết, dịp này nhà trường lồng ghép để sơ kết học kì I (năm học 2020 – 2021). “Tổng kết những thành tích đáng tự hào mà tập thể giáo viên và học sinh nhà trường đã đạt được trong học kì I. Cũng tại buổi lễ, nhà trường đã tuyên dương, khen thưởng cho các lớp đạt xuất sắc, các học sinh tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc trong học tập…”, cô Khanh thông tin.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Đăng Chung

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới