Tỷ phú Jeff Bezos mới đây đã từ chức giám đốc điều hành, chỉ còn giữ ghế chủ tịch của của Amazon – “đứa con cưng” mà ông đã thành lập cách đây 27 năm.
Ông Jeff Bezos thành lập cửa hàng sách trực tuyến nhỏ Amazon từ năm 1994.
Vào năm 1994, cửa hàng bán sách trực tuyến nhỏ của ông chủ Jeff Bezos chính thức được thành lập. Sau 27 năm, Amazon giờ đây đã trở thành đế chế thương mại điện tử hàng đầu thế giới và đưa cái tên Jeff Bezos vào danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh.
Đến ngày 5/7, người sáng lập và cũng là người điều hành quan trọng của gã khổng lồ này đã chính thức từ chức để nhường lại vị trí cho ông Andy Jassy – người đang điều hành bộ phận điện toán đám mây của công ty.
Sự chuyển đổi nhân sự cấp cao của đế chế này đã khiến người ta phải nhìn lại những con số ấn tượng về hoạt động kinh doanh dưới thời tỷ phú Jeff Bezos.
Từ một cửa hàng sách nhỏ, Amazon ngày nay đã có giá trị thị trường hơn 1.700 tỷ USD, doanh thu hàng năm là 386 tỷ USD đến từ các hoạt động thương mại điện tử, điện toán đám mây, cửa hàng tạp hóa, trí tuệ nhân tạo, truyền thông trực tuyến. Doanh thu ấn tượng của công ty này gần tương đương với GDP của Argentina.
Doanh thu ấn tượng của Amazon kể từ năm 1995.
Thành lập trong một garage nhỏ trong căn nhà của gia đình ông Jeff Bezos ở Seattle, Amazon giờ đây đã phát triển với quy mô tổng diện tích lên tới 44,1 triệu m2. Con số này tương đương hơn 8.246 sân bóng đá. Bên cạnh đó, số lượng 1,3 triệu lao động của công ty nhằm phục vụ mạng lưới gồm hơn 2.200 nhà thầu đối tác đã giúp Amazon trở thành “gã khổng lồ” sở hữu nhiều nhân viên nhất tại Mỹ.
Với sức người và sự phát triển của mảng kinh doanh trực tuyến, trong năm 2020, Amazon đã vận chuyển gần 5,1 tỷ gói hàng cho khách toàn cầu, tương đương với Dịch vụ Bưu chính Mỹ.
Để phục vụ khối lượng hàng hóa khổng lồ, Amazon cũng trang bị mạng lưới gồm ít nhất 30.000 xe tải, 20.000 xe đầu kéo và đặt hàng 100.000 xe tải điện cỡ nhỏ. Bên cạnh đó, Amazon cũng dự định nâng tổng số máy bay vận chuyển của hãng lên 85 chiếc tính đến cuối năm 2022.
Để có những con số ấn tượng này, không thể phủ nhận “vũ khí” lợi hại nhất mà Amazon sở hữu là nhà lãnh đạo với tầm nhìn đi trước thời đại.
Ông Darrell West, thành viên cấp cao thuộc Trung tâm Đổi mới Công nghệ của Viện Brookings, nhận xét: “Ông Bezos đã là một nhà lãnh đạo mang tính chuyển đổi trong các lĩnh vực bán sách, bán lẻ, điện toán đám mây và giao hàng tận nhà”.
Thêm vào đó, ông Roger Kay, chuyên gia phân tích thuộc công ty cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn Endpoint Technologies Associates, cho biết ông Bezos “có bản năng” tìm kiếm thị trường khi khéo léo chuyển đổi từ sách sang các loại hàng hóa khác và đi đầu trong việc xây dựng thị trường trực tuyến.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định Amazon tồn tại lâu hơn các đối thủ bằng cách bỏ qua lợi nhuận trong những năm đầu thành lập và tái đầu tư vào việc mở rộng: “Nếu bạn nhìn vào quỹ đạo bây giờ, tất cả đều hợp lý. Có thể nói, ông Bezos là một trong những kiến trúc sư kinh doanh giỏi nhất trong thời đại của ông ấy”.
Hầu hết các nhà phân tích thị trường đều đánh giá người đứng đầu Amazon, ông Jeff Bezos, đã nắm bắt trọn vẹn khái niệm về thương mại điện tử và hoàn thiện nó. Ông không chỉ nhận ra sự cần thiết của việc xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà kho, phương tiện vận chuyển, các dịch vụ logistics cho riêng Amazon mà còn song song phát triển Amazon Web Services, công ty con cung cấp các nền tảng điện toán đám mây theo yêu cầu cho các cá nhân, công ty và chính phủ, trên cơ sở trả tiền theo nhu cầu sử dụng.
Ông chủ Amazon chú tâm vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển của công ty.
Hiện tại, dù đang đối mặt hàng loạt sự giám sát gắt gao từ chính phủ cũng như vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về việc lợi dụng quy mô để thực hiện những chiến dịch kinh doanh nhằm “đè bẹp” các đối thủ cạnh tranh, nhưng không thể phủ nhận những thành công ngoạn mục mà khó có công ty nào sánh bằng Amazon.
Việc rời khỏi ghế giám đốc điều hành của ông Jeff Bezos để tập trung vào dự án công ty vũ trụ Blue Origin, nỗ lực chống biến đổi khí hậu và các dự án từ thiện đã để lại câu hỏi về tương lai của đế chế hùng mạnh Amazon sau này.
Được biết, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, vị thế và quy mô của Amazon càng được phát triển, mở rộng khiến các nhà lập pháp Mỹ phải cân nhắc về một biện pháp nhằm chia nhỏ Amazon trong lo ngại rằng công ty đã quá hùng mạnh và ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh công bằng.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng nếu buộc phải chia nhỏ, mỗi đơn vị của Amazon sẽ phát triển mạnh mẽ trong thị trường riêng của mình. Kết quả là, hoạt động tổng thể có thể sẽ còn thành công hơn rất nhiều và điều này sẽ không khiến các cổ đông phiền lòng.