Thứ Sáu, 11/10/2024, 21:02

Hạt điều Bình Phước bị nhái thương hiệu tràn lan thị trường

Xem thêm

Hiện nay trên thị trường, nhiều người đang rao bán các sản phẩm hạt điều gắn nhãn “Bình Phước” trên mạng xã hội với giá “siêu rẻ”. Vì vậy Hội điều Bình Phước đề nghị phải có biện pháp bảo vệ thương hiệu đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Lướt qua một số website và mạng xã hội, người tiêu dùng có thể bắt gặp nhiều tên miền, tài khoản đăng thông tin bán sản phẩm điều có ghi chỉ dẫn “Bình Phước”, với những thông tin như: 100.000 đồng/6 hộp hạt điều bể/3kg; 100.000 đồng/3 hộp hạt điều còn vỏ lụa/1,5kg…

Qua khảo sát của Hội Điều Bình Phước và các doanh nghiệp chế biến của tỉnh nhận thấy: Sản phẩm không nhãn mác, không ghi thông tin sản phẩm, không có hạn sử dụng, nên không có cơ sở truy xuất nguồn gốc người chế biến, không biết ai là người chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Chất lượng hạt điều kém, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

hat dieu binh phuoc

Hạt điều Bình Phước bị nhái thương hiệu tràn lan thị trường.

Hành vi giả mạo các sản phẩm hạt điều có nguồn gốc từ tỉnh Bình Phước đã xâm phạm nghiêm trọng đến chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) bảo hộ tại Quyết định số 673/QĐ-SHTT ngày 13/3/2018.

Đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu “Hạt điều Bình Phước” và quyền lợi của các doanh nghiệp điều trên địa bàn tỉnh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm hạt điều kém chất lượng.

Để bảo vệ thương hiệu “Hạt điều Bình Phước”, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội điều Bình Phước đã có công văn đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan có biện pháp chấn chỉnh việc buôn bán các sản phẩm hạt điều kém chất lượng nêu trên, đặc biệt là các thông tin quảng cáo giả mạo hạt điều Bình Phước; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý này.

Theo đó, cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hạt điều rang muối đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, và có khuyến cáo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, cần tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu kỹ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm phải có nhãn mác ghi đầy đủ thông tin của sản phẩm, cơ sở chế biến phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Hải Hà

Link gốc

Bài viết mới